Mục lục
- 1. 1. Hoàn hảo và chủ nghĩa hoàn hảo có nghĩa là gì?
- 2. 2. Tại sao chủ nghĩa hoàn hảo không hoàn hảo?
- 3. 3. Tác hại của chủ nghĩa hoàn hảo
- 4. 4. Atelophobia - Hội chứng hoàn hảo là gì?
- 5. 5. Triệu chứng Atelophobia
- 6. 6. Nguyên nhân của hội chứng Atelophobia
- 7. 7. Chẩn đoán hội chứng Atelophobia như thế nào?
- 8. 8. Cách chữa trị Atelophobia
- 9. Đánh giá
Chủ nghĩa hoàn hảo có thể được hiểu là xu hướng con người luôn muốn đạt đến sự lý tưởng toàn diện, không tì vết, dù là trong công việc hay trong cuộc sống. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoàn hảo có thật sự “hoàn hảo”?
1. Hoàn hảo và chủ nghĩa hoàn hảo có nghĩa là gì?
Hoàn hảo có nghĩa là tốt đẹp, toàn diện và hoàn mỹ đến mức không có gì để chê trách. Chủ nghĩa hoàn hảo có thể được xem là một xu hướng tính cách, hoặc một hệ tư duy, trong đó con người luôn hướng đến một sự lý tưởng hoàn hảo không tì vết, dù là trong công việc hay trong cuộc sống.
2. Tại sao chủ nghĩa hoàn hảo không hoàn hảo?
Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy chủ nghĩa hoàn hảo không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Nghiên cứu chứng minh rằng trong những tình huống căng thẳng, những người cầu toàn có xu hướng căng thẳng hơn những người ít cầu toàn hơn. Nghiên cứu được thực hiện ở 50 người đàn ông khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, trung bình 42 tuổi. Bảng câu hỏi về chủ nghĩa hoàn hảo cho thấy có 24 người đàn ông rất cầu toàn. Họ có xu hướng lo lắng, rối loạn thần kinh và kiệt sức hơn so với 26 người còn lại.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ hormone căng thẳng cortisol và các hóa chất liên quan đến căng thẳng khác trong nước bọt và trong máu họ. Không có sự khác biệt đáng kể nào trong mẫu máu và nước bọt của những người tham gia, tuy nhiên điều này đã thay đổi khi các nhà nghiên cứu đặt những người tham gia vào hai tình huống căng thẳng: Một cuộc phỏng vấn xin việc giả và một bài kiểm tra toán bằng miệng kéo dài 5 phút trước sự chứng kiến của một nam và một nữ. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi huyết áp và nhịp tim của người tham gia trong các cuộc kiểm tra. Kết quả cho thấy nồng độ cortisol trong nước bọt ở những người theo chủ nghĩa hoàn hảo tăng cao hơn trong quá trình thử nghiệm và tiếp tục tăng trong 20 phút nữa, đạt đỉnh muộn hơn khoảng 10 phút so với những người ít cầu toàn hơn. Một giờ sau khi kiểm tra, những người đàn ông theo chủ nghĩa hoàn hảo vẫn có nồng độ cortisol trong nước bọt cao hơn những người còn lại.
3. Tác hại của chủ nghĩa hoàn hảo
Những bằng chứng khoa học trên có thể phần nào cho ta thấy chủ nghĩa hoàn hảo không thực sự hoàn hảo như mọi người vẫn lầm tưởng. Trên thực tế, chủ nghĩa hoàn hảo còn mang đến nhiều tác hại về sức khỏe tâm lý cũng như những hệ quả trong công việc và cuộc sống.
3.1. Có xu hướng né tránh, trì hoãn
Một trong những hệ lụy của chủ nghĩa hoàn hảo đó là khiến chúng ta có xu hướng né tránh và trì hoãn công việc, trách nhiệm của bản thân. Bởi lẽ chúng ta sợ phải đối mặt thất bại, với sự sai lầm, do đó chúng ta luôn né tránh những thử thách. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng không dám thừa nhận khuyết điểm, sự thiếu sót của bản thân, tự kìm hãm mình, thu mình lại và không dám đương đầu với những trải nghiệm mới thúc đẩy sự phát triển.
3.2. Luôn cảm thấy tự ti
Một người cầu toàn thường tự thấy mình thua kém hơn so với những kỳ vọng, lý tưởng hoàn hảo bản thân. Nhưng thay vì nhận ra rằng những tiêu chuẩn mình đặt ra là quá cao so với thực tế, thì họ lại có xu hướng tự đổ lỗi, tự trách cứ bản thân. Họ cảm thấy mình thất bại, vô dụng, kém cỏi và thua xa người khác.
3.3 Các bệnh lý về tâm thần
Thất bại trong việc đạt được kỳ vọng của bản thân sẽ dẫn đến những hệ quả tâm lý đáng lo ngại. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo có thể có nguy cơ mắc những bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu hay thậm chí là tự sát. Trên thực tế, những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo một cách mù quáng thường mắc phải một hội chứng mang tên hội chứng hoàn hảo (Atelophobia). Đây là một hội chứng hoàn toàn có thể chữa trị nếu bạn có cách tiếp cận đúng và kịp thời.
