Mục lục
- 1. 1. Vì sao có mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng và sức khỏe cơ thể?
- 2. 2. Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn như thế nào?
- 2.1. 2.1. Mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng và bệnh tiểu đường
- 2.2. 2.2. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch
- 2.3. 2.3. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sinh nở
- 2.4. 2.4. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và thói quen hút thuốc
- 2.5. 2.5. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và các vấn đề khác
- 3. 3. Làm sao để chăm sóc răng tốt?
- 4. Đánh giá
Có nhiều người vẫn còn hoài nghi về quan điểm “sức khỏe của miệng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể”. Trong bài viết này, Vinmec sẽ lý giải sức khỏe răng miệng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? Và vì sao việc giữ răng miệng sạch sẽ lại giúp cải thiện sức khỏe tổng quát của bạn.
1. Vì sao có mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng và sức khỏe cơ thể?
Miệng luôn được xem là “cổng vào” của cơ thể, kết nối trực tiếp với đường tiêu hóa và hô hấp. Tuy nhiên, cũng như các vùng khác của cơ thể, miệng của bạn có thể chứa nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả vô hại lẫn gây bệnh.
Nếu để vi khuẩn tích tụ trên răng lâu ngày sẽ khiến nướu dễ bị nhiễm trùng và sưng viêm. Nếu người bệnh không kịp thời xử lý, tình trạng viêm nướu kéo dài kết hợp với các chất mà nó tiết ra sẽ ăn mòn nướu và gây bệnh nướu răng nghiêm trọng (viêm nha chu), ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe chung của cơ thể.
2. Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn như thế nào?
Vệ sinh răng miệng kém có thể góp phần gây ra nhiều bệnh lý và các tình trạng khác nhau. Ngược lại, một số điều kiện sức khỏe nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bạn.
2.1. Mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng và bệnh tiểu đường
Có thể nói mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và viêm nha chu là liên hệ mạnh nhất trong các mối liên hệ giữa răng miệng và cơ thể và có tính chất 2 chiều. Tình trạng viêm nướu trong miệng sẽ làm suy yếu khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể, do vậy bệnh nướu răng sẽ xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Ngược lại lượng đường trong máu cao cũng tạo điều kiện cho nhiễm trùng phát triển (bao gồm nhiễm trùng nướu).
May mắn thay, người bệnh có thể sử dụng mối quan hệ giữa bệnh nướu răng và tiểu đường để giảm mức độ nghiêm trọng cả hai bệnh cùng lúc. Ví dụ như kiểm soát chỉ số đường huyết tốt giúp giảm mức độ viêm nướu cũng như chăm sóc răng tốt có thể cải thiện bệnh tiểu đường.
2.2. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và bệnh tim mạch
Mặc dù vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng nhiều chuyên gia đã nhận ra mối tương quan giữa nướu răng và bệnh tim mạch. Theo ghi nhận có đến 91% bệnh nhân mắc bệnh tim bị viêm nha chu (so với mức 66% ở người không bị bệnh tim). Bệnh nhân mắc hai tình trạng này thường có một số yếu tố nguy cơ chung như hút thuốc lá, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và thừa cân nặng. Thậm chí nhiều người còn nghi ngờ rằng viêm nha chu có ảnh hưởng trực tiếp tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo nghiên cứu, chứng viêm nội tâm mạc - một dạng nhiễm trùng màng trong của buồng hoặc van tim có thể xảy ra khi vi khuẩn từ một bộ phận khác của cơ thể (chẳng hạn như miệng) lan qua đường máu và bám vào một số khu vực trong tim bệnh nhân. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy tình trạng tắc động mạch và đột quỵ cũng có thể liên quan đến chứng viêm và nhiễm trùng mà vi khuẩn đường miệng có thể gây ra.
2.3. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sinh nở
Trẻ sinh non hoặc bị nhẹ cân thường dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe đáng kể, bao gồm các bệnh về tim, phổi, khiếm khuyết về nhận thức... Trong khi có nhiều yếu tố góp phần vào việc sinh non hoặc nhẹ cân, các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét vai trò có thể có của bệnh nướu răng. Tình trạng nhiễm trùng và viêm nói chung có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Mặc dù viêm nha chu thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, nhưng những thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới. Để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé về sau, các bác sĩ khuyến khích các phụ nữ nên khám răng định kỳ và toàn diện kể cả lúc đang mang thai hoặc trước khi mang thai để xác định bản thân có nguy cơ mắc bệnh hay không.
