Mục lục
Suy giãn tĩnh mạch ở chân là tình trạng tĩnh mạch bị giãn rộng, kích thước lớn hơn bình thường. Hậu quả làm cho máu lưu thông một cách khó khăn, gây khó chịu cho người bệnh, phì đại thậm chí còn xuất hiện các cơn đau. Để giảm thiểu các cơn đau bạn có thể ngâm chân, xoa bóp hay mát xa cho chân cũng làm cải thiện tình trạng.
1. Suy giãn tĩnh mạch ở chân là gì?
Trong mạch máu thường có các van máu có tác dụng ngăn không cho dòng máu chảy ngược. Các yếu tố có thể làm thay đổi dòng chảy của máu như: các yếu tố bên ngoài, van máu bị suy yếu hay tổn thương làm cho hệ thống tĩnh mạch không kiểm được sự lưu thông của máu trong mạch.
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng mạch máu bị giãn rộng, kích thước lớn hơn bình thường. Các mạch bị giãn thường nổi gân xanh ngoằn ngoèo, vị trí hay gặp nhất ở bàn tay, bàn chân. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, phì đại, có các cơn đau.
Đối với suy giãn tĩnh mạch ở chân, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tĩnh mạch nổi rõ trên bề mặt của da và có thể quan sát được bằng mắt thường. Một số trường hợp có thể cảm thấy nóng rát, đau nhói và nặng nề ở chân. Chân thường có biểu hiện chuột rút (đặc biệt vào buổi tối), vùng ra bị suy giãn tĩnh mạch khô và màu sắc da bị thay đổi.
Xem ngay: Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nếu mổ có để lại biến chứng không?
2. Một số phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân
Do căn bệnh này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh nên đa phần mọi người thường chủ quan. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ dẫn đến các biến chứng làm cho diễn biến của bệnh trở nên phức tạp. Điều này gây thêm trở ngại cho quá trình điều trị. Tùy diễn biến của bệnh và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định nên điều trị bằng phương pháp riêng lẻ hay kết hợp.
Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu hay thuốc hỗ trợ tĩnh mạch. Ngoài ra có thể sử dụng băng ép hay vớ chịu áp lực, tuy nhiên phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh. Với những trường hợp bệnh nhân có tổn thương tĩnh mạch ở mức nông có thể tự biến mất từ 3-4 tuần, với ca nặng bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các phẫu thuật hoặc thực hiện kĩ thuật cắt bỏ tĩnh mạch bằng nhiệt từ sợi laser.
Đối với những ca bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân do viêm tĩnh mạch sẽ được yêu cầu điều trị kết hợp kháng sinh với các loại thuốc chống viêm khác. Hiện nay, trên thị thường đã có các sản phẩm hỗ trợ điều trị và kem bôi tại chỗ có thể kết hợp để có kết quả điều trị tốt nhất.
3. Đối với các trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch có ngâm chân được không?
Từ xưa, người ta đã biết đến công dụng của việc ngâm chân và sử dụng khá phổ biến. Ngâm chân không chỉ cải thiện quá trình lưu thông của máu trong cơ thể mà còn cải thiện nội tiết. Hơn nữa phương pháp này còn giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và hệ thống thần kinh trung tâm. Không những vậy ngâm chân còn giúp tâm trạng được cải thiện, điều hòa phủ tạng, đồng thời có tác dụng phòng ngừa suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ và hơn hết là suy giãn tĩnh mạch ở chân.
Tuy nhiên, để cho việc ngâm chân trở nên có hiệu quả, bạn nên chuẩn bị cho mình đầy đủ các kiến thức cần thiết. Đa phần mọi người sẽ chọn ngâm chân bằng nước nóng nhưng chúng chỉ giải quyết được những cơn đau tạm thời. Nếu sử dụng về lâu về dài sẽ làm cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở chân trở nên nặng hơn và các mạch máu giãn nhanh hơn.
Gần đây, Viện Y khoa tại Mỹ đã công bố nghiên cứu cho rằng các bệnh nhân mắc chứng suy giãn tĩnh mạch nên sử dụng nước lạnh để ngâm chân. Người bệnh nên ngâm chân với nước ở nhiệt độ 10 độ C trong khoảng 10 phút. Trong quá trình ngâm có thể thực hiện massage chân hoặc giẫm chân tại chỗ. Điều này có thể giúp cho các huyết quản co lại, các cơ quan trong cơ thể hoạt động tích cực hơn bởi sự điều tiết của chất dịch thần kinh. Với những trường hợp ngâm chân ở nhiệt độ 5 độ C chỉ nên thực hiện trong 5 phút.
Việc ngâm chân chân có thể làm lùi các cơn đau, tuy nhiên không nên lạm dụng quá thường xuyên. Nguyên nhân do chân là bộ phận xa trung tâm nhất của cơ thể, lớp mỡ ở chân không đủ để giữ nhiệt. Chính vì vậy, việc ngâm chân trong nước lạnh quá lâu và thường xuyên có thể làm cơ thể bị nhiễm lạnh và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Suy giãn tĩnh mạch ở chân có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp khác nhau và ngâm chân là một ví dụ. Nhiều bác sĩ khuyến cáo nên kết hợp ngâm chân với sử dụng vớ y khoa trong quá trình điều trị. Ngoài ra bạn cũng nên chú ý đến chế độ sinh hoạt và làm việc hàng ngày, không nên ngồi quá lâu hoặc đứng mãi ở một tư thế. Mặc quần áo bó sát cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch cần tránh.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm?
- Giảm suy giãn tĩnh mạch bằng cách nào?
- Lưu ý khi dùng thuốc, gel trị giãn tĩnh mạch