Mục lục
Bài viết của TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Gốc tự do được hình thành trong quá trình sống của cơ thể, giúp cho quá trình tổng hợp và phân hủy các chất trong quá trình chuyển hóa tế bào. Tuy nhiên nếu hình thành quá nhiều cũng gây ra những tác động xấu, tăng nguy cơ bệnh tật. Do đó, việc cân bằng oxi hóa sẽ giúp cơ thể tránh khỏi những rủi ro về sức khỏe.
Để tránh sự gia tăng quá mức của gốc tự do gây hại cho tế bào và cân bằng oxi hóa thì cơ thể cũng có những cơ chế gây phá hủy các gốc tự do. Đó là những enzym có sẵn trong tế bào (glutathione reductase, glutathione peroxidase...) hay các chất chống oxy hóa không có bản chất enzym như vitamin A, E, C, beta carotene, lycopene, selen... Vậy tác hại của mất cân bằng oxy hóa lên sức khỏe và dự phòng bằng cách nào?
1. Các tác hại của mất cân bằng oxy hóa
Mất cân bằng oxy hóa thường được kích hoạt bởi một số nguyên nhân từ lối sống, căng thẳng và môi trường sống gồm có:
- Ô nhiễm không khí
- Khói thuốc lá
- Uống rượu
- Chất độc hại
- Lượng đường trong máu cao
- Sử dụng quá nhiều chất béo không no nhiều nối đôi chế biến không đúng cách
- Bức xạ, bao gồm cả tắm nắng quá mức
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus
- Hấp thụ quá nhiều sắt, magie, đồng hoặc kẽm
- Quá nhiều hoặc quá ít oxy trong cơ thể
- Tập thể dục cường độ cao và kéo dài, gây tổn thương mô
- Thiếu hụt chất chống oxy hóa
- Bổ sung quá nhiều chất chống oxy hóa nhân tạo
Mất cân bằng oxy hóa, đặc biệt tăng quá mức các gốc tự do nguy hiểm có thể gây ra nhiều tổn thương tế bào như: Superoxide, ozone, hydrogen peroxide, peroxy lipid, hydroxyl radical,... gây tổn thương các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến ung thư và lão hóa, làm suy yếu hệ miễn dịch. Nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa tăng quá mức gốc tự do và nhiều bệnh lý:
- Một số bệnh lý về não: Thoái hóa thần kinh, đau nửa đầu, đột quỵ, ung thư não
- Bệnh về mắt: Thoái hoá võng mạc, thoái hoá điểm vàng, đục thủy tinh thể
- Bệnh về da: Lão hoá da, bệnh vẩy nến, viêm da
- Một số bệnh lý về hệ miễn dịch: Viêm nhiễm mãn tính, các rối loạn tự miễn, bệnh lupus, viêm đường ruột
- Bệnh về tim: Suy tim, xơ hoá cơ tim, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim
- Mạch máu: Tái hẹp lòng mạch, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp
- Bệnh lý về phổi: Hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, dị ứng, ung thư phổi
- Các bệnh về thận: Bệnh thận mãn tính, thải ghép thận, viêm cầu thận
- Đa cơ quan: Đái tháo đường, lão hoá, mệt mỏi mãn tính...
- Bệnh lý về khớp: Thấp khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp vẩy nến
2. Tăng cường các loại chất chống oxy hóa từ thực phẩm
Chất chống oxy hóa không phải là tên của một chất, mà là một nhóm chất gồm hàng trăm loại. Mỗi loại có vai trò riêng và có thể tương tác với nhau để giúp cơ thể hoạt động hiệu quả.
Các chất chống oxy hóa nổi trội từ tự nhiên bao gồm:
- Vitamin A
- Vitamin C
- Vitamin E
- Beta-carotene
- Lycopene
- Lutein
- Selen
- Mangan
- Flavonoid
- Polyphenol
- ...
Mỗi chất chống oxy hóa đảm nhiệm một chức năng khác nhau và không thể thay thế cho nhau. Chính vì vậy mà chế độ ăn uống đa dạng rất quan trọng.
3. Chất chống oxy hoá có trong thực phẩm nào?
Nguồn chất chống oxy hóa tốt nhất là thực phẩm từ thực vật, đặc biệt là trái cây và rau quả. Thực phẩm có màu sắc rực rỡ thường chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất. Thực phẩm đặc biệt giàu chất chống oxy hóa thường được gọi là “siêu thực phẩm”.Để có được một số chất chống oxy hóa cụ thể, hãy cố gắng thêm những món sau vào chế độ ăn uống của bạn:
- Vitamin A: có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, ...
- Vitamin C: có nhiều trong các quả mọng như: sơ ri, ổi, cam, quýt, bưởi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, và nhiều loại rau như súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt...
- Vitamin E: có nhiều trong các loại hạt, hạt hướng dương và các loại dầu thực vật khác, và các loại rau lá xanh.
- Beta-carotene: có nhiều trong trái cây và rau quả có màu sắc tươi sáng, chẳng hạn như cà rốt, đậu hà lan, rau bina và xoài.
- Lycopene: có nhiều trong trái cây và rau quả màu hồng và đỏ, bao gồm cà chua và dưa hấu.
- Lutein: có nhiều trong rau xanh, lá, ngô, đu đủ và cam.
- Selenium: có nhiều trong gạo, bắp, lúa mì và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác, cũng như các loại hạt, trứng, pho mát và các loại đậu.
Những loại thực phẩm khác cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt và dồi dào bao gồm: cà tím, các loại đậu như đậu đen hoặc đậu tây, trà xanh và trà đen, nho đỏ, sô cô la đen, lựu, kỷ tử, việt quất, táo, bông cải xanh, rau bina,...
Không có khuyến nghị về lượng tiêu thụ các chất chống oxy hóa hàng ngày, cũng như không có một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm nào là trọng tâm duy nhất. Bạn nên đảm bảo kết hợp nhiều loại trái cây, rau, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt vào thực đơn hàng ngày để mang lại lợi ích sức khỏe.
Tăng cường chống oxy hóa từ thực phẩm khá an toàn, tuy nhiên, bổ sung chất chống oxy hóa liều cao nguồn nhân tạo có thể gây hại, vì vậy bạn cần thận trọng. Ví dụ:
- Hấp thụ nhiều beta-carotene có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc.
- Liều lượng cao vitamin E được phát hiện có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
- Sử dụng một số chất bổ sung chống oxy hóa có liên quan đến nguy cơ phát triển khối u.
- Chất bổ sung chống oxy hóa cũng có thể tương tác với một số loại thuốc.
Tóm lại, hãy tìm kiếm các nguồn chất chống oxy hoá tự nhiên từ thực phẩm thông qua một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng các loại thực phẩm. Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng về việc dùng chất chống oxy hóa bổ sung có thể chống lại bệnh tật trong khi dùng liều cao có thể gây hại. Vì vậy, bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm chống oxy hóa dạng bổ sung nào.
- Alpha Lipoic acid (ALA): Những điều cần biết
- Chất chống oxy hóa được giải thích trong các thuật ngữ đơn giản
- Uống vitamin C có nóng không?