Bài viết bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Xã hội là một quần thể, đây là tập hợp các sinh vật sống bên trong. Xã hội loài người được chia ra thành rất nhiều tầng lớp, nhiều mối quan hệ, nhiều mâu thuẫn xung đột của các sinh vật (cả động vật, thực vật, không gian, địa điểm...) bên trong nó. Thế giới trẻ con cũng được coi là một nhóm xã hội riêng giống như xã hội của người lớn. Và xã hội đó ảnh hưởng không ít tới sự phát triển nhân cách và nhận thức của trẻ.
1. Thế nào là nhóm trẻ?
Một cách dễ hiểu nhất, nhóm xã hội là một nhóm người chia sẻ cùng những mục tiêu và quy chuẩn, có sự cố kết xã hội nhất định, không chỉ là sự tập hợp của các cá nhân đơn thuần. Các điều kiện để duy trì nhóm bao gồm lợi ích, giá trị, sự thể hiện, nguồn gốc dân tộc và xã hội, hay các quan hệ họ hàng...
Còn về nhóm trẻ, có thể hiểu rằng là gồm nhiều đứa trẻ (từ 2 trẻ trở lên) tập hợp lại với nhau, có thể thực hiện đồng thời hoặc song song các hoạt động trong một không gian. Giữa chúng có sự tương tác qua lại, sự trao đổi, có những quy tắc hình để giúp cho nhóm được hình thành. Theo lý thuyết về tháp nhu cầu của Maslow, “nhu cầu thuộc về nhóm” là một nhu cầu thiết yếu và là một trong những “nhu cầu thiếu hụt”, cần được đáp ứng để trẻ không cảm thấy bị lo lắng hay căng thẳng. Việc hình thành, diễn tiến và duy trì các hoạt động của nhóm trẻ phụ thuộc vào nhiều điểm chung với nhau.
2 . Các yếu tố để duy trì nhóm trẻ
Việc hình thành và duy trì được nhóm trẻ do nhiều yếu tố, có thể kể đến những yếu tố dưới đây:
Đầu tiên là thời gian rảnh rỗi: khi tất cả cùng rảnh trong một khoảng thời gian như nhau (vì sẽ có trẻ phải ăn cơm, phải học hoặc bận đi ra ngoài cũng bố mẹ). “Giờ rảnh” này có nghĩa là trẻ có thể chơi/hoạt động tự do trong thời gian đó hoặc là giờ rảnh của bố mẹ/người chăm sóc. Trong một số trường hợp, khi người chăm sóc rảnh rỗi mới có thể cho trẻ đi chơi dưới sân hoặc khu vui chơi là điều kiện để các trẻ gặp nhau. Ban ngày, trẻ vẫn phải đi học, nên chỉ có thể chơi và gặp nhau vào buổi chiều (tầm 6h chiều) hoặc buổi tối sau khi ăn cơm xong và trước giờ đi ngủ (khoảng 8 – 10 giờ tối) – đối với các nhóm trẻ ở gần nhà. Ở trong các lớp học, sẽ có những giờ chơi tự do được thiết kế xen kẽ với các tiết học chính. Chính khoảng thời gian này, trẻ có cơ hội được kết nhóm tự do với nhau.
Yếu tố tiếp theo là không gian: với không gian ở chung cư thì việc trẻ gặp nhau trong thang máy, trong sân chơi hoặc trên đường về nhà rất nhiều. Ở những nơi khác, trẻ có thể gặp nhau ở sân nhà văn hóa hoặc giờ ra chơi khi đi học, các mối quan hệ khi ở lớp học thêm, các khu vui chơi, sân chơi của tổ dân phố... Việc có không gian chung, hoặc những trẻ ở gần nhau (là hàng xóm gần nhà, học cùng lớp, cùng tham gia vào trại hè...) là yếu tố để duy trì được nhóm lâu dài. Đặc biệt, với trẻ con, các nhóm trẻ có thể hình thành bất kỳ thời điểm nào, nên việc có không gian chung, ở gần nhau lại là yếu tố hình thành nên nhóm dễ dàng nhất.
Điều thứ ba có thể kể đến là sự lựa chọn trò chơi trong nhóm. Việc lựa chọn hoạt động sẽ do một trẻ trong nhóm khởi xướng (các trò chơi từng được chơi hoặc từng được hướng dẫn) hoặc có người lớn điều phối. Sau đó sẽ đến sự phân vai trò của các nhân vật trong trò chơi. Trong quá trình phân vai và sắp xếp thứ tự ưu tiên, nhóm trẻ có thể sẽ chia thành những nhóm khác nhau – có nhóm sẽ duy trì trò chơi được khởi xướng từ đầu, nhưng cũng sẽ có nhóm tách ra chơi trò chơi.
Ví dụ như ý tưởng từ “một quả bóng”, trẻ có thể sẽ đề xuất ra các trò như: ném bóng, đá bóng, giả vờ đi chợ mua quả bóng... Từ đó những thứ liên quan đến chủ đề hoặc trò chơi đã được lựa chọn cứ thế diễn ra. Nếu như việc khởi xướng nhóm và lựa chọn trò chơi do có người lớn điều phối cũng là tín hiệu tốt. Người quản trò sẽ có trách nhiệm lựa chọn hoạt động phù hợp với nhóm trẻ, sao cho tất cả trẻ đều hiểu và có thể tham gia được các trò chơi đó. Người quản trò cũng sẽ biết được mức độ tuân thủ của từng trẻ để đưa ra các yêu cầu phù hợp, nhằm gắn kết các trẻ trong nhóm với nhau. Mục đích cuối cùng đạt được là có trò chơi chung và nhóm trẻ được hình thành và cảm thấy vui vẻ về điều đó.
