Mục lục
Hơi thở thơm mát là điều kiện tiên quyết của một nụ cười, nụ hôn hoàn hảo. Không chỉ vậy, hầu như tất cả các tương tác của con người đều dễ chịu hơn khi mọi người tham gia đều có hơi thở dễ chịu. Ngược lại, tình trạng hôi miệng hay hơi thở có mùi là một cản trở rất lớn trong cuộc sống và tương tác với xã hội nói chung. Tuy nhiên, sữa chua trị hôi miệng sẽ là một biện pháp cải thiện hiệu quả.
1. Nguyên nhân nào gây ra hơi thở có mùi?
Không có gì lạ khi hơi thở có mùi là kết quả của việc ăn một số thực phẩm có mùi hăng và nồng. Tỏi, hành tây, rượu, cá và cà phê có thể gây hôi miệng, nhưng thói quen vệ sinh răng miệng kém cũng có thể là nguyên nhân.
Nếu không đánh răng, không dùng chỉ nha khoa hay không dùng dung dịch súc miệng thì có thể dẫn đến hàng triệu vi khuẩn hình thành và trú ngụ trong các kẽ hở của răng và nướu. Kết quả là người bệnh có thể bị sâu răng, viêm nướu răng và cuối cùng gây ra chứng hôi miệng. Tuy vậy, đó không phải là tất cả nguyên nhân duy nhất có thể dẫn đến hơi thở có mùi mà còn có các nguyên nhân gây hôi miệng khác bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Nhiễm trùng miệng do lở loét, bệnh nướu răng
- Vết thương phẫu thuật trong miệng
- Viêm xoang hoặc đau họng
- Khô miệng
- Dùng một số loại thuốc
- Mắc một số bệnh lý như ung thư, bệnh đường tiêu hóa
2. Sữa chua có thể trị hôi miệng?
Ngày nay, sữa chua được bán rất phổ biến trên thị trường vì có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là tốt cho sức khỏe tiêu hóa. Đôi khi, sữa chua còn được nhận định như một trong những của giải pháp giảm cân. Ngoài ra, sữa chua cũng chứa nhiều canxi, có thể giúp tăng cường men răng.
Bên cạnh các công dụng nêu trên, sữa chua còn là một phần của chế độ ăn uống giúp trị hôi miệng. Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Nhật Bản, ăn một khẩu phần (khoảng 90ml) sữa chua không đường hàng ngày sẽ làm giảm lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong miệng. Chính các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi được tạo ra bởi vi khuẩn và khiến hơi thở có mùi khó chịu. Thêm một điều thú vị là sữa chua cũng giúp làm giảm mảng bám và viêm lợi; đồng thời vi khuẩn hoạt động trong sữa chua, đặc biệt là Streptococcus thermophilus và Lactobacillus bulgaricus, có thể kìm hãm sự phát triển vi khuẩn gây mùi trong miệng.
Sữa chua nguyên chất có những thành phần rất bổ ích. Trong khi đó, sữa chua có đường, dù có hương vị thơm ngon hơn nhưng thường chứa một lượng lớn đường tinh chế và đường bổ sung không lành mạnh lại không tốt cho sức khỏe răng miệng.
3. Các loại thực phẩm khác có thể cải thiện chứng hôi miệng
3.1 Trà xanh
Trà xanh không chỉ là một thức uống dễ chịu và thư giãn cho một buổi chiều nghỉ ngơi. Trà xanh cũng đã được chứng minh là làm giảm số lượng các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi trong miệng, qua đó làm giảm chứng hôi miệng. Các polyphenol trong trà xanh được cho là hoạt động như chất kháng khuẩn và chất tẩy rửa, làm sạch miệng và cải thiện hơi thở có mùi.
Tương tự như sữa chua, điều quan trọng cần nhớ là nếu thêm đường vào trà sẽ làm mất tác dụng của bất kỳ lợi ích sức khỏe đối với răng miệng. Vì vậy, nếu đang uống trà xanh để chữa hôi miệng, hãy thưởng thức vị ngọt tự nhiên của trà mà không cần thêm đường. Hãy uống trà xanh vào cuối bữa ăn, vừa để có tác dụng làm thơm miệng và vừa ổn định pH trong miệng.
3.2 Táo
Mọi người thường nghe thấy câu nói "một quả táo mỗi ngày giúp bác sĩ tránh xa". Hơn thế nữa, "một quả táo mỗi ngày còn giúp ngăn ngừa hôi miệng."
Giống như trà, táo cũng có chứa polyphenol hoạt động như chất tẩy rửa và chất chống vi khuẩn. Do đó, táo có tác dụng trong việc giảm bớt hơi thở khó chịu khi ăn tỏi sống. Ngoài ra, táo có các enzym hoạt động có thể giúp tăng thêm sức mạnh chống hôi miệng.
Ngoài ra, nhờ lượng chất xơ cao, người ăn táo cần nhai nhiều, sẽ có phản xạ kích thích tiết nước bọt. Lúc này, môi trường miệng đủ nước sẽ có khả năng duy trì sự cân bằng lành mạnh tốt hơn, ít có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe răng miệng hơn, bao gồm cả khả năng bị hôi miệng.
Cũng như các loại thực phẩm khác, ăn táo ngoài bữa ăn sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh sâu răng.
3.3 Nước
Nước không thể được xem là một loại thực phẩm nhưng nước lại là sự lựa chọn an toàn nhất có thể chống hôi miệng. Mọi người đều có thể uống nước lọc cả ngày mà không làm tăng nguy cơ phát triển sâu răng. Bởi khô miệng là một yếu tố nguy cơ chính gây ra một số vấn đề về sức khỏe răng miệng, trong đó không thể không kể đến là hôi miệng. Vì thế, giữ cho miệng luôn ngậm nước có thể bảo vệ khỏi bệnh sâu răng, đồng thời ngăn chặn hơi thở có mùi.
Nếu thấy mình bị khô miệng ngay cả khi uống nước cả ngày, hãy cân nhắc điều trị khô miệng bằng cách thêm nước xịt miệng ngậm nước hoặc nhai kẹo cao su xylitol để ngậm nước và kích thích sản xuất nước bọt tự nhiên.
Tóm lại, sữa chua, ngoài là một nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, còn là một biện pháp tuyệt vời giúp giảm hôi miệng. Lý do sữa chua trị hôi miệng là có thể làm giảm nồng độ Hydrogen Sulfide được lưu trữ trong các bộ phận khác nhau trong miệng. Hơn hết, sữa chua cũng được các nha sĩ khuyên dùng vì những thực phẩm này rất giàu Vitamin D, làm giảm sự phát triển của vi khuẩn trong cơ thể. Bên cạnh đó, mọi người cũng nên có thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt, vừa đem lại hơi thở thơm tho và vừa có hàm răng chắc khỏe.
Nguồn tham khảo: healthline.com
- Trắc nghiệm: Nguyên nhân nào gây ra hơi thở có mùi hôi?
- Tại sao con bạn có hơi thở hôi?
- Mùi hơi thở và sức khỏe của bạn