Mục lục
Trẻ hay ốm vặt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện thời tiết, cơ địa của trẻ, sự chăm sóc không phù hợp,... Ngoài ra, trẻ hay bị ốm cũng có thể do trẻ bị suy giảm miễn dịch.
1. Suy giảm miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch là phòng tuyến giúp bảo vệ cơ thể, là hàng rào chắn trước các tác nhân xâm nhập gồm vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại, từ đó phòng ngừa được nhiều loại bệnh. Cơ thể sẽ phát triển khỏe mạnh nhờ tác động tăng sinh lympho B (miễn dịch thể dịch) và cả tăng sinh lympho T (miễn dịch tế bào).
Hệ miễn dịch bị suy giảm liên quan tới nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát.
Suy giảm miễn dịch tiên phát là bệnh khiếm khuyết về mặt di truyền (rối loạn các tế bào mầm dòng lympho, khiếm khuyết hệ thống thực bào, suy giảm chức năng tế bào B hoặc T, rối loạn bổ thể,...) khiến cơ thể bệnh nhi suy yếu ngay từ khi sinh ra. Trẻ sẽ nhạy cảm với nhiều tác nhân nhiễm trùng khác nhau và không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,... Vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng, tái phát thành nhiều đợt.
Suy giảm miễn dịch thứ phát thường do các bệnh xuất hiện ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Ngoài ra, các nguyên nhân bên ngoài như bức xạ X-quang, sử dụng glucocorticoid, điều trị kìm tế bào, chấn thương, can thiệp phẫu thuật,... cũng có thể khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch thứ phát. Bên cạnh đó, trẻ mắc đái tháo đường, thiếu máu hồng cầu hình liềm, suy dinh dưỡng protein năng lượng,... cũng khiến hệ miễn dịch suy yếu, sức đề kháng của trẻ không đủ để chống lại các tác nhân gây bệnh.
2. Trẻ hay ốm vặt - có thể do bị suy giảm miễn dịch
Suy giảm miễn dịch khiến sức đề kháng của trẻ suy yếu và trẻ hay bị ốm hơn. Vì thế, nếu trẻ hay bị ốm vặt, phụ huynh cần cảnh giác vì có thể bé mắc hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Nếu trẻ có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch dưới đây, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở chuyên khoa ngay để được thăm khám:
- Mắc ít nhất 4 đợt viêm tai trở lên trong vòng 1 năm;
- Mắc ít nhất 2 đợt viêm phổi trở lên trong vòng 1 năm;
- Mắc ít nhất 2 đợt viêm xoang nặng trở lên trong vòng 1 năm;
- Trẻ chậm lớn và chậm tăng cân so với bình thường;
- Sử dụng kháng sinh điều trị cho trẻ trên 2 tháng nhưng không hiệu quả;
- Trẻ bị áp xe da hoặc nội tạng tái đi tái lại;
- Trẻ bị nấm da hoặc nấm miệng dai dẳng;
- Bé phải truyền kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng;
- Bé mắc ít nhất 2 đợt nhiễm khuẩn sâu hoặc nhiễm khuẩn huyết trở lên;
- Gia đình có tiền sử bị suy giảm miễn dịch.
Các bác sĩ khuyến cáo: Chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng nhất để điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao. Thông thường, để điều trị một số bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân ghép tủy hoặc truyền chế phẩm miễn dịch. Nếu trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy thì cơ hội khỏi bệnh có thể lên tới 95%. Với trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn thì vẫn có thể có cuộc sống bình thường.
Phụ huynh cần cảnh giác với nguy cơ suy giảm miễn dịch ở trẻ hay ốm. Nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy giảm miễn dịch, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để được phát hiện, điều trị bệnh kịp thời, nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh.
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em
- Các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh
- Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