Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Khánh Nam - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Đối với những ai niềng răng thì việc vệ sinh răng miệng cẩn thận là vô cùng quan trọng. Vì trong quá trình niềng răng, răng và hàm sẽ yếu hơn bình thường, rất dễ bị tổn thương. Cho nên việc sử dụng bàn chải kẽ răng là một lựa chọn phù hợp nhất.
1. Bàn chải kẽ răng là gì?
Bàn chải kẽ răng là loại bàn chải nhỏ chuyên dụng để vệ sinh răng miệng được thiết kế riêng dành cho việc làm sạch các khe giữa các răng - vị trí khó vệ sinh nhất trong khoang miệng.
Bàn chải kẽ răng giúp việc loại bỏ cặn thừa thức ăn thừa còn đọng lại trên kẽ răng một cách dễ dàng, nơi mà bàn chải thông thường không thể tác động đến được.
Cấu tạo của bàn chải kẽ răng bao gồm: Phần đầu bàn chải là một thanh thép cuốn duy nhất ở giữa, xung quanh là những sợi lông mềm (được sắp xếp theo chiều từ to đến nhỏ), thành phần nà có độ đàn hồi, có thể dễ dàng uống cong và luồn lách vào các vị trí khe răng hoặc khe niềng để quét sạch mảng bám một cách dễ dàng, hiệu quả.
Bàn chải kẽ răng là dụng cụ không chỉ giúp ích riêng cho những người niềng răng mà chúng còn giúp cho việc vệ sinh răng miệng của bất kỳ ai cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
2. Bàn chải kẽ răng có thực sự hiệu quả?
Theo 1 thử nghiệm khi sử dụng bàn chải thông thường và bàn chải kẽ răng, kết quả đã cho thấy:
- Khi đánh răng bằng bàn chải thông thường: Tỷ lệ làm sạch khoang miệng, loại bỏ được khoảng 60% mảng bám răng ở kẽ răng.
- Còn người sử dụng bàn chải kẽ răng kết quả loại bỏ mảng bám, làm sạch răng miệng lên đến 95%. Có thể thấy đây là vật dụng có thể sử dụng mỗi ngày để ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng như viêm nướu, sâu răng và hôi miệng.
- Trên thực tế, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng bàn chải kẽ răng mang lại hiệu quả trong việc loại bỏ các mảng bám tốt hơn so với sử dụng chỉ nha khoa, khi sử dụng chỉ nha khoa kết hợp với đánh răng thông thường.
2.1 Ưu điểm vượt trội của bàn chải kẽ răng so với các loại bàn chải thông thường
- Kết cấu của bàn chải kẽ răng tiện lợi
- Đầu bàn chải kẽ răng có thể điều chỉnh. Hiện tại trên thị trường có 2 loại đầu bàn chải kẽ răng:
- Loại hình chữ I: Loại này có hình dạng thẳng, giống như chữ I, giúp làm sạch các răng mặt phía trước ví dụ như răng cửa.
- Loại hình chữ L: Loại này có 1 góc vuông cố định, hình dáng này giúp làm sạch các răng phía sau bên trong dễ dàng hơn ví dụ như răng hàm lớn.
- Bàn chải kẽ răng thường có tay cầm ngắn hoặc hình dạng đặc biệt giúp cầm nắm dễ dàng và được thiết kế để dễ dàng chèn vào khoảng giữa các răng một cách nhẹ nhàng.
- Bàn chải kẽ răng có thể được tái sử dụng nhiều lần. Có thể dễ dàng thay thế bàn chải kẽ răng khi phần lông bị mòn hoặc dây đầu bàn chải bị uốn cong.
2.2 Cách sử dụng bàn chải kẽ răng
Bàn chải kẽ răng có những ưu điểm vượt trội nên cách dùng có khác hơn so với bàn chải thông thường. Cách dùng bàn chải kẽ răng mà bạn có thể tham khảo như sau:
Bước 1: Đặt đầu bàn chải nghiêng ra ở vùng chân răng giữa 2 răng. Tìm góc chèn tối ưu và đẩy bàn chải kẽ răng vào nửa chừng khe răng
Bước 2: Giữ vững lực, giữ cho tay cầm của bàn chải nằm ngang ở một góc 90 độ so với răng.
Bước 3: Không cần đẩy bàn chải tiếp sâu hơn nữa, xoay nghiêng bàn chải kẽ răng về nướu răng và di chuyển đều tại vùng khe răng. Cuối cùng đưa bàn chải ra ngoài – hoàn thành cách dùng bàn chải kẽ.
3. Lưu ý cho cách dùng bàn chải kẽ răng
3.1 Lựa chọn bàn chải kẽ răng phù hợp
Cần lựa chọn bàn chải kẽ răng có kích thước chính xác, phù hợp với hàm răng bản thân. Vì nếu sử dụng bàn chải kẽ quá lớn khi dùng trong quá trình cọ xát sẽ gây ra tình trạng chảy máu răng kéo dài, gây ảnh hưởng đến nướu và dễ gây ra các bệnh lý răng miệng.Ban đầu, nên lựa chọn những kích thước phù hợp, chỉ vừa đủ lọt qua kẽ răng, vừa đảm bảo sạch thức ăn còn sót lại trong khoang miệng mà vẫn an toàn.
3.2 Điều chỉnh lực vừa phải
Không sử dụng lực quá mạnh để chà xát hoặc cố đẩy bàn chải vào những khe hẹp.
Việc điều chỉnh lực khi chải kẽ răng cũng góp phần không nhỏ vào việc giúp vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Niềng răng trong suốt invisalign và những điều cần biết
- Niềng răng mắc cài sứ và những điều cần biết
- Ưu, nhược điểm của niềng răng mắc cài kim loại thường và tự buộc