Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nếu đúng như dự kiến, thai nhi sẽ chào đời khi mẹ mang thai tuần 40. Việc không tìm được tư thế nằm thoải mái có thể dẫn đến mất ngủ, do đó bà bầu tuần cuối nên dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn tối đa trong ngày, bên cạnh việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để sinh em bé.
1. Mang thai tuần 40 có gì đặc biệt?
Đối với thai nhi tuần 40, các bé trai có xu hướng nặng cân hơn những bé gái. Lớp lông tơ bao phủ khắp cơ thể thai nhi giờ đây cũng đã rụng nhiều hơn. Tuy nhiên vài vị trí như vai, nếp gấp da và phía sau tai của bé vẫn còn tồn tại một ít lông măng mà mẹ có thể nhìn thấy sau khi bé chào đời.
Mặc dù ngày chuyển dạ và sinh con đã rất gần kề, tuy nhiên bà bầu tuần thứ 40 cũng không nên quá lo lắng nếu đã quá ngày dự sinh mà vẫn chưa chuyển dạ. Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% trẻ được sinh ra đúng với lịch trình dự kiến.
Một điểm đáng lưu ý khi mang thai tuần 40 là thai phụ không nên ăn nếu có dấu hiệu chuyển dạ. Bởi vì một chút ít thức ăn có trong dạ dày lúc này cũng sẽ khiến cho sản phụ buồn nôn và ói mửa.
2. Cơ thể bà bầu tuần 40 thay đổi như thế nào?
Bà bầu tuần cuối sẽ sớm cảm nhận được những cơn co thắt thực sự lần đầu tiên. Chúng đến nhanh và dữ dội khi chuyển dạ thực sự, kéo dài đến một phút hoặc thậm chí là lâu hơn mỗi lần. Mẹ sẽ cảm thấy cơn đau dữ dội này tỏa ra từ dạ dày, lưng dưới và đùi trên. Mặc dù mỗi người phụ nữ đối mặt với những cơn chuyển dạ khác nhau, nhưng chúng đều rất đặc trưng và không hề giống với bất cứ cảm giác đau nào mẹ đã từng gặp trước đây. Thai phụ có thể hỏi bác sĩ sản khoa về những loại thuốc có tác dụng hỗ trợ giảm đau trong thời điểm này để được sử dụng nếu cần thiết.
Khi sinh thì ngoài thai nhi, sản phụ còn phải được lấy ra khối nhau thai màu xanh nặng khoảng 900g, bao gồm mô và mạch máu đã nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi trong chín tháng qua. Mặc dù các cơn co thắt đau đớn vẫn liên tục tiếp diễn, hầu hết những phụ nữ mới sinh con lần đầu đều cảm thấy quá vui mừng và hạnh phúc vì biết bé sắp chào đời.
Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra độ giãn ở cổ tử cung của bà bầu tuần thứ 40. Nếu tử cung giãn từ 3 - 4cm, mẹ có thể sẽ được tiêm thuốc gây tê ngoài màng cứng để giúp kiểm soát cơn đau. Nhiều phụ nữ cho rằng những mũi tiêm thuốc gây tê cục bộ, trước khi gây tê màng cứng, là giai đoạn đau đớn nhất trong cả quá trình sinh nở.
Có trường hợp mẹ mang thai tuần 40 sẽ sinh thường tự nhiên mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc hỗ trợ nào. Tuy nhiên việc này không thể lên kế hoạch từ trước bởi vì mọi thứ sẽ thay đổi vào phút cuối cùng, tùy theo tình trạng chuyển dạ và sinh nở lúc đó.
3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 40
- Cơn co thắt Braxton Hicks
Những cơn gò bụng giả này sẽ không gia tăng về số lần cũng như mức độ, đồng thời việc bà bầu tuần thứ 40 đi bộ nhẹ hoặc chuyển đổi tư thế có thể làm thuyên giảm triệu chứng trên. Đây là những dấu hiệu giúp phân biệt cơn co thắt Braxton Hicks so với những co bóp của chuyển dạ thật sự.
- Thai nhi giảm cử động
Mặc dù mẹ mang thai tuần 40 sẽ cảm thấy có sự thay đổi ở những cử động của bé, hay thậm chí là giảm tốc độ, thai nhi vẫn đang liên tục di chuyển bên trong tử cung. Thông thường bé sẽ đá, ngọ nguậy hoặc cuộn mình khoảng 10 lần/giờ.