4. Atelophobia - Hội chứng hoàn hảo là gì?
Để hiểu hội chứng Atelophobia là gì? Trước hết chúng ta cần hiểu về chứng ám ảnh sợ hãi. Đó là một dạng rối loạn lo âu biểu hiện như một nỗi sợ dai dẳng, không thực tế và quá mức. Nỗi sợ hãi này còn được gọi là một chứng ám ảnh cụ thể, có thể là về một người, tình huống, đồ vật hoặc động vật.
Atelophobia có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó tiền tố Atelo(s) nghĩa là không hoàn hảo và hậu tố phobia nghĩa là nỗi sợ. Vậy Atelophobia có thể hiểu là hội chứng hoàn hảo hoặc nỗi sợ kém hoàn hảo. Những người có hội chứng này là những người cực kỳ cầu toàn, luôn lo sợ bản thân đang làm một việc không đúng hoặc không đủ tốt. Họ cũng ám ảnh rất nhiều về những sai lầm mà họ đã mắc phải, hoặc tưởng tượng ra những sai lầm mà họ có thể mắc phải. Những suy nghĩ này khiến họ bị căng thẳng quá mức, từ đó khiến họ cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, buồn nôn, khó thở, chóng mặt và tim đập nhanh.
5. Triệu chứng Atelophobia
Các triệu chứng của hội chứng hoàn hảo có nguồn gốc tương tự như các chứng ám ảnh sợ hãi khác. Đau khổ về cảm xúc là một triệu chứng phổ biến của hội chứng Atelophobia. Điều này có thể biểu hiện bằng sự gia tăng lo lắng, hoảng sợ, sợ hãi quá mức, thiếu quyết đoán, tăng động, kém tập trung. Những lo lắng quá mức có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và thay đổi cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, người mắc phải hội chứng này còn có thể có các biểu hiện về thể chất như tăng thông khí, căng cơ, đau đầu, đau bụng,...Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng những lo lắng về chủ nghĩa hoàn hảo có thể dẫn đến kiệt sức ở nơi làm việc bởi nỗi sợ hãi và nghi ngờ về hiệu suất cá nhân.
6. Nguyên nhân của hội chứng Atelophobia
Hội chứng Atelophobia có thể mang tính chất sinh học, có nghĩa là bạn luôn cảm thấy không an toàn, nhạy cảm và quá cầu toàn. Nó cũng thường là kết quả của một trải nghiệm đau thương liên quan đến những thất bại hoặc áp lực để trở nên hoàn hảo. Vì chủ nghĩa hoàn hảo là một đặc điểm tính cách được học hỏi và củng cố qua kinh nghiệm, do đó các yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng trong những nguyên nhân gây ra hội chứng này.
7. Chẩn đoán hội chứng Atelophobia như thế nào?
Để chẩn đoán hội chứng này cần phải có một chuyên gia sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học hoặc một nhà trị liệu. Họ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa trên các tiêu chí chẩn đoán đối với chứng ám ảnh cụ thể. Vì hội chứng hoàn hảo Atelophobia có thể gây ra trầm cảm, sử dụng quá nhiều chất kích thích và hoảng sợ khi bị suy nhược và tê liệt. Những người mắc chứng Atelophobia cũng có thể tìm kiếm liệu pháp để chẩn đoán các bệnh thường đi kèm như trầm cảm, lo âu và/hoặc sử dụng chất kích thích.
8. Cách chữa trị Atelophobia
Giống như các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác, người theo chủ nghĩa hoàn hảo quá mức có thể được điều trị bằng sự kết hợp của liệu pháp tâm lý, thuốc men và thay đổi lối sống. Các nhà chuyên môn sẽ dùng liệu pháp tâm lý để tìm hiểu các động cơ vô thức về nhu cầu hoàn hảo của bệnh nhân, tiếp đến là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để tiếp xúc với các kích thích sợ hãi và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực cũng như phản ứng hành vi của cơ thể trước nỗi sợ hãi kém hoàn hảo.
Điều trị hội chứng Atelophobia, giống như tất cả các chứng ám ảnh sợ hãi khác, cần có thời gian. Để đạt được hiệu quả, bạn cần nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia y tế. Làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần cho phép bạn giải quyết những suy nghĩ và niềm tin đằng sau nỗi sợ mắc sai lầm, đồng thời học những cách mới để giải quyết và đối phó với những nỗi sợ hãi này. Tìm cách giảm thiểu các triệu chứng thể chất và cảm xúc liên quan đến hội chứng Atelophobia cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn.
Cầu toàn là một đức tính tuyệt vời trong công việc và trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu bạn trở thành một người cầu toàn, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo quá mức, nó có thể biến thành nỗi ám ảnh, sợ hãi và kìm hãm sự phát triển của chính bạn.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com
- Ám ảnh sự hoàn hảo có hại gì không?
- Dễ cáu gắt, ngại giao tiếp, có suy nghĩ tự sát là triệu chứng bệnh gì?
- Để cảm thấy tự tin hơn