Mục lục
Bài được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng - Phó khoa Khám bệnh & Nội khoa kiêm trưởng Đơn nguyên Nội trú nội bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Vì mục đích chính của hormone tuyến giáp là "điều hành quá trình trao đổi chất của cơ thể" nên điều dễ hiểu là những người bị tình trạng này sẽ có các triệu chứng liên quan đến sự trao đổi chất chậm.
1. Dịch tễ học suy giáp
Suy giáp là một bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ với tỷ lệ khoảng 2% (so với nam là 0,1%).
Suy giáp dưới lâm sàng xảy ra khoảng 7,5% ở nữ và 3% ở nam.
Suy giáp nguyên phát chiếm khoảng 90% các trường hợp suy giáp nói chung.
2. Nguyên nhân dẫn tới suy giáp
Suy giáp nguyên phát:
- Viêm giáp tự miễn.
- Viêm giáp Hashimoto
- Viêm giáp thể teo.
- Tai biến điều trị:
- Thuốc kháng giáp tổng hợp.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
- Iod đồng vị phóng xạ.
- Xạ trị vùng cổ.
- Rối loạn chuyển hóa Iod: Thiếu hoặc thừa Iod.
- Do thuốc: Lithium, Interferon.
- Nguyên nhân khác:
- Không có tuyến giáp.
- Thiếu men tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp bẩm sinh.
Suy giáp thứ phát: Do bệnh lý tuyến yên:
- Suy yên do u tuyến yên.
- Sau phẫu thuật tuyến yên.
- Xạ trị tuyến yên.
- Tuyến yên bị phá hủy do nhồi máu (Hội chứng Sheehan).
- Thiếu TSH vô căn.
Suy giáp do rối loạn chức năng vùng hạ đồi do u, chấn thương, viêm nhiễm.
Đề kháng với nội tiết tố tuyến giáp ở ngoại biên.
3. Chẩn đoán suy giáp
3.1. Lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng thay đổi tùy nguyên nhân và mức độ bệnh. Triệu chứng ban đầu mơ hồ, kín đáo, xuất hiện từ từ, không rõ ràng nên dễ bị bỏ sót. Giai đoạn muộn có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng điển hình.
Triệu chứng:
- Sợ lạnh.
- Trầm cảm.
- Tăng cân.
- Giảm trí nhớ.
- Da khô.
- Phù niêm.
- Phù quanh hốc mắt.
- Xanh xao.
- Giọng nói thay đổi, khàn tiếng.
- Bướu giáp.
- Chậm chạp.
- Hói đầu.
- Mệt mỏi.
- Đau cơ.
- Táo bón.
- Nhịp tim chậm.
- Rong kinh.
- Phản xạ gân cơ giảm.
- Vẻ mặt vô cảm.
- Rối loạn lipid máu.
3.2. Các thể bệnh
- Thể bệnh điển hình, đầy đủ triệu chứng.
- Thể nhẹ: Rất ít triệu chứng lâm sàng.
- Suy giáp còn bù.
- Suy giáp dưới lâm sàng.
- Suy giáp thể một triệu chứng nổi bật:
- Thiếu máu: Thiếu máu đẳng sắc hoặc nhược sắc, sắt huyết thanh giảm.
- Thể cơ: Phì đại cơ, rối loạn trương lực cơ.
- Thể tiêu hóa: Đại tràng khổng lồ.
- Thể thần kinh:Trầm cảm, lú lẫn.
- Thể phù: Tràn dịch đa màng.
- Thể tim mạch: Tim to, suy tim đáp ứng rất tốt với điều trị nội tiết tố tuyến giáp.
3.3. Cận lâm sàng
Xét nghiệm thường quy:
- Công thức máu: Thiếu máu đẳng sắc hoặc nhược sắc, hồng cầu bình thường hoặc lớn.
- Rối loạn mỡ máu: Tăng cholesterol, tăng triglyceride.
- Rối loạn điện giải: Natri máu giảm.
Xét nghiệm chẩn đoán: TSH tăng >10 μUI/L, FT3 giảm, FT4 giảm.
- FT3 và FT4 giảm,TSH tăng: Suy giáp nguyên phát.
- FT3 và FT4 giảm,TSH không tăng: Là suy giáp thứ phát.
Test TRH: Xét nghiệm TSH trước rồi tiêm mạch 200μg TRH. Sau đó, xét nghiệm TSH kiểm tra lại ở các thời điểm 30 phút và 60 phút sau tiêm. Nết TSH không tăng thì nguyên nhân suy giáp là do tuyến yên.
Các xét nghiệm khác tìm nguyên nhân:
- Anti TPO, antithyroglobulin.
- Siêu âm tuyến giáp.
- MRI tuyến yên.
4. Điều trị suy giáp
4.1. Nguyên tắc điều trị: Phục hồi chức năng tuyến giáp
Trường hợp suy giáp do thuốc kháng giáp có thể phục hồi sau khi ngưng thuốc.
Đa số các trường hợp khác thường phải điều trị thay thế suốt đời bằng Levothyroxin.
4.2. Điều trị đặc hiệu với Levothyroxin
- Thường bắt đầu với liều thấp 50 - 100μg/ ngày, uống một lần mỗi ngày trước ăn sáng 30 phút, tăng liều 25 – 50μg mỗi 3 – 4 tuần cho đến khi TSH về bình thường.
- Liều duy trì trung bình dao động khoảng 50 – 200μg/ngày (1 – 2μg/kg/ngày) tùy bệnh nhân.
- Bệnh nhân già, có bệnh lý mạch vành: Khởi đầu 25 – 50μg/ngày, tăng liều 25μg mỗi 4 tuần cho đến khi TSH về bình thường.
- Hội chứng Sheehan: Nên cho hormon thượng thận trước để tránh suy thượng thận cấp khi dùng hormon giáp.
- Suy giáp thai kỳ: Nên dùng liều cao hơn để tránh bướu giáp thai nhi.
- Suy giáp dưới lâm sàng: 25 – 50μg/ngày, tăng liều 25μg mỗi 4 tuần cho đến khi TSH về bình thường.
- Hôn mê do suy giáp:
- Liều đầu: 200-500μg tiêm mạch.
- Duy trì: 100-200μg/ ngày tiêm mạch hoặc uống.
5. Theo dõi và tái khám
- Theo dõi quá trình điều trị, hồi hộp, run tay, tiêu chảy nên giảm liều.
- Đặc biệt, trên những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch cần theo dõi triệu chứng tim mạch và ECG, giảm liều ngay khi có triệu chứng đau ngực hoặc rối loạn nhịp.
- Đánh giá hiệu quả điều trị dựa vào cân nặng, nhịp tim, các dấu hiệu phục hồi các triệu chứng lâm sàng.
- Xét nghiệm kiểm tra FT4 và TSH mỗi 4 – 6 tuần một lần cho đến khi bình giáp sẽ duy trì xét nghiệm kiểm tra mỗi 9 – 12 tháng.
- Cách nhận biết triệu chứng suy giáp trên người trưởng thành
- Chỉ số xét nghiệm suy giáp tăng có nguy hiểm không?
- Uống bổ sung vitamin C khi đang điều trị suy giáp có ảnh hưởng gì không?