17-01-2024 23:12

Sự thay đổi của bà bầu tuần 37

Sự thay đổi của bà bầu tuần 37

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bà bầu mang thai tuần 37 thường có tâm lý căng thẳng, cơ thể mệt mỏi khi những cơn gò sinh lý xảy ra thường xuyên hơn. Mặt khác ngày dự sinh ngày càng đến gần, khiến cho bà bầu tuần 37 cảm thấy lo sợ khi sắp đến thời khắc vượt cạn.

1. Mang thai tuần 37 có gì đặc biệt?

Tử cung của bà bầu tuần 37 thường cao hơn rốn khoảng 15 cm. Trọng lượng của thai phụ trong tuần thai này tăng thêm từ 10 - 13kg so với khi bắt đầu có thai. Bà bầu mang thai tuần 37 cần khám bác sĩ định kỳ mỗi tuần để kiểm tra vùng xương chậu, cổ tử cung và tình trạng của thai nhi, nhất là vị trí sinh của em bé.

Thai nhi tuần 37 gần như đã phát triển hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các lớp mỡ dưới da bé vẫn tiếp tục được tạo ra để giữ ấm cho bé sau khi chào đời.

Ngày dự sinh đã gần kề, mẹ bầu cần chuẩn bị tất cả những đồ dùng và vật dụng cần thiết cho em bé để quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh diễn ra thuận lợi hơn.

Bà bầu tuần 37
Bà bầu mang thai tuần 37 cần khám bác sĩ định kỳ mỗi tuần

2. Cơ thể bà bầu tuần 37 thay đổi như thế nào?

Mang thai đến tuần 37, bà bầu thường bị bong nút nhầy cổ tử cung. Khi cổ tử cung mở rộng ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, các lớp niêm mạc cổ tử cung sẽ bị bong ra và đào thải ra khỏi cơ thể theo đường âm đạo. Theo đó, bà bầu có thể quan sát thấy âm đạo tiết ra dịch nhầy dày đặc, có màu vàng và đôi khi có lẫn với máu. Hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung thường xảy ra vài tuần, vài ngày hoặc có khi chỉ vài giờ trước khi xuất hiện cơn gò chuyển dạ.

Xem thêm: Chuyển dạ giả và những điều cần biết

Trong tuần thai thứ 37, nếu bà bầu có biểu hiện chảy máu đỏ tươi, tạo thành một hoặc hai đốm máu bất thường, nên khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Vì đây có thể là dấu hiệu của đứt nhau thai, một vấn đề nguy hiểm vào những tuần cuối của thai kỳ, khi nhau thai bị tách ra khỏi thành tử cung, đe dọa tính mạng thai nhi.

Trường hợp bà bầu bị đau bụng dữ dội và liên tục thì có khả năng là dấu hiệu của nhau thai bong non, cần nhập viện điều trị. Ngoài dấu hiệu đau bụng, nhau bong non cũng có thể gây ra sốt, tăng tiết dịch âm đạo và nhiễm trùng.

Những cử động của em bé giảm đi phần nào trong vài ngày trước khi sinh là điều hết sức bình thường, đặc biệt với tuần mang thai thứ 37. Tuy nhiên, nếu số lần chuyển động của thai nhi giảm đi rõ rệt thì có thể là dấu hiệu nguy hiểm.

Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:

3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 37

  • Thay đổi chuyển động của thai nhi

Thông thường trong giai đoạn mang thai tuần 37, phần đầu của em bé đã lọt vào vùng xương chậu của mẹ. Lúc này thai nhi có rất ít không gian để chuyển động mạnh, thay vào đó chỉ là những cử động nhẹ đơn giản. Tuy nhiên, thai phụ vẫn cảm nhận được em bé đang chuyển động trong bụng mỗi ngày, song đôi lúc bé có thể chìm vào giấc ngủ sâu và gần như không di chuyển nhiều.

  • Ợ nóng và khó tiêu

Thời gian này, một số triệu chứng trên hệ tiêu hóa có thể trở nên trầm trọng hơn, điển hình là chứng ợ nóng, khó tiêu.

  • Dịch âm đạo có lẫn máu

Dịch nhầy tiết ra từ âm đạo có màu hồng hoặc nhuốm nâu có nghĩa là các mạch máu ở cổ tử cung đã bị vỡ khi cổ tử cung giãn ra để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sinh con.

