Mục lục
Kẽm là một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ phát triển toàn diện. Thông thường, cơ thể sẽ hấp thu kẽm từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên điều mà phụ huynh quan tâm là có nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn không? Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn như thế nào là hợp lý?
1. Vai trò của kẽm trong việc phát triển của trẻ
Kẽm là nguyên tố vi lượng, có tầm ảnh hưởng nhất định đến các cơ quan và chức năng cơ thể của trẻ em cũng như người lớn. Kẽm đóng vai trò hỗ trợ sản xuất, sinh sản và phân chia tế bào. Trong chu trình chuyển hóa sinh học, kẽm tham gia trực tiếp vào quá trình phân giải tổng hợp protein, acid nucleic và những thành phần căn bản của sự sống
Kẽm có mặt trong hầu hết các tế bào của cơ thể, nhưng tập trung nhiều nhất ở xương và cơ. Thiếu kẽm ở trẻ sẽ dẫn đến các tác hại như: tăng trưởng chậm, suy dinh dưỡng, khó thích nghi với các biến đổi, rối loạn sự hình thành xương, chiều cao cân nặng không tăng, dậy thì muộn, chức năng sinh dục bị hạn chế,...
Trả lời câu hỏi có nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn, các chuyên gia đều đồng ý rằng bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn giúp cải thiện vị giác, tạo cảm giác ngon miệng trong khi ăn, thúc đẩy trẻ tăng trưởng chiều cao và hệ miễn dịch tốt hơn.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu kẽm
Nguyên nhân thiếu kẽm thường gặp là do:
- Chế độ ăn uống có nhiều tinh bột, ít chất đạm
- Ăn đủ chất đạm nhưng khả năng hấp thu kẽm tại màng ruột kém, dẫn đến tình trạng thất thoát kẽm
- Cách chế biến món ăn làm mất đi chất kẽm
- Bệnh di truyền từ gia đình
- Dùng thuốc: Trẻ dùng sắt lâu dài sẽ cản trở sự hấp thu kẽm, đặc biệt nồng độ kẽm trong mô và trong máu giảm ảnh hưởng đến các chức năng của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.
3. Dấu hiệu của trẻ thiếu kẽm
Những biểu hiện cho thấy thiếu kẽm ở trẻ xảy ra khá đa dạng. Giai đoạn đầu nhẹ và khó phát hiện với những triệu chứng như:
- Không tập trung, mệt mỏi, hay buồn ngủ
- Không chịu ăn, không nhận biết vị của món ăn, tiêu hoá kém
- Thể chất của bé không phát triển
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng
Bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn không kịp thời và đầy đủ dẫn đến tình trạng nặng hơn, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau, từ các cấu trúc bên ngoài đến những bộ phận chức năng bên trong:
- Da: Viêm da, da dày sừng, khô da, sạm da
- Tóc: Rụng tóc nhiều, sợi tóc mỏng, xơ cứng ở tóc, dễ gãy, màu tóc chuyển từ đen sang vàng
- Móng: Mất bóng, có vệt trắng, chậm mọc lại và rất dễ gãy,...
- Mắt: Khô giác mạc, ngứa ở mắt, giảm tiết nước mắt
- Bán niêm mạc: Môi khô, lở mép, dễ bị loét áp-tơ trong niêm mạc miệng, viêm quanh hậu môn, âm hộ...
- Hệ tiêu hóa: Mất nhạy cảm vị giác, ăn không ngon, chán ăn, dễ bị tiêu chảy
- Hệ miễn dịch: Giảm miễn dịch dẫn đến nhiễm trùng tái diễn
- Hệ thần kinh: Hệ thần kinh hoạt động bất thường, nhận thức bị rối loạn, mắc chứng ngủ lịm, vận động khó khăn hoặc không chịu vận động
- Phát triển thể chất: Bào thai hoặc trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng nặng. Trẻ bị thiếu kẽm trong bào thai lúc sinh ra sẽ có các biểu hiện tổn thương trên lông, móng, tóc và da và suy dinh dưỡng.
4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị thiếu kẽm
Các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn như thế nào là đúng cách như sau:
- Đưa trẻ đến khám dinh dưỡng: Dựa vào kết quả lâm sàng, xét nghiệm kẽm trong máu, nước tiểu, tóc,... bác sĩ sẽ chẩn đoán trẻ có bị thiếu kẽm hay không, ở mức độ nào? Mức bằng hoặc trên 100 microgam kẽm/100ml máu là dấu hiệu bình thường. Nếu bằng hoặc dưới 70 microgam kẽm/100ml máu là dấu hiệu cho thấy bé thiếu kẽm trầm trọng.
- Bổ sung kẽm từ thực phẩm toàn phần, tự nhiên: Cân đối giữa kẽm thực và động vật, không nên lạm dụng quá nhiều. Ngoài ra, có thể dùng thêm các phẩm đặc biệt tăng cường kẽm khác như sữa, một số chế phẩm vitamin.
- Bổ sung kẽm từ thuốc bổ, thực phẩm chức năng: Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn, chậm lớn, phụ nữ có thai và cho con bú. Đối với các thuốc có chứa kẽm, nên uống sau khi ăn 30 phút; thời gian bổ sung trung bình là 2 - 3 tháng. Lưu ý điều trị các bệnh gây thiếu kẽm trước khi bổ sung. Khi dùng kẽm nên kết hợp thêm vitamin A, B6, C nhằm tăng sự hấp thu của kẽm. Nếu trẻ đồng thời phải dùng cả sắt và kẽm thì nên chia khoảng cách ra ít nhất là 2 giờ, uống sắt sau, vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm.
Trong thực đơn hàng ngày của trẻ thiếu kẽm, cần lưu ý những điều sau:
- Kẽm có trong đa dạng thực phẩm, đặc biệt dồi dào trong thực phẩm nguồn gốc động vật như hàu, sò, thịt, các loại cá, tôm, cua... Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít chất kẽm hơn, ngoại trừ các loại hạt có mầm. Để cung cấp đủ lượng kẽm thì khẩu phần ăn của bé cũng nên tăng cường bổ sung vitamin C và thực phẩm giàu chất xơ; ngược lại nên tiết chế sắt, đồng.
- Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn cung cấp kẽm an toàn, tốt và dễ hấp thu nhất. Các trẻ thiếu kẽm đang bú sữa mẹ nên tăng cường nhiều sữa nhiều hơn bình thường.
Nhìn chung, bố mẹ có con biếng ăn cần lưu tâm nhiều hơn, tạo các thực đơn hấp dẫn, khoa học, đặc biệt là bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn đúng cách để sức khoẻ con được cải thiện, phát triển toàn diện nhất.
Cha mẹ nên bổ sung kẽm hàng ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Bé lười ăn có nên bổ sung kẽm?
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