Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sỏi thận là một bệnh lý khá bổ biến ở nước ta, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó gặp nhiều ở người cao tuổi. Sỏi thận chiếm đến 50% các bệnh về sỏi, bệnh dễ tái phát và có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là suy thận.
1. Sỏi thận 6 - 7mm có nguy hiểm không?
Sỏi thận có diễn biến âm thầm, được hình thành do sự lắng đọng của các chất cặn trong nước tiểu, khi các chất cặn kết tụ lại sẽ tạo thành sỏi. Mới đầu viên sỏi có kích thước nhỏ, thường chưa có biểu hiện gì. Theo thời gian, kích thước viên sỏi tăng dần, khi nó chèn ép gây ứ nước tiểu, nhiễm khuẩn,... sẽ có các biểu hiện như đau hông lưng, tiểu buốt, khi đó bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ra sỏi.
Thông thường, những viên sỏi có kích thước nhỏ dưới 5mm có khả năng theo nước tiểu thoát ra ngoài một cách tự nhiên. Với những viên sỏi có kích thước lớn hơn, từ 7mm trở lên khả năng tự đào thải là rất thấp. Các viên sỏi lớn sẽ gây ra những cơn đau ở vùng hông lưng hai bên, tiểu rắt, thậm chí có thể bị nhiễm trùng, sốt,... Lúc này, người bệnh cần phải đi khám ngay để các bác sĩ thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Nếu người bệnh không có sự quan tâm đúng mức đến sức khỏe sẽ khiến cho kích thước viên sỏi gia tăng nhanh chóng, gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc đường tiểu, nhiễm trùng, suy thận cấp tính hay mạn tính, thậm chí có thể gây vỡ thận.
2. Sỏi thận 6-7mm nên uống thuốc hay nên phẫu thuật?
Việc chỉ định điều trị sỏi thận phụ thuộc vào hai yếu tố:
- Kích thước sỏi.
- Sự tác động của sỏi tới thận.
Với sỏi thận 6mm thường được chỉ định điều trị nội khoa, tăng lượng nước tiểu. Có một số loại thuốc có khả năng hòa tan một số loại sỏi thường gặp với thành phần hóa học là urat hoặc cystine. Tuy nhiên các loại thuốc này không hòa tan được sỏi canxi, mà có đến 80% sỏi thận là sỏi canxi.
Với sỏi thận 7mm đồng thời gây tắc nghẽn hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu, khi đó có thể cần phải can thiệp ngoại khoa. Can thiệp ngoại khoa ở đây không phải chỉ có phương pháp mổ mở mà còn có phương pháp mổ nội soi. Đến nay, phương pháp mổ mở gần như đã bị loại bỏ ở các nước phát triển do các biến chứng sau phẫu thuật cao. Tuy nhiên, ở nước ta, việc điều trị sỏi thận bằng phương pháp mổ mở vẫn chiếm tỷ lệ lớn, ngay cả ở các bệnh viện lớn, do bệnh nhân thường đến muộn, kích thước sỏi to và đã có biến chứng kèm theo.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa có thể áp dụng với sỏi thận 6 - 7mm đó là:
- Phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da chuẩn thức (Standart PCNL): Đây là một phương pháp kỹ thuật cao, ít xâm lấn. Phương pháp này có thể điều trị những viên sỏi thận có kích thước lớn, thường với viên sỏi > 25mm, đặc biệt với sỏi san hô. Khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê toàn thân, ít đau, sẹo mổ < 1cm, ít gây tổn thương thận, thời gian nằm viện điều trị chỉ khoảng 3 - 5 ngày.
- Phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da tối thiểu (Mini PCNL): Phẫu thuật này dựa trên nguyên tắc của phương pháp nội soi thận qua da chuẩn thức nhưng sử dụng máy nội soi niệu quản kích thước nhỏ. Nội soi tán sỏi thận qua da tối thiểu có thể áp dụng cho các viên sỏi có kích thước 15 - 25mm. Phương pháp này giúp giảm thời gian nằm viện xuống 1 - 2 ngày, có nhiều ưu điểm khác như: Ít đau đớn, ít chảy máu, ít gây tổn thương chức năng thận và sẹo mổ nhỏ rất khó phát hiện ra.
- Phương pháp nội soi niệu quản (Ureteroscopy): Phương pháp này sử dụng ống nội soi niệu quản rất nhỏ để tiếp cận viên sỏi, sau đó sử dụng Laser tán vỡ vụn viên sỏi. Tiếp theo các mảnh sỏi vụn được hút ra ngoài qua ống nội soi. Cuối cùng, một ống thông mềm mại được đặt vào hệ tiết niệu, 2 đầu ống cuộn tròn trong bể thận và bàng quang (được gọi là sonde JJ), ông thông này sẽ được rút ra sau 2 tuần. Phương pháp này có các ưu điểm như là: ít đau, không có sẹo mổ, thời gian nằm viện chỉ 1 ngày.
- Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL): Đây là phương pháp chữa sỏi thận hiệu quả và nhẹ nhàng nhất. Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp sỏi có kích thước < 15mm. Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL) sử dụng sóng xung kích để làm vỡ sỏi, sau đó các mảnh vụn sỏi sẽ được đào thải một cách tự nhiên theo nước tiểu. Phương pháp này có thời gian nằm viện ngắn 1/2 ngày, tỷ lệ hết sỏi khoảng 55 - 85%.
Sỏi thận 6 - 7mm không phải quá to, nhưng cũng không còn nhỏ, có thể uống thuốc hoặc sử dụng các phương pháp tán sỏi. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại sỏi, sự tác động của sỏi tới thận, trang thiết bị máy móc của bệnh viện cùng với kinh nghiệm, trình độ của bác sĩ điều trị. Do đó bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, không nên tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc theo sự mách bảo của người khác.
- Thế nào là đợt cấp suy thận mạn?
- Vì sao bệnh nhân thận mạn dễ bị thiếu máu?
- Ưu điểm của mổ nội soi sỏi túi mật