Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bà bầu mang thai từ tuần 38 trở đi có thể bắt gặp dấu hiệu chuyển dạ bất cứ lúc nào. Do đó bà bầu tuần 38 và người thân nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để nếu có tình huống khẩn cấp, có thể đưa thai phụ nhập viện kịp thời.
1. Mang thai tuần 38 có gì đặc biệt?
Bà bầu mang thai tuần 38 thường không tăng thêm kích thước vòng bụng, nhưng có thể cảm thấy khó chịu hơn nhiều so với các tuần trước đó. Từ tuần 38 trở đi là giai đoạn khá nhạy cảm vì 95% thai phụ sẽ sinh con trong giai đoạn này.
Hầu hết các phần tóc, lông tơ, lớp sáp và lớp phủ trắng trên da của thai nhi tuần 38 sẽ biến mất. Em bé đang nhận được kháng thể từ mẹ để tự bảo vệ cơ thể, chống lại bệnh tật. Sự phát triển của thai nhi giai đoạn này khá chậm, tuy nhiên các tế bào mỡ dưới da vẫn tiếp tục được hình thành. Em bé gần như đã sẵn sàng chào đời.
Bà bầu tuần 38 có thể cân nhắc vấn đề cắt bao quy đầu cho con ngay sau khi sinh nếu là con trai. Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định hay khuyến cáo nào về việc nên cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh hay không. Tuy nhiên, hầu hết các bé đều có thể tự tụt bao quy đầu một cách dễ dàng mà không cần nhờ đến bất kỳ sự can thiệp y tế nào.
2. Cơ thể bà bầu tuần 38 thay đổi như thế nào?
Bà bầu trong tuần thai này thường phải đi vệ sinh rất thường xuyên do sức ép của em bé lên bàng quang từ phía khung xương chậu. Điều này cũng khiến cho bà bầu 38 tuần đau bụng dưới.
Trong giai đoạn này, thai phụ cần chú ý những dấu hiệu của chuyển dạ để kịp thời nhập viện. Nhiều trường hợp em bé sinh trong khoảng từ 1 - 2 tuần trước hoặc sau ngày dự sinh được xem là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu đã 2 tuần sau ngày dự sinh mà em bé vẫn chưa chào đời thì được gọi là sinh muộn (hay dân gian còn gọi là “thai trâu”). Bà bầu có nguy cơ sinh muộn nếu:
- Nhầm lẫn khi tính ngày dự sinh, do việc xác định ngày đầu tiên trong kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mẹ không chính xác;
- Mẹ sinh con so;
- Mẹ đã từng sinh muộn trước đó;
- Trong gia đình người mẹ có người đã từng sinh muộn;
- Mang thai bé trai.
3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 38
- Đi tiểu thường xuyên
Trong tuần thai thứ 38, phần đầu của thai nhi đã lọt vào khung xương chậu của mẹ, chèn ép bàng quang và gây ra cảm giác mắc tiểu thường xuyên. Do đó, bà bầu không nên sử dụng các chất kích thích hay lợi tiểu (như cafein) trong những tuần thai cuối của thai kỳ, đồng thời cũng không được giảm uống nước, vì sẽ ảnh hưởng đến lượng nước ối trong tử cung.
- Bà bầu 38 tuần đau bụng dưới
Sự chèn ép của thai nhi ở vùng bụng dưới có thể gây ra không ít khó chịu. Bên cạnh đó, cơn gò sinh lý xuất hiện ngày càng nhiều và nặng nề hơn khiến cho bà bầu 38 tuần đau bụng dưới.
- Bong nút nhầy cổ tử cung
Bà bầu tuần 38 có thể gặp phải hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung, là sự xuất hiện của dịch tiết âm đạo có màu hồng hoặc nâu, trong đó có chứa các lớp niêm mạc tử cung. Hiện tượng này là báo hiệu cho thấy cơn gò chuyển dạ sắp xảy ra, song không thể biết chính xác vào lúc nào (thường từ vài giờ đến vài ngày, thậm chí vài tuần).
- Xuất huyết âm đạo
Dịch tiết âm đạo của phụ nữ mang thai tuần 38 có thể bị nhuốm màu hồng hoặc nâu. Nguyên nhân là do các mạch máu trong cổ tử cung bị vỡ trong quá trình giãn nở để chuẩn bị cho thai nhi chui lọt qua trong khi mẹ vượt cạn, dẫn đến chảy máu và lẫn vào dịch tiết âm đạo. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy em bé sắp chào đời.
