Mục lục
Các bậc cha mẹ có con béo phì thường hay cấm trẻ ăn hoặc áp dụng cho con chế độ ăn kiêng quá mức với mục đích nhằm giảm cân, tuy nhiên cần xem xét lại điều này. Bởi vì sự thật khi trẻ bị cha mẹ hạn chế ăn uống càng sẽ dễ ăn vặt. Hơn nữa, các tác hại khi cho trẻ ăn kiêng quá mức còn có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ hay thậm chí mắc chứng rối loạn hành vi ăn uống khi lớn lên.
1. Thực trạng về vấn đề giảm cân cho trẻ
Để theo dõi sức khỏe cho trẻ nhỏ, các bác sĩ nhi khoa vẽ chỉ số khối cơ thể của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng, bắt đầu từ lúc mới sinh. Nếu cân nặng của trẻ vượt quá ngưỡng bình thường, trẻ sẽ được kết luận là dư cân hay trẻ béo phì. Nguy cơ của nhóm trẻ em này có liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim, tăng huyết áp, hen suyễn và rối loạn giấc ngủ khi lớn lên. Vì vậy, trẻ béo phì thường được khuyến nghị các phương pháp tiếp cận khoa học như chế độ ăn kiêng có giám sát, điều chỉnh hành vi và tập thể dục.
Trong thực tế, trẻ em ngày nay có khuynh hướng quan tâm về vẻ bề ngoài của chúng sớm hơn so với các thế hệ trước. Thật vậy, những đứa trẻ từ 6 đến 8 tuổi đã cảm thấy rất ghét cặp đùi của mình vì kém thon gọn, than phiền về cái bụng mũm mĩm và khuôn mặt đầy đặn quá khổ. Những trẻ em gái bước qua tuổi vị thành niên đã nhận định sai lệch về chất béo là có hại cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy gần một nửa số trẻ em trai và gái từ lớp 3 đến lớp 6 muốn gầy hơn và khoảng 37% đã ăn kiêng. Động lực của những trẻ này là khi bị thúc đẩy bởi sự chế nhạo ở trường hoặc các bậc cha mẹ hướng dẫn nhận thức cho trẻ về cân nặng, vẻ đẹp ngoại hình từ khi trẻ còn nhỏ. Theo đó, không ít cha mẹ đã cho trẻ ăn kiêng quá mức để nhanh chóng đạt mục tiêu giảm cân cho trẻ. Thậm chí, không ít trẻ béo phì phải học cách đếm calo trong từng miếng ăn của mình khi cho vào miệng trước khi trẻ kịp hiểu biết về calo là gì.
2. Tác hại khi cho trẻ ăn kiêng quá mức
Nếu thể trọng của trẻ đối với sức khỏe không phải là một vấn đề, hầu hết các chuyên gia nhi khoa cảnh báo rằng từ "ăn kiêng" không nên được sử dụng với trẻ em hoặc thanh thiếu niên, vì những hậu quả về thể chất và tâm lý có thể nặng nề hơn lợi ích đạt được. Mặt khác, các chuyên gia dinh dưỡng còn nhận thấy rằng nếu cha mẹ cho trẻ ăn kiêng quá mức nhằm giảm cân cho trẻ thì hành động ăn kiêng phần lớn dẫn đến các vấn đề về cân nặng trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm cân cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn kiêng quá mức ngay từ thời thơ ấu có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất mà khó có thể đảo ngược, thậm chí nhiều năm sau đó. Một trong những vấn đề phổ biến nhất là thiếu hụt vitamin và dinh dưỡng. Trẻ dư cân, trẻ béo phì tại thời điểm này nhưng sẽ trở nên còi cọc chậm lớn vào thời gian sau đó, dậy thì muộn và loãng xương. Điều này trở thành những mối lo ngại thực sự khi trẻ ăn theo chế độ ăn kiêng hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn. Ví dụ, xương của trẻ sẽ phát triển nhanh chóng trong thời thơ ấu, thường đạt đến khối lượng cao nhất ở tuổi 20. Trẻ em thiếu canxi do cha mẹ cho trẻ ăn kiêng quá mức sẽ khiến xương giòn và dễ gãy.
Ngoài ra, tác hại khi cho trẻ ăn kiêng quá mức có thể bao gồm:
- Cung cấp quá ít calo, ngay cả một chế độ ăn uống cân bằng cũng có thể làm chậm sự tăng trưởng và phát triển; đối với trẻ em gái, có thể trì hoãn hoặc tạm thời ngừng kinh nguyệt.
- Thiếu protein gây cản trở sự phát triển của cơ bắp, trong khi quá ít chất béo có thể cản trở sự hấp thụ các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K. Trẻ nhẹ cân với tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp có thể bị suy giảm hệ miễn dịch, dẫn đến các bệnh thường xuyên và dai dẳng hơn.
- Chế độ ăn kiêng low-carb không khuyến khích các loại thực phẩm như khoai tây, những thực phẩm cung cấp sắt, kali, vitamin B và vitamin C — trong khi tất cả những thành phần này đều cần thiết để cơ thể hoạt động tối đa. Và một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chế độ ăn ít carb có thể ảnh hưởng đến việc học tập, tập trung và hiệu suất ở trường, vì carb cung cấp năng lượng và giúp não suy nghĩ rõ ràng.
- Cho trẻ ăn kiêng quá mức hay ăn kiêng sớm cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ về ngoại hình, trẻ sẽ gặp mặc cảm về hình ảnh khiếm khuyết cơ thể, và chứng rối loạn ăn uống khi lớn lên. Trong đó, biếng ăn hoặc ăn vô độ có thể khiến trẻ chậm phát triển và gây ra các bệnh nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Hơn nữa, các chuyên gia dinh dưỡng lo lắng rằng khi cho trẻ ăn kiêng quá mức sẽ không dạy cho trẻ kỹ năng ăn uống lành mạnh cần thiết cho cuộc sống độc lập của mình về sau này.
3. Các biện pháp giảm cân cho trẻ an toàn đối với trẻ thừa cân và trẻ béo phì
Chính vì những tác hại khi cho trẻ ăn kiêng quá mức, các chuyên gia cho biết, cách hiệu quả nhất để giữ cho trẻ có cân nặng hợp lý là áp dụng chế độ ăn uống cân bằng và đủ calo cho cả gia đình. Thay vì tập trung vào việc cắt giảm lượng calo, cha mẹ cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng chế độ ăn uống và thực hiện những thay đổi khiêm tốn có thể tạo ra sự khác biệt lớn, bao gồm các điều như sau:
3.1 Đặt ra mục tiêu cân nặng phù hợp cho trẻ
Nhiều trẻ nhỏ thực sự không nên giảm cân, vì chúng vẫn đang phát triển nên có thể cần duy trì cân nặng cao hơn bình thường một chút là được chấp nhận. Thanh thiếu niên lớn hơn có thể giảm từ nửa cân đến 2 cân một tuần.
3.2 Nói “không” với chế độ ăn kiêng phù hợp và thực phẩm chức năng
Việc cần làm đầu tiên của cha mẹ là định hướng và đưa trẻ vào chế độ ăn kiêng đúng khoa học. Nhưng trừ khi bác sĩ nhi khoa khuyến nghị, hãy tránh những thực đơn cắt giảm calo một cách quá mức.
Vì nếu làm như vậy, trẻ có thể sẽ không nhận được chất dinh dưỡng và lượng calo cần thiết để phát triển. Thêm vào đó, nhiều chế độ ăn kiêng có thể gây ám ảnh cho trẻ rằng một số món nhất định là “xấu”, điều này có thể thay đổi cách trẻ nhìn nhận về thức ăn sau này trong cuộc sống.
Thuốc giảm cân hoặc thực phẩm chức năng cũng không phải là một ý kiến hay (trừ khi được bác sĩ kê đơn). Có rất ít hoặc gần như không có nghiên cứu nào về cách thức những viên thuốc này tác động ở trẻ em, vì vậy chúng có thể không an toàn.
3.3 Thực hiện chế độ ăn lành mạnh cho cả gia đình
Thay vì chỉ áp dụng với trẻ béo phì, cả gia đình nên cùng nhau ăn uống cân đối, khoa học, lành mạnh để đem lại hiệu quả tích cực hơn.
Thật vậy, các nhà tâm lý nhi khoa đã cho thấy rằng trẻ em học mọi thói quen của chúng từ cha mẹ, bao gồm cả thói quen tốt lẫn thói quen xấu. Điều này cũng bao gồm cả chế độ ăn uống. Một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em sẽ dễ giảm cân hơn nhiều khi cha mẹ chúng cũng gầy đi.