2.4. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và thói quen hút thuốc
Một trong những biện pháp chăm sóc răng bạn có thể làm là ngừng ngay việc hút thuốc. Bỏ thuốc lá không chỉ tốt cho sức khỏe răng miệng mà còn hữu ích cho cả cơ thể nói chung.
Theo thống kê của CDC, một người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh nướu răng nghiêm trọng gấp 3 lần so với những người không hút thuốc. Lượng nicotin có trong thuốc lá khiến mạch máu co lại, do vậy làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của nướu răng. Không chỉ vậy, nghiện thuốc lá nặng còn cản trở quá trình điều trị vì các ca phẫu thuật nướu có xu hướng phức tạp hơn và khó phục hồi hơn.
2.5. Mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và các vấn đề khác
Ảnh hưởng của sức khỏe răng miệng đối với cơ thể hiện vẫn còn đang được nghiên cứu thêm. Một số mối liên hệ giữa tình trạng răng miệng với các bệnh lý khác đang được tìm hiểu bao gồm:
- Thừa cân/ béo phì: 2 nghiên cứu đã liên hệ béo phì với bệnh nướu răng bởi dường như viêm nha chu có xu hướng tiến triển nhanh hơn khi lượng mỡ trong cơ thể bệnh nhân cao hơn;
- Bệnh lý phổi: Bệnh nha chu có thể khiến cho bệnh viêm phổi và tắc nghẽn phổi mãn tính trở nên nghiêm trọng hơn, có thể là do vi khuẩn trong miệng bị kéo vào phổi, làm tăng lượng vi khuẩn trong phổi;
- Bệnh lý xương khớp: Bệnh loãng xương được cho là có liên quan đến tình trạng tiêu xương hàm răng và mất răng. Một số loại thuốc dùng để điều trị loãng xương cũng có một ít nguy cơ gây tổn hại đến xương hàm. Ngoài ra, điều trị bệnh nha chu cũng đã được chứng minh là giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp;
- HIV/AIDS: Bệnh HIV/AIDS thường làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng, khiến cho các vấn đề sức khỏe răng miệng trở nên nghiêm trọng hơn. Các vấn đề về miệng, ví dụ như tổn thương niêm mạc gây đau đớn cũng thường gặp ở những người nhiễm HIV/AIDS;
- Bệnh Alzheimer: Sức khỏe răng miệng có xu hướng ngày càng xấu đi khi bệnh Alzheimer tiến triển.
3. Làm sao để chăm sóc răng tốt?
Để cùng lúc giữ răng miệng sạch sẽ và sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, lời khuyên của các chuyên gia là hãy thực hành chăm sóc răng tốt hàng ngày theo gợi ý sau:
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần 2 phút. Sử dụng bàn chải đánh răng loại lông mềm và kem đánh răng có chứa Florua;
- Tạo thói quen dùng chỉ nha khoa hàng ngày (tối thiểu 1 lần/ ngày);
- Dùng nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám thức ăn còn sót lại sau khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa;
- Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đủ chất dinh dưỡng và hạn chế thức ăn và đồ uống có đường;
- Thay bàn chải đánh răng 3-4 tháng/lần, hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị thưa hoặc mòn;
- Lên lịch khám và lấy cao răng định kỳ;
- Điều trị triệt để bệnh nha chu (nếu có) trước khi bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của bạn;
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, nên bỏ thuốc nếu có thể.
Nhìn chung, cơ thể của bạn có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe răng miệng và sức khỏe răng miệng cũng có thể tác động đến cơ thể. Do vậy chú ý chăm sóc răng miệng tốt sẽ giúp bạn có một sức khỏe tổng quát tốt hơn.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, ada.org
- Ung thư khoang miệng: Những điều cần biết
- Phòng ngừa ung thư khoang miệng
- Làm thế nào để kiểm tra phát hiện ung thư hốc miệng?