- Giãn cổ tử cung
Trong tuần này cổ tử cung của thai phụ sẽ mở ra hoặc niêm mạc mỏng đi. Thông qua kiểm tra của các bác sĩ sản khoa, độ giãn nở sẽ được đo bằng centimet và độ mỏng tính theo tỷ lệ phần trăm. Cổ tử cung sẽ tiếp tục giãn ra và có thể chảy máu là dấu hiệu của chuyển dạ sớm và tích cực.
- Bệnh tiêu chảy
Ruột của thai phụ bị chèn ép khá nhiều khi mang thai nên dễ gây ra các bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Nhu động ruột lỏng lẻo và triệu chứng tiêu chảy trong tuần này có thể là dấu hiệu chuyển dạ thật sự sắp xảy ra.
- Đau vùng xương chậu
Do thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu khiến hông và bàng quang của mẹ bị chèn ép, dễ gây đau. Nếu có thời gian, bà bầu 2 tuần cuối nên lên lịch đi massage trị liệu trước khi sinh nhằm làm dịu cảm giác khó chịu.
- Chuột rút chân
Vẫn chưa rõ nguyên nhân bà bầu tuần 40 thường hay bị chuột rút, tuy nhiên có thể là do đôi chân phải chịu quá nhiều áp lực từ trọng lượng của cả mẹ và bé cộng lại. Khi thai phụ bị chuột rút hoặc đau chân, có thể nhẹ nhàng co duỗi bàn chân để cải thiện tình trạng này.
- Mất ngủ
Bà bầu 2 tuần cuối nên hạn chế dùng các thực phẩm chức năng thảo dược hoặc các loại thuốc ngủ không kê đơn khác. Thay vào đó, hãy yêu cầu người bạn đời massage thư giãn nhằm giúp dễ đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên hơn.
- Bản năng “làm tổ”
Đôi khi mẹ sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng trong việc chuẩn bị mọi thứ cho em bé sắp chào đời. Nhưng cũng có lúc thai phụ lại rất mệt mỏi đến nỗi chẳng muốn làm gì. Không cần quá lo lắng vì sự xen kẽ giữa hai trạng thái đối lập này đều hoàn toàn bình thường.
4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 40
- Hỏi bác sĩ sản khoa về những lý do và hình thức giục sinh nếu bé không ra đời đúng hạn;
- Tham khảo liệu pháp châm cứu để thư giãn và làm giảm các cơn đau trong giai đoạn này;
- Đề phòng trơn trượt trong phòng tắm, tránh tự tẩy lông bằng dao cạo hoặc sáp waxing dễ gây kích ứng với bà bầu;
- Ngâm mình trong bồn tắm (nước không quá nóng) hoặc hồ bơi là cách giúp cơ thể nhẹ nhàng, loại bỏ một phần trọng lực nặng nề của hai mẹ con;
- Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng và thích hợp với bà bầu tuần 40, như đi dạo, vặn mình, xoay hông,..;
- Đi spa, hẹn hò với bạn bè, xem phim,... là những cách giúp bà bầu 2 tuần cuối giảm bớt những suy nghĩ hoặc lo lắng về ngày sinh sắp tới;
- Ăn nhẹ khi cảm thấy đói nhưng tránh các thực phẩm nhiều dầu mỡ và ăn quá no.
Tâm trạng phấn khích hoặc lo lắng về ngày sinh khi mang thai tuần 40 là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên bà bầu tuần cuối cảm đảm bảo sức khỏe và dự trữ thật nhiều năng lượng bằng cách cố gắng ngủ nghỉ vào ban đêm. Nên lên kế hoạch làm một số việc nhẹ nhàng và giải trí trong suốt cả ngày để tránh bị ám ảnh về thời điểm chuyển dạ thực sự xảy ra.
Phụ nữ mang thai tuần 40 nên đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc thai sản cho giai đoạn Chuyển dạ ở những bệnh viện uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn hỗ trợ tốt nhất cho giai đoạn cực kỳ quan trọng này.
Nguồn tham khảo: Webmd.com
- Mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít: Nguyên nhân là gì?
- Sự thay đổi của bà bầu tuần 11
- Sự thay đổi của bà bầu tuần 31