Điều thứ tư quyết định đến việc hình thành nhóm là đối tượng chơi. Đối tượng được đề cập là những người bạn chơi cùng trẻ. Không phải tất cả trẻ có mặt trong nhóm đều chơi cùng nhau và thể hiện tình cảm với người khác giống như nhau. Có một đặc điểm cần để ý là có sự đồng đều về mặt tuổi tác (theo phân chia độ tuổi 3 – 5, độ tuổi 6 – 9) vì các lứa tuổi này có sự tương đồng về sở thích và mối quan tâm.
XEM THÊM: Lợi ích của tương tác xã hội thể hiện qua nhóm trẻ
Ví dụ với trẻ tầm hai tuổi, trẻ có xu hướng thích khám phá nên dù trẻ có để ý đến các bạn khác, nhưng vẫn thích chơi theo kiểu một mình, mình là trung tâm, mình cần đi khám phá thế giới. Nhưng khoảng ba hoặc bốn tuổi, trẻ đã hiểu nhiều hơn về thế giới, đã được trải nghiệm các môi trường khác nhau, đã biết chơi luân phiên, đã biết nhường người khác và đã biết thỏa thuận trao đổi để duy trì hoạt động chơi. Các trẻ từ bốn tuổi trở đi, cũng thích các trò chơi đóng vai hoặc các trò chơi giả vờ, có sắp xếp hơn: đóng vai các thành viên trong gia đình, đóng vai người bán hàng và mua hàng, sắp xếp bối cảnh trong siêu thị, sắp xếp bối cảnh lớp học, bối cảnh khu vui chơi, bối cảnh chăm sóc em bé... Các trẻ tiểu học lại thích chơi các trò chơi đối kháng hoặc các trò chơi có tính cạnh tranh và có quy tắc như là chơi thẻ bài, chơi quay, chơi đánh nhau, chơi đuổi bắt, chơi cá ngựa...
Yếu tố giới tính cũng ảnh hưởng không ít tới việc kết nối trẻ với nhau. Có thể dễ dàng nhìn thấy, các trẻ nữ có xu hướng chơi với nhau, các trẻ nam cũng có xu hướng chơi với nhau (từ 3 – 6 tuổi trẻ đã manh nha xác định bản thể của mình, nhận thức phát triển, biết phân biệt đúng sai, nhận thức “cái tôi” đơn giản). Trẻ bước đầu phân biệt được sự khác nhau giữa giới nam và nữ và có lựa chọn các trò chơi mang đặc thù về giới. Trẻ nữ có xu hướng thích chơi các trò chơi đóng vai, giả vờ, mô phỏng lại các hoạt động thường ngày mà chúng nhìn thấy với búp bê, với chó mèo, với các bạn khác... Trẻ nam lại có xu hướng lựa chọn các hoạt động vận động mạnh hoặc chơi đấu kiếm, chơi đuổi bắt, siêu nhân ... Không phải là trẻ định hướng giới sẽ chỉ luôn chọn những trò chơi thuộc về giới mình, mà chúng sẽ chơi bất kỳ trò gì mà chúng biết, hoặc được khởi xướng. Sau đó khi gặp những trẻ cùng giới tính lại cùng sở thích thì việc phân chia trò chơi, hoạt động chơi theo giới được phân định rõ ràng hơn.
Vì thế, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố sở thích. Tất nhiên là những trẻ thích búp bê hoặc thích chơi đóng vai công chúa – hoàng tử sẽ “bắt sóng” với nhau nhanh hơn và dễ dàng trở thành nhóm. Tương tự, những trẻ thích chơi đuổi bắt, chỉ cần có một ý tưởng được nêu ra là tụi trẻ sẽ nhanh chóng nhập cuộc với nhau. Hoặc khi nhiều trẻ cùng quan tâm tới một món đồ chơi, nó cũng trở thành vật liên kết các trẻ. Theo đó, ở những lần gặp mặt sau, sở thích chung sẽ giúp các trẻ duy trì được nhóm, duy trì được mối quan hệ giữa các thành viên và từ đó khiến cho các trò chơi trở nên linh hoạt, sáng tạo hơn.
Trong số những yếu tố trên, yếu tố nào cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và duy trì nhóm trẻ. Các yếu tố trên đều đồng đẳng với nhau, không có yếu tố nào là cốt lõi hơn so với những yếu tố khác. Bố mẹ và người chăm sóc có thể dựa vào những điều này để tạo cho trẻ một sân chơi vui vẻ và thoải mái, đồng thời giúp trẻ duy trì các mối quan hệ xã hội thân thiết.
- Tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc tủy răng sữa trong y học tái tạo
- Một số biện pháp phát triển kỹ năng tự phục vụ cho trẻ tự kỷ tại gia đình
- Dạy ngôn ngữ cho trẻ như thế nào?