Mục lục
Nước ngọt có ga là một trong những loại đồ uống được nhiều trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga có thể gặp phải một số hệ lụy không mong muốn về sức khỏe.
1. Ảnh hưởng tiêu cực của nước ngọt có ga tới sức khỏe của trẻ
Nước ngọt có ga (còn gọi là nước ngọt, nước giải khát có ga) là một loại đồ uống có chứa nước carbon dioxide bão hòa, chất làm ngọt và hương liệu. Một số sản phẩm khác còn có chứa caffeine, chất bảo quản, phẩm màu,...
Nước ngọt có ga không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em. Lượng đường ngô, đường mía, caffeine có trong nước ngọt có ga đều không rõ hàm lượng. Bên cạnh đó là các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga,... được thêm vào loại thức uống này có thể gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe trẻ. Cụ thể:
- Các chất phụ gia trong nước ngọt có thể gây bệnh thận, gây hại cho răng miệng, ảnh hưởng tới dạ dày và đường ruột;
- Trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dẫn tới tình trạng trẻ bị thiếu canxi, không đủ canxi để tăng chiều cao;
- Trẻ uống đồ uống có ga hằng ngày dễ dẫn tới lười ăn, không chịu uống sữa, không chịu ăn trong các bữa chính, gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, là nguy cơ gây còi xương ở trẻ em;
- Trẻ uống nước ngọt nhiều sẽ tăng lượng mỡ trong gan và trong xương. Mỡ trong gan nhiều sẽ làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ và xơ gan;
- Lượng đường trong nước ngọt khá lớn, buộc các tế bào tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn tới hiện tượng kháng insulin - nguyên nhân gây đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch;
- Nước ngọt có ga làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, dễ gây những biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi,...;
- Trẻ uống nước có ga nhiều thường có xu hướng giảm khả năng tập trung, tăng các hành vi bạo lực (khó kiểm soát cảm xúc);
- Đặc biệt, trẻ em uống nước ngọt có ga có thể bị nghiện. Bởi đường trong nước ngọt kích thích giải phóng dopamine - chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn hơn. Về lâu dài, trẻ sẽ bị lệ thuộc (nghiện) loại thức uống này.
2. Biện pháp giúp trẻ từ bỏ đồ uống có ga
Để trẻ có thể từ bỏ nước ngọt có ga và cải thiện chiều cao của trẻ, cha mẹ nên tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Cha mẹ xây dựng cho trẻ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học, đa dạng hương vị trong bữa ăn. Phụ huynh có thể dùng nước ép trái cây hoặc nước thảo mộc thơm ngon để kích thích cảm giác ngon miệng cho bé;
- Cho trẻ uống thêm sữa để cung cấp đủ canxi cho nhu cầu của bé. Nhu cầu canxi của trẻ là 1.000mg/ngày, tương đương 1,5 lít sữa. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em không thể uống được đủ lượng sữa này. VÌ vậy, cha mẹ nên bổ sung thêm nguồn thực phẩm dồi dào canxi (phomai, cá đồng, cua, tôm đồng,...) vào chế độ ăn của trẻ;
- Loại bỏ dần nước ngọt có ga ra khỏi thực đơn hằng ngày của trẻ. Cha mẹ không nên cấm trẻ uống hoàn toàn (vì dễ khiến trẻ chống đối, lén uống khi không bị ai giám sát);
- Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt của gia đình để trẻ học tập theo. Không nên tích trữ đồ uống có ga trong nhà để tránh bé nhìn thấy sẽ đòi uống;
- Phụ huynh nên tăng cường các hoạt động thể chất cho trẻ ngoài giờ học. Ở trên trường lớp, cha mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, cha mẹ nên chịu khó giao tiếp cùng con, chia sẻ, lắng nghe mọi tâm sự của bé để dễ dàng chỉ bảo trẻ hơn.
Nước ngọt có ga là đồ uống yêu thích của nhiều trẻ nhưng cha mẹ chỉ nên cho bé uống với lượng cực hạn chế. Tốt nhất là không nên cho bé biết uống loại nước này vì nó rất bất lợi cho sức khỏe của trẻ. Trường hợp trẻ có dùng đồ uống có ga, cha mẹ cố gắng cho trẻ bổ sung thêm sữa hoặc phomai để tăng cường canxi cho cơ thể.
- Nước ép trái cây và sinh tố: Cái nào tốt hơn?
- Nước ép trái cây dành cho người tiểu đường
- Nên ép trái cây thành nước uống hay ăn trực tiếp?