Mục lục
Khi trẻ bị sốt, có rất nhiều bố mẹ băn khoăn không biết nên và không nên làm gì với con? Hay có cần kiêng cữ gì cho con không? Đặc biệt vấn đề “Trẻ bị sốt siêu vi có được tắm không?” là câu hỏi được rất nhiều cha mẹ đặt ra nhằm chăm con được tốt hơn.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
1. Tìm hiểu tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ
Trẻ bị sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus là tình trạng sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Bệnh thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng ẩm. Bệnh thường diễn biến cấp tính khoảng 3 – 5 ngày, còn để ổn định hoàn toàn có thể cần từ 7 – 10 ngày, nếu được điều trị tích cực sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chủ quan vì bệnh diễn biến rất nhanh, nếu không điều trị có thể gây ra biến chứng nguy hiểm.
Các dấu hiệu trẻ bị sốt siêu vi thường khá giống với các bệnh thông thường, vì vậy, ba mẹ cần chú ý để điều trị hiệu quả.
- Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do siêu vi, thường từ 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.
- Đau nhức mình mẩy: trẻ có thể đau đầu, mỏi cơ, người uể oải, quấy khóc.
- Đau đầu: một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo.
- Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ...
- Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là tiêu lỏng, không có máu, chất nhầy.
- Phát ban: một số trẻ biểu hiện nổi ban, phát ban khu trú ở mặt, chi hay toàn thân. Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì trẻ sẽ đỡ sốt.
- Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có ghèn, chảy nước mắt. khi xuất hiện kèm với ban đỏ có thể nghi ngờ trẻ bị ban sởi.
- Nôn: trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.
Sốt virus ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến và có tiên lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: co giật, rối loạn điện giải, bội nhiễm, viêm phổi, viêm cơ tim.... Do đó trường hợp trẻ sốt trên 39 độ dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Hoặc trẻ có dấu hiệu lơ mơ, ngủ li bì, lên cơn co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày, cần phải đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế uy tín.
2. Sốt siêu vi ở trẻ em có được tắm không?
Chắc hẳn việc tắm cho trẻ hay không khi trẻ bị sốt siêu vi là điều khiến bố mẹ lăn tăn.
Trẻ bị sốt siêu vi vẫn có thể tắm bình thường, nếu trong mùa hè thì bố mẹ có thể tắm cho trẻ bằng nước mát để giúp trẻ dễ chịu hơn, nếu mùa đông tắm cho trẻ bị sốt siêu vi bằng nước ấm. Đặc biệt, cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng và nước để bù lại lượng nước đã mất trong cơ thể của trẻ.
Hiện nay, sốt siêu vi chưa có thuốc đặc trị mà chỉ được điều trị hỗ trợ bằng cách nâng thể trạng, tăng cường sức đề kháng, điều trị triệu chứng và phòng các biến chứng.
- Đầu tiên, bố mẹ cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Đối với các trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ (Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, chia đều dùng cách nhau 4 - 6h).
- Để trẻ nằm nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, thoáng mát. Lấy khăn ấm vắt ráo nước lau người, đặc biệt chú ý các vùng bẹn, nách.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi.
- Cho trẻ uống nhiều nước để hạ sốt, giúp bài tiết các chất độc trong cơ thể.
- Ăn đồ ăn dạng lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, súp chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên ép bé ăn quá nhiều trong một bữa.
- Bổ sung thêm các loại nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng.
- Theo dõi sát sao trẻ, nếu có dấu hiệu gì bất thường cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tránh để trẻ sốt quá cao dẫn đến co giật hoặc các biến chứng khôn lường.
- Nguy hiểm mùa hè: Mất nước ở trẻ
- Định lượng các chất điện giải trong nước tiểu (Na+, K+, CL-)
- Trẻ ngủ li bì sau khi hết sốt có sao không?