Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Các giai đoạn phát triển của trẻ em đều bao gồm một số thay đổi mà phụ huynh cần nắm bắt để có cách ứng xử phù hợp. Không ngoại lệ, trẻ mẫu giáo 27 tháng - 28 tháng cũng sẽ tiếp tục phát triển một số kỹ năng mới về mặt giao tiếp, cảm xúc và thể chất.
1. Phát triển thể chất
Trẻ mẫu giáo 27 tháng - 28 tháng tuổi có thể cầm nắm các đồ vật nhỏ một cách dễ dàng. Bé có khả năng xếp chồng khối lego, xô đổ tháp đồ chơi vừa xây, cởi giày, lật trang sách và cầm cốc bằng một tay. Nhiều trẻ ở độ tuổi này thậm chí có thể giữ thăng bằng trên một chân trong 1 giây hoặc thực hiện một cú bật nhảy về phía trước bằng hai chân.
Song song với thời gian chơi yên tĩnh trong nhà, việc đưa bé ra ngoài cũng sẽ rất tốt. Vận động thể chất khiến con thấm mệt, từ đó trẻ dễ ngủ hơn. Vui chơi ngoài trời cũng thúc đẩy sự thèm ăn và giúp con ăn ngoan hơn. Không cần bày nhiều trò chơi phức tạp, bạn có thể thu hút sự chú tâm của trẻ mẫu giáo 28 tháng bằng cách nhờ bé đưa giúp kẹp quần áo khi phơi đồ, tưới cây hoặc hái hoa.
Đừng quên đội mũ cho bé và nhắc con tự đội mũ trước khi ra ngoài chơi. Luôn luôn giám sát mỗi khi đưa bé ra ngoài để đảm bảo an toàn.
2. Kiểm soát phản ứng và hành vi tiêu cực
Trẻ mẫu giáo 27 tháng có thể sẽ gọi mẹ liên tục, đôi khi khá gay gắt do bé muốn một điều gì đó ngay lập tức, hoặc muốn chia sẻ và cho bạn xem sự háo hức của bé. Nếu đang mệt mỏi, bạn sẽ khó được yên ổn vì đã con biết cách gây chú ý, ảnh hưởng đến bố mẹ, ông bà.
Nhiều trẻ cũng đã dần đã biết phản kháng, do đó bạn cần chuẩn bị để đối phó với điều này. Có nhiều cách xử lý tình huống khác nhau, bạn có thể khen thưởng nhỏ khi bé chịu nghe lời, chấn chỉnh ngay khi con tỏ thái độ không đúng mực, hoặc thể hiện sự đồng cảm dành cho con bởi hành vi tiêu cực chỉ xuất phát từ sự chưa trưởng thành.
Cùng lúc này, con bạn cũng đang dần phát triển khả năng kiểm soát hành động của mình. Tuy nhiên trẻ 2,5 tuổi vẫn có thiên hướng xô đẩy hoặc đá, đấm, la hét, quấy khóc và nổi cơn giận dữ khi không đồng ý. Bạn không thể mong đợi trẻ mẫu giáo 28 tháng cư xử hoàn hảo và ngoan ngoãn mọi lúc. Hãy luôn nhắc nhở con rằng thể hiện cảm xúc bằng lời nói sẽ mang lại kết quả tốt hơn là hành động. Đừng quên khen ngợi mỗi khi thấy con nỗ lực giao tiếp ôn hòa bằng lời nói.
3. Tập làm quen với các quy tắc
Khi hiểu được tại sao phải tuân thủ các quy tắc bố mẹ đưa ra, trẻ sẽ dễ dàng tuân theo hơn. Giải thích rằng chúng ta phải làm và không làm một số điều để giữ an toàn, chẳng hạn như nắm tay nhau khi băng qua đường, mang giày dép khi đi ra ngoài, không xem TV hay thiết bị điện tử quá lâu... Khuyến khích con ngồi yên khi ăn, vì chạy lòng vòng với thức ăn trong miệng có thể gây mắc nghẹn rất nguy hiểm. Nhắc nhở khi thấy con ngồi quỳ (2 chân hình chữ W) để tránh các vấn đề ảnh hưởng đến hông và gối. Hầu hết trẻ mẫu giáo 28 tháng khá thích ngồi như vậy vì vững vàng hơn ngồi bình thường, nhưng thực sự tư thế này không giúp ích về lâu dài.
Đảm bảo các quy tắc bạn đặt ra cho trẻ tuân theo là hợp lý, rõ ràng và nhất quán, đồng thời kiên nhẫn trong khi bé dần học cách nghe lời. Hầu hết trẻ mẫu giáo 27 tháng sẽ cần rất nhiều lời nhắc nhở nhẹ nhàng mới đi vào khuôn khổ như ý bố mẹ muốn.
4. Tăng độ tập trung, kiên nhẫn
Thời gian chú ý của trẻ mẫu giáo 27 tháng trở lên ngày càng kéo dài. Đôi khi bé sẽ mải mê chơi trong hàng giờ và bực bội nếu bố mẹ làm gián đoạn. Khi sự kiên nhẫn của bé đã tăng lên một chút, nếu bạn bảo con làm gì khác trong khi đang chơi, bé có thể không nghe, chẳng quan tâm đến lời mẹ nói, thậm chí là nổi cáu và khiến cả hai mẹ con đều bực mình.
Một chiến lược bạn có thể áp dụng là cảnh báo trước cho bé, ví dụ như: “Con chỉ còn chơi xếp hình thêm 5 phút nữa thôi, sau đó là đến giờ ăn tối.” Nếu có thể, hãy cố gắng linh hoạt thời gian khi chăm sóc trẻ tuổi đi học. Một số trẻ em sẽ cần cảnh báo vài lần mới dễ dàng ngưng trò chơi và chuyển sang hoạt động khác theo yêu cầu của mẹ.
5. Lời khuyên khi chăm sóc trẻ tuổi đi học (từ 27 đến 28 tháng)
Đối với sự tinh nghịch của trẻ mẫu giáo 28 tháng, bạn sẽ có nhiều lúc bực bội, khó tránh khỏi nóng giận. Tuy nhiên cần biết rằng, bất kỳ sự gây chú ý nào dù tiêu cực vẫn tốt hơn là bé 2 tuổi rưỡi chưa biết nói và không biết làm gì, chỉ ngồi yên một chỗ.
Sau đây là một số lời khuyên cho những bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ tuổi đi học:
- Cần nhắc tìm nuôi một con thú cưng để dạy bé tôn trọng, cư xử nhẹ nhàng với động vật và cách chăm sóc, cho thú ăn. Trẻ mẫu giáo 27 tháng vẫn còn nghĩ mình là trung tâm, nên vẫn chưa muốn kết bạn với trẻ khác. Do đó, chơi với “người bạn” mới này cũng là một cách hay để con bắt đầu phát triển tình bạn.
- Thực hiện một số bài tập thể dục mỗi ngày và cho con tham gia cùng, chẳng hạn như đi bộ dạo quanh nhà, tham quan viện bảo tàng, hoặc đạp xe trong công viên.
- Cố gắng dành thời gian nhiều ở bên con, tạo ra những tương tác hiệu quả để trẻ gần gũi với bố mẹ hơn.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi vào buổi trưa, nằm yên tĩnh trên giường (dù có ngủ hay không) sẽ tốt cho cả hai mẹ con.
- Học một khóa sơ cứu cơ bản, cũng như cách hồi sức tim phổi, hô hấp nhân tạo,... nhằm đề phòng chẳng may gặp sự cố.
Cuối cùng, dù bận rộn chăm sóc trẻ tuổi đi học, đừng quên dành thời gian hâm nóng tình cảm và tập trung vào mối quan hệ vợ chồng. Một trong những điều tích cực mà bố mẹ có thể làm cho trẻ mẫu giáo 28 tháng là xây dựng tình cảm vững chắc với nhau. Một cặp đôi đồng lòng, yêu thương và chia sẻ công việc cùng nhau sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn, cũng như có được niềm vui từ những hoạt động đơn giản trong gia đình.
Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần của mình. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường so với độ tuổi hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.
Trẻ trong độ tuổi đi học cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
- Sự phát triển của trẻ 25-36 tháng tuổi
- Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 35 đến 36 tháng)
- Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 25 đến 26 tháng)