- Tiêu chảy
Nhu động ruột trở nên lỏng lẻo và mềm mại hơn cho thấy cơ thể người mẹ đang biến đổi để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn. Do đó, nếu thai phụ bị tiêu chảy trong tuần thai này, thì rất có thể chuyển dạ sắp xảy ra.
- Ngứa bụng
Bụng to và da căng cứng dễ gây ra tình trạng da khô ngứa do mất đi độ ẩm.
- Phù chân
Sự phát triển của thai nhi khiến cho bà bầu tăng dự trữ chất lỏng và gây ra phù ở chân, đặc biệt là mắt cá chân. Để khắc phục, thai phụ có thể cân nhắc sử dụng thiết bị y khoa, như vớ chuyên dụng để giảm tình trạng giãn tĩnh mạch.
- Mất ngủ
Bà bầu tuần 38 thường rất khó ngủ do nhiều nguyên nhân, chủ yếu đến từ tâm lý hoang mang, căng thẳng.
- Rò rỉ sữa non
Bầu ngực của thai phụ bắt đầu phát triển to hơn và đôi lúc có hiện tượng rỉ ra sữa non.
4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 38
4.1. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng
Bà bầu tuần 38 có thể xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ bất cứ lúc nào. Do đó, trong tuần thai này, sản phụ cần chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết trong và sau khi vượt cạn.
4.2. Đi bộ
Phụ nữ mang thai không nên nằm một chỗ trong thời gian quá lâu, thay vào đó có thể đi bộ nhẹ nhàng để vận động cơ thể. Mặt khác, đi bộ được xem là một trong những động tác tốt nhất trong thai kỳ. Đặc biệt đối với thai phụ tuần 38, việc đi bộ tạo điều kiện cho phần hông lắc lư liên tục, giúp đầu em bé chui vào vùng xương chậu của mẹ dễ dàng hơn và quá trình vượt cạn cũng thuận lợi hơn phần nào.
4.3. Giảm căng thẳng
Bà bầu mang thai đến tuần 38 hẳn phải có rất nhiều suy nghĩ, lo lắng, hồi hộp khi ngày dự sinh đã gần kề. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Để khắc phục tình trạng căng thẳng, bà bầu có thể tập các bài thể dục thư giãn (như yoga, thiền định, bài tập thở). Một số phụ nữ mang thai cảm thấy thoải mái khi nghe bài nhạc yêu thích, xem phim, hoặc đọc sách.
4.4. Mặc quần áo rộng, thoáng mát
Bà bầu tuần 38 thường cảm thấy nóng bức và đổ nhiều mồ hôi. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ, làm tăng lưu lượng máu, tăng trao đổi chất và đào thải mồ hôi. Để giữ mát, thai phụ nên mặc quần áo rộng, nhẹ, uống nhiều nước, làm thoáng không gian.
4.5. Thực hiện bài tập Squat
Bài tập Squat gồm động tác đứng lên và ngồi xuống tương tự như ngồi xổm. Thực hiện Squat đều đặn giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe cơ. Hơn nữa, Squat có khả năng làm cho chuyển dạ xảy ra sớm hơn vì các động tác này giúp làm mở xương chậu, tạo ra không gian cho phép em bé kích thích chuyển dạ.
Thai phụ nên làm quen với bài tập Squat và luyện tập hàng ngày. Bởi vì trong khi sinh, nhiều trường hợp thai phụ phải ngồi sinh trong tư thế xổm hàng giờ đồng hồ cho đến khi đưa được em bé ra ngoài.
Phụ nữ mang thai ở tuần 38 nên tìm hiểu các gói dịch vụ chăm sóc thai sản cho giai đoạn Chuyển dạ ở những bệnh viện uy tín để giai đoạn cực kỳ quan trọng này được diễn ra thuận lợi, an toàn cho cả mẹ và bé.
Nguồn tham khảo: Webmd.com
- Mang thai nhưng không tăng cân, tăng cân ít: Nguyên nhân là gì?
- Sự thay đổi của bà bầu tuần 11
- Sự thay đổi của bà bầu tuần 31