3.4 Bắt đầu với từng bước nhỏ
Đừng cố sửa đổi toàn bộ chế độ ăn uống của cả gia đình cùng một lúc. Thay vào đó, hãy thử thực hiện một vài thay đổi nhỏ, ví dụ hãy bắt đầu với một hoặc hai thói quen sau mỗi tuần:
- Đổi đồ uống có đường, chẳng hạn như nước trái cây và soda, bằng nước lọc hoặc sữa ít béo hoặc không béo.
- Đảm bảo rằng trẻ luôn có bữa ăn sáng lành mạnh. Một bữa ăn sáng với ngũ cốc nguyên hạt và protein, chẳng hạn như một miếng bánh mì nướng nguyên cám với bơ đậu phộng, sẽ giúp trẻ luôn duy trì cảm giác thấy no để không ăn quá nhiều vào cuối ngày.
- Thay đổi chế độ tinh bột với ngũ cốc tinh chế, như bánh mì trắng và gạo trắng, bằng ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như bánh mì nguyên cám và gạo nguyên lớp cám.
Cố gắng hạn chế ăn ngoài hoặc thức ăn nhanh nhiều hơn một lần một tuần. Mua nhiều trái cây, rau và đồ ăn nhẹ lành mạnh khác và ít khoai tây chiên, bánh quy và kẹo. Nếu không có những thực phẩm giàu calo này trong nhà, trẻ sẽ không thể ăn chúng. Theo dõi kích thước khẩu phần ăn của trẻ. Đĩa và ly lớn khuyến khích trẻ ăn uống nhiều hơn, vì vậy nên giảm kích thước bộ bát đĩa của trẻ.
3.5 Ăn các bữa ăn cùng nhau
Khi cả nhà ngồi xuống với nhau như một gia đình (chứ không phải trước tivi), cha mẹ sẽ khuyến khích cho con cái những thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ cùng ăn ba bữa ăn với gia đình trở lên mỗi tuần có nguy cơ ăn thực phẩm không lành mạnh thấp hơn 20% và ít bị thừa cân hơn 12%.
Vào đầu mỗi tuần, hãy lên lịch cho gia đình một vài bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối cùng nhau. Nếu có thể, hãy mời mọi người tham gia vào việc lập kế hoạch, mua sắm, chuẩn bị và nấu các bữa ăn.
3.6 Khuyến khích trẻ vận động
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết trẻ em luôn cần 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Nếu trẻ chưa hoạt động đủ, cha mẹ cần phải giúp con đạt được mục tiêu đó bằng cách:
- Hãy biến việc tập thể dục thành một chuyến đi chơi cùng gia đình, như cùng nhau đi dạo, đi bộ đường dài hoặc đạp xe đạp.
- Giúp con tìm một hoạt động yêu thích, như đá bóng, bơi lội, khiêu vũ hay chỉ đơn giản là chạy quanh sân chơi.
- Khuyến khích trẻ dành thời gian ở bên ngoài trời thay vì ngồi trước TV hoặc máy tính.
Nếu đã thực hiện những thay đổi này và trẻ vẫn không giảm cân sau một vài tháng, cha mẹ có thể cần phải tham vấn với một chuyên gia chuyên về giảm cân cho trẻ em để được hướng dẫn một chương trình kiểm soát cân nặng chính thức phù hợp cho trẻ.
Tóm lại, chế độ ăn kiêng thường tốt cho người lớn nhưng không nhất thiết luôn tốt cho trẻ em. Khi nói đến chế độ dinh dưỡng, việc cha mẹ cho trẻ ăn kiêng quá mức để giảm cân cho trẻ bằng cách cắt giảm khẩu phần ăn không khoa học sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Theo đó, nếu trẻ béo phì, cha mẹ nên theo dõi cẩn thận lượng chất dinh dưỡng hàng ngày của con mình, cung cấp nhu cầu calo phù hợp cũng như khuyến khích trẻ vận động mới là cách giảm cân cho trẻ an toàn.
- Ăn khoa học, sống khỏe mạnh
- Cảnh giác hạ đường huyết vào buổi sáng
- Chọn sữa cho trẻ béo phì