Mục lục
Răng bị thưa là tình trạng khá phổ biến khi vị trí mọc của các răng không khít sát với nhau, tạo nên các kẽ hở lớn. Điều này gây ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ khi cười, nói chuyện, giao tiếp.... và đôi khi khiến nhiều người lo âu, mất tự tin. Vậy vì sao răng bị thưa và tác hại của răng thưa như thế nào?
1. Vì sao răng bị thưa? Tác hại của răng thưa như thế nào?
Tình trạng răng bị thưa có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài những các bệnh lý răng miệng thì những yếu tố như bẩm sinh, thói quen xấu cũng là lý do khiến răng thưa dần, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt. Dưới đây là 4 nguyên nhân chính khiến răng bị thưa mà ai cũng cần lưu ý:
1.1 Do mầm răng bị lệch
Mầm răng bị lệch được xét vào nguyên nhân khiến răng bị thưa mang tính bẩm sinh. Bởi nếu ngay từ phần gốc mà vị trí, hướng mọc của răng đã bị lệch thì thân răng khi mọc lên cũng không thể thẳng. Ví dụ nếu răng bị vẩu hoặc mọc chìa (vẩu ra ngoài hoặc cụp vào trong) cũng là nguyên nhân tạo nên khoảng trống giữa vị trí các răng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu mầm răng do bẩm sinh hoặc mọc ngầm cũng góp phần tạo nên các khoảng trống lớn. Từ đó các răng bên cạnh có xu hướng nghiêng dần về vị trí răng bị khuyết, gây xô lệch và khiến một số vị trí bị thưa.
Thông thường tình trạng trên xảy ra là do một số rối loạn gen ở một đứa trẻ. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì vẫn có thể xử lý và khắc phục được.
1.2 Do mắc bệnh lý răng miệng
Các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, viêm nướu, cổ chân răng mòn, viêm nha chu... nếu không được điều trị kịp thời thì cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng góp phần dẫn đến tình trạng răng bị thưa. Ví dụ như khiến cho răng hư tổn bị lung lay và rụng khỏi ổ, lúc này nếu không có biện pháp thay thế thì những chiếc răng xung quanh sẽ có xu hướng chuyển dịch về vị trí răng bị khuyết. Về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng răng ngày càng thưa dần và cách xa nhau.
1.3 Do xu hướng dịch chuyển tự nhiên của răng
Có thể điều này nghe khá lạ với nhiều người nhưng răng có xu hướng dịch chuyển tự nhiên trong suốt cuộc đời, đặc biệt rõ nhất ở trẻ em trong giai đoạn phát triển.
Tới khi trưởng thành, dù không còn quá rõ rệt nhưng răng vẫn luôn dịch chuyển. Do vậy nếu ai đã bị răng thưa sẵn thì lâu dần những khoảng trống này sẽ có xu hướng càng rộng hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp răng dịch chuyển lại giúp thu hẹp khoảng trống.
1.4 Do thói quen xấu trong chăm sóc răng miệng
Nhiều chuyên gia nha khoa đều chung nhận định là các thói quen sinh hoạt, ăn uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của răng. Ví dụ như dùng tăm xỉa răng, thở bằng miệng, dùng chỉ nha khoa không đúng cách... có thể gia tăng khoảng cách giữa các răng, khiến răng bị thưa.
Ngoài ra, răng bị thưa dần có thể còn do cách đặt lưỡi sai, khi lưỡi ở tư thế nghỉ chạm vào các răng và ngày này qua ngày khác vô tình đẩy răng ngày càng xa nhau hơn. Tư thế đặt lưỡi đúng cải thiện cấu trúc hàm, giúp gương mặt thon gọn và cân đối hơn là phải áp sát lưỡi vào vòm miệng trên.
Nhìn chung, khi răng bị thưa không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, ngoại hình mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe răng miệng, nếu kéo dài có thể làm răng bị tổn thương. Nếu đang có một số bệnh lý về răng miệng người bệnh nên đi khám và điều trị dứt điểm bệnh trước, sau đó áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng thưa càng sớm sẽ càng hiệu quả.
2. Khắc phục tình trạng răng bị thưa như thế nào?
Hiện nay, trình độ chăm sóc và điều trị nha khoa đã phát triển rất cao, vì thế khi thấy răng bị thưa dần bệnh nhân không cần quá lo lắng. Dưới đây là các biện pháp phổ biến nhất đang được nhiều trung tâm nha khoa áp dụng để thu hẹp khoảng răng cho khách hàng:
2.1 Hàn trám răng
Đối với biện pháp này, nha sĩ sẽ dùng vật liệu có màu sắc tương đồng với màu răng tự nhiên của khách hàng để trám vào vị trí thưa. Sau đó dùng ánh sáng chuyên dụng để đóng rắn chất liệu nha khoa. Tuy là một thủ thuật đơn giản, chi phí rẻ nhưng hàn trám răng lại có hạn chế về thẩm mỹ, thường chỉ áp dụng cho khoảng cách thưa nhỏ. Do vậy, nếu khoảng trống răng lớn thì bạn nên cân nhắc đến những phương pháp khác để răng đẹp hài hòa, tự nhiên hơn.
2.2 Dán Veneer /bọc răng sứ
Đây là phương pháp có khả năng lấp đầy các khoảng trống răng lớn hơn so với hàn trám răng (khoảng 1-3mm). Bên cạnh đó dán Veneer / bọc răng sứ cũng có khả năng chịu lực và tính thẩm mỹ tốt hơn.
2.3 Chỉnh nha thẩm mỹ
Đối với các khoảng trống lớn, tùy nhu cầu và khả năng tài chính khách hàng có thể lựa chọn niềng răng mắc cài hoặc niềng răng. Đây là phương pháp chỉnh nha thẩm mỹ mà ở đó, nha sĩ sẽ lợi dụng các thiết bị chuyên dụng để tạo ra các áp lực lên răng. Các áp lực này luôn được đảm bảo nằm trong ngưỡng chịu đựng của răng, nhờ đó khoảng trống giữa các răng sẽ dần khép lại.
Không chỉ giúp thu hẹp khoảng răng, niềng răng còn giúp căn chỉnh khớp cắn chuẩn mà không ảnh hưởng đến cấu trúc răng thật. Do đó phương pháp an toàn này rất được các nha sĩ ưa chuộng.
2.4 Trồng răng Implant
Nếu khoảng trống giữa các răng là quá lớn và xuất phát từ nguyên nhân bị mất răng thì trồng răng Implant là lựa chọn phù hợp. Bằng cách sử dụng trụ được làm từ titan ghép nối với phần mão sứ ở trên để lấp đầy khoảng trống do răng đã mất để lại, cắm trụ implant được coi là biện pháp hiệu quả trong ngành phục hồi răng. Tuy nhiên, nhược điểm của biện pháp là chi phí thực hiện cao và đòi hỏi tay nghề nha sĩ phải rất vững.
Hy vọng thông qua những thông tin ở trên, bạn đã giải đáp được lý do vì sao răng bị thưa dần. Đồng thời nắm được những kỹ thuật nha khoa được áp dụng để khắc phục tình trạng này. Để tránh răng bị thưa và cần đến can thiệp nha khoa chuyên sâu, việc chăm sóc răng miệng đúng cách, loại bỏ các thói quen xấu cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị.
- Làm gì khi bị răng thưa hàm dưới?
- Răng thưa và hôi miệng khắc phục thế nào?
- Răng thưa có niềng được không và nên niềng loại nào phù hợp?