  • Suy tĩnh mạch

Tình trạng suy tĩnh mạch thường trở nên nặng nề hơn đối với bà bầu tuần 37. Để hỗ trợ lưu thông máu, phụ nữ mang thai nên ngủ nghiêng về bên trái. Ngoài ra, khi nằm nghỉ, thai phụ nên đặt một chiếc gối dưới chân để kê cao phần chân lên.

  • Đau vùng chậu

Ngôi thai thay đổi tạo ra áp lực lên xương chậu, hông và bàng quang, gây ra đau và khó chịu khi sinh hoạt. Nếu cảm thấy không thoải mái, bà bầu có thể dùng một chiếc địu để hỗ trợ trọng lượng của bụng và giảm áp lực lên vùng lưng và xương chậu.

  • Chuột rút ở chân

Ban đêm là lúc bà bầu thường gặp phải triệu chứng chuột rút. Để khắc phục chứng chuột rút khi mang thai, bà bầu nên uống nhiều nước hơn vào ban ngày và đảm bảo rằng bổ sung đủ lượng magie và canxi.

  • Rạn da

Ngực, bụng và thậm chí cả mông phát triển căng to dễ dẫn đến rạn da. Sau khi mang thai, bà bầu có thể dùng một số sản phẩm kem bôi để khắc phục dần tình trạng này.

  • Núm vú to hơn

Bà bầu tuần 37 thường nhận thấy bầu ngực của mình phát triển lớn và núm vú cũng to hơn trước. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang có sự thay đổi để chuẩn bị cho quá trình cho con bú.

  • Hay quên

Tâm lý căng thẳng và suy nghĩ nhiều là nguyên nhân khiến cho phụ nữ mang thai vào những tuần cuối gặp phải tình trạng hay quên. Hãy ghi chú lại hoặc nhờ đến sự hỗ trợ của người thân để bà bầu không lỡ mất những sự kiện quan trọng trong thời gian này.

  • Mất ngủ

Hầu như các bà bầu trong tuần thai 37 đều bị mất ngủ vào ban đêm. Đây là hiện tượng bình thường đối với phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, giấc ngủ vẫn rất quan trọng vì nó cung cấp năng lượng cho thai phụ. Do đó, người mẹ vào tuần thai này nên chú trọng nghỉ ngơi, cố gắng ngủ lâu hơn một chút, và nên có một giấc ngủ trưa trong ngày.

Bà bầu tuần 37
Rạn da là triệu trứng thường gặp khi mang thai

4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 37

4.1. Chuẩn bị chào đón em bé

Theo thống kê, có chưa đến 5% em bé chào đời vào đúng ngày dự sinh của chúng mà có thể sớm hơn vài ngày, thậm chí vài tuần. Do đó bà bầu tuần 37 nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và thực hiện những công việc cần làm trước khi em bé chào đời.

Xem thêm: Điều gì xảy ra khi cơn chuyển dạ bắt đầu?

4.2. Chậm tăng cân

Bà bầu mang thai tuần 37 có thể tăng cân rất chậm, thậm chí ngừng tăng cân. Đây là hiện tượng bình thường, cho thấy cơ thể mẹ đang dần ổn định để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn.

4.3. Uống đủ nước

Mặc dù bụng bầu khá to, nhưng bà bầu vẫn nên bổ sung đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Điều này sẽ giúp mẹ bầu giảm tình trạng ứ nước và ổn định lượng nước ối.

4.4. Mát xa tầng sinh môn

Xoa bóp tầng sinh môn thường xuyên giúp cho bộ phận này trở nên mềm mại hơn, cho phép phần đầu của em bé dễ chui lọt qua khi mẹ vượt cạn, hạn chế xảy ra tình trạng rách và phải phẫu thuật khâu tầng sinh môn.

4.5. Tự động viên bản thân

Mỗi ngày trôi qua là một ngày nữa em bé còn ở bên trong bụng, nghĩa là bà bầu vẫn còn cơ hội để rèn luyện cơ thể, có sự chuẩn bị tốt nhất để em bé được sinh ra khỏe mạnh.

3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là từ tuần 37 trở đi, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:

  • Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
  • Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
  • Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
  • Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
  • Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
  • Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
  • Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.

Tham khảo thông tin chuyên môn từ: webmd.com, parents.com

5 yếu tố ảnh hưởng chỉ số cân nặng thai nhi
XEM THÊM:
  • Lịch khám thai định kỳ đầy đủ trong suốt thai kỳ
  • Vì sao sản phụ thường đau lưng khi mang thai?
  • Sự thay đổi của bà bầu tuần 14

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan