Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Xuân Minh - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ngay sau khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, một quá trình phức tạp nhưng có thể dự đoán được diễn ra để hình thành nên một em bé. Hãy cùng tìm hiểu sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 11.
Sự thụ tinh thường diễn ra vào thời điểm sau hai tuần kể từ khi kỳ kinh cuối bắt đầu. Theo quy ước, ngày dự sinh sẽ được tính sau 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối, có nghĩa là thời gian của kỳ kinh cũng được tính vào thời gian mang thai, dù trên thực tế sự thụ tinh có thể còn chưa xảy ra.
1. Sự phát triển của thai nhi 11 tuần tuổi
Tuần thứ 11 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 9 sau thụ tinh) nằm trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, và thực ra đến bây giờ em bé mới chính thức được miêu tả bằng từ “thai”.
Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển rất nhanh, ngoại hình của thai nhi đã có hình dạng đặc trưng của loài người. Đầu thai nhi có độ dài bằng khoảng một nửa tổng chiều dài của thai nhi, phần thân bắt đầu phát triển nhanh chóng. Khuôn mặt của thai nhi rộng ra, hai mắt tách xa nhau, mí mắt nhắm lại. Tai đã gần đạt được hình dạng cuối cùng, mũi đã xuất hiện đường khí đạo, trong miệng đã hình thành lưỡi và hàm ếch, mầm răng tương lai xuất hiện. Núm vú có thể nhìn thấy được. Tay và chân ở phía trước của cơ thể, không còn hình dạng mái chèo nữa, mà các ngón tay và ngón chân đã xuất hiện. Hồng cầu bắt đầu hình thành trong gan thai nhi. Đến cuối tuần thứ 11, bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu phát triển (để trở thành dương vật với thai nam, hoặc thành âm vật và môi lớn với thai nữ).
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
Mẹ bầu giai đoạn này sẽ thắc mắc thai nhi 11 tuần biết làm gì và khá nhạy cảm với từng cử động của em bé, không biết thai nhi 11 tuần đã máy chưa. Thực ra thai nhi 11 tuần đã có thể đá chân, duỗi người, thậm chí nấc cụt nhưng thai phụ sẽ không cảm nhận được những cử động này, tức không cảm nhận được thai máy bởi kích thước thai nhi còn quá nhỏ.
Chiều dài thai nhi giai đoạn này khoảng 41mm (1.6inch) và nặng khoảng 45g (0.03 ounce).
2. Những thay đổi của thai phụ khi mang thai 11 tuần
- Tiểu tiện thường xuyên: Nội tiết tố hCG tiết ra trong thai kỳ khiến thai phụ cảm thấy thường xuyên buồn tiểu. Hãy nhớ đừng vì sợ đi tiểu thường xuyên mà giảm lượng nước uống, thay vào đó hãy giảm các đồ uống chứa caffein - chất kích thích bài niệu.
- Vú thay đổi và tăng nhạy cảm: Điều này có thể gây khó chịu cho một số thai phụ.
- Buồn nôn và nôn, thay đổi khẩu vị: Tin vui là những triệu chứng ốm nghén sẽ sớm kết thúc, đa phần vào tuần thứ 12 tới 14.
- Đầy bụng: Nội tiết tố progesterone khiến quá trình tiêu hóa chậm lại, làm thai phụ cảm thấy đầy bụng.
3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:
- Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thai, ngộ độc thai nghén, ra máu trong thai kỳ.
- Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
- Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
- Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
- Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.
Vinmec hiện có nhiều gói thai sản (12-27-36 tuần), trong đó chương trình thai sản trọn gói 12 tuần giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ, phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe. Ngoài các dịch vụ thông thường, chương trình theo dõi thai sản từ 12 tuần có các dịch vụ đặc biệt mà các gói thai sản khác không có như: xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test tầm soát dị tật thai nhi; xét nghiệm định lượng yếu tố tân tạo mạch máu chẩn đoán tiền sản giật; xét nghiệm sàng lọc tuyến giáp; xét nghiệm Rubella; xét nghiệm ký sinh trùng lây từ mẹ sang con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ và thể chất của bé sau sinh.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; webmd.com.
- Bà bầu ăn cay có ảnh hưởng đến thai nhi không?
- Sự thay đổi của bà bầu tuần 33
- Tiêm vắc xin Covid-19 có ảnh hưởng đến thai nhi không?