Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, vị giác của lưỡi đã được hình thành và đem đến cho chúng ta những trải nghiệm về hương vị đầu tiên. Sự hình thành và phát triển của vị giác là một quá trình giúp con người khám phá cũng như thưởng thức nhiều món ăn khác nhau, kích thích hoàn thiện gai vị giác và các giác quan khác của cơ thể.
1. Vị giác của lưỡi được hình thành như thế nào?
Nhìn chung, vị giác ở lưỡi được hình thành và phát triển ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Ở bề mặt lưỡi được bao phủ bởi những gai vị giác, có chứa các cơ quan vị giác cùng một số tuyến giúp tạo và tiết nước bọt. Thực tế, có bốn loại gai vị giác với hình dạng và kích thước khác nhau trên những vùng nhất định của lưỡi.
Các nụ vị giác trên lưỡi là sự kết hợp của các tế bào, bao gồm tế bào đáy, tế bào dạng cột và từ 10 – 50 tế bào thụ cảm vị giác, chúng sẽ được thay mới sau mỗi 5 – 10 ngày. Một số tế bào thụ thể này có chứa các protein, trên bề mặt của chúng liên kết với những hóa chất từ thực phẩm mà bạn tiêu thụ, trong khi những tế bào khác có các kênh ion được kích hoạt bởi các hoá chất khác nhau. Khi cơ quan thụ cảm phát hiện ra một chất hoá học cụ thể, thông tin này sẽ được truyền tải dọc theo một loạt các đường dẫn thần kinh đến não bộ - nơi vị giác của lưỡi được cảm nhận.
Đối với thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ, bé sẽ nuốt nước ối và phát triển hệ tiêu hoá. Các hương vị trong những loại thực phẩm mà người mẹ tiêu thụ sẽ đi qua đường máu để vào nước ối. Khi uống nước ối, vị giác trên lưỡi của bé sẽ có những trải nghiệm đầu tiên về những hương vị khác nhau.
Sau khi trẻ chào đời, các gai vị giác của lưỡi lúc này rất nhạy cảm và đã có thể nhận biết được các vị chua, ngọt. Tuy nhiên, bé có xu hướng thích vị ngọt hơn. Đây cũng chính là lý do tại sao trẻ sơ sinh rất thích vị sữa mẹ. Cho tới khi trẻ được khoảng 5 tháng tuổi, vị giác của chúng mới phát triển các phản ứng với đồ ăn mặn.
2. Vị giác có chức năng gì?
Vị giác được xem là một trong những giác quan quan trọng bậc nhất, giúp bạn có thể nếm và cảm nhận được mùi vị. Thông qua vị giác trên lưỡi, chúng ta có thể biết được loại thức ăn an toàn hoặc gây hại khi tiêu thụ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vị giác còn giữ chức năng giúp bạn tận hưởng mùi vị của thức ăn.
Quá trình vật lý của vị giác sẽ bắt đầu từ bề mặt của lưỡi, nơi có chứa những gai vị giác nằm ở bên trong chồi vị giác, bao phủ khắp lưỡi của bạn. Những gai vị giác này bao gồm nhiều tế bào khác nhau, trong số đó chỉ những tế bào thụ thể vị giác mới có thể phát huy khả năng cảm nhận mùi vị của mình.
Lưỡi là một cơ quan cảm thụ vị giác, được tạo thành từ các sợi cơ, gồm các phần sau đây:
- Thân lưỡi: Nằm ở phía trước, có thể cử động linh hoạt qua lại, lên xuống.
- Cuống lưỡi: Nằm ở phía sau, liên kết với vòm miệng và xương móng.
- Mặt trên của lưỡi: Bao gồm nhiều gai thần kinh vị giác cùng với các nụ nếm phân bố rải rác ở giữa các rãnh của lưỡi.
Lưỡi giữ 4 chức năng quan trọng, bao gồm: nếm, nuốt, nhai và nói. Lưỡi giúp bạn nhận biết được mùi vị thức ăn và nước uống thông qua vị giác ở lưỡi (một trong 5 giác quan thiết yếu của cơ thể).
Nụ vị giác của lưỡi (nụ nếm) nằm ở từng vùng nhất định trên mặt lưỡi. Cụ thể, nụ nếm vị chua và mặn nằm ở hai bên cạnh lưỡi, nụ nếm vị ngọt nằm ở phía đầu lưỡi, nụ nếm vị đắng nằm ở phía sau của lưỡi. Ngay ở mặt dưới của lưỡi, bao gồm cuống họng và vòm miệng cũng có một số ít nụ vị giác, do đó bạn vẫn cảm nhận được vị của thức ăn qua chúng.
Mặt khác, trong mỗi nụ vị giác có tới hàng ngàn tế bào vị giác khác nhau, do đó khi được kích thích bởi các chất hóa học trong nước uống và thức ăn, chúng sẽ truyền mùi vị theo dây thần kinh lên não nhằm giúp bạn phân biệt được hương vị của đồ ăn.
3. Sự liên kết của vị giác với các giác quan khác
Thực tế, vị giác trên lưỡi không phải là yếu tố duy nhất có thể đem lại cho bạn những cảm nhận về hương vị khi ăn uống. Trong khi ăn, các giác quan khác cũng tham gia và cung cấp nhiều thông tin về loại thực phẩm mà bạn đang tiêu thụ, chẳng hạn như: nhiệt độ, kết cấu và mùi vị của món ăn.
Khi bạn ăn đồ cay, thực chất các gai vị giác ở lưỡi không hoạt động, thay vào đó là xúc giác giúp bạn phản ứng lại sự cay nóng mà món ăn gây ra. Mặt khác, mũi cũng liên kết với vị giác, góp phần tạo ra các cảm nhận hương vị của bạn. Ngoài ra, khứu giác cũng tham gia vào quá trình nhận biết mùi vị khi bạn ngửi thức ăn. Để làm tăng thêm hương vị lúc nhai, các cơ quan liên kết với mũi nằm ở phía sau của miệng sẽ kích thích khứu giác một cách mạnh mẽ.
Trong trường hợp không có các giác quan khác, cơ thể bạn vẫn có khả năng sử dụng vị giác trên lưỡi, tuy nhiên điều này sẽ khiến cho những trải nghiệm hương vị bị mất đi đáng kể.
Trong não bộ, những thông tin nhận từ các giác quan sẽ được tổng hợp để có thể tạo ra cảm nhận về mùi vị món ăn của bạn. Những xung điện đại diện cho khứu giác, vị giác và xúc giác sẽ được truyền đến các phần não bộ phù hợp để giải mã.
Các xung điện từ gai vị giác cuối cùng của lưỡi sẽ được xử lý khi chúng đi đến phần vỏ não, trong khi những phần khác của não bộ sẽ nhận các thông tin từ xúc giác và khứu giác, từ đó ghép lại một “bức tranh” hoàn chỉnh về hương vị của món ăn.
Đối với trẻ nhỏ, sự hình thành và phát triển vị giác cũng như các giác quan khác của cơ thể ngay từ ban đầu là một điều hết sức quan trọng. Sau khi sinh, vị giác của trẻ rất nhạy cảm và phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy ngay từ những năm tháng đầu đời, ba mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giúp bé phát triển vị giác cũng như các giác quan khác một cách thuận lợị.
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Nguồn tham khảo: science.org.au, ncbi.nlm.nih.gov
- Các giác quan ảnh hưởng thế nào đến những gì bạn ăn?
- Điều gì khiến bạn mất khứu giác và vị giác?
- Tại sao vị giác của bạn thay đổi?