17-01-2024 10:52

Sơ cứu cho trẻ khi bị điện giật

Sơ cứu cho trẻ khi bị điện giật

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tính hiếu động và tò mò là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng điện giật ở trẻ. Điện giật là một tai nạn vô cùng nguy hiểm, gây nhiều tổn thương cho cơ thể như ngừng tim, ngừng thở, tổn thương các cơ quan, thậm chí có thể lấy đi tính mạng của trẻ bất cứ lúc nào. Sơ cứu trẻ bị điện giật là điều mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng cần phải biết để bảo vệ con mình tránh các biến chứng có thể xảy ra khi bé bị điện giật.

1. Điện giật ở trẻ có nguy hiểm không?

Tai nạn điện giật xảy ra một cách đột ngột khiến nạn nhân bị bỏng ở các mức độ từ nhẹ đến nặng, gây nhiều tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, thậm chí có thể làm bệnh nhân tử vong do tim ngừng đập, ngừng thở.

Điện giật có thể khiến nạn nhân tử vong do tim ngừng thở
Điện giật có thể khiến nạn nhân tử vong do tim ngừng thở

Các cơ quan trong bị tổn thương do điện giật gồm:

  • Tim: Rung thất, rối loạn nhịp nhĩ, block tim độ 1 và 2, block nhánh và ngừng tim đột ngột là các hiện tượng có thể xảy ra khi bé bị điện giật. Trong đó rung thất là rối loạn nhịp tim gây tử vong thường gặp nhất, xảy ra trong khoảng 60% bệnh nhân có đường đi của dòng điện từ tay này sang tay khác.
  • Thận: Điện giật khiến thận của trẻ bị tổn thương nặng như tổn thương thận cấp do lắng đọng sắc tố của tế bào cơ trong ống thận, hoại tử ống thận cấp và tiêu cơ vân.
  • Thần kinh: Sau khi bị điện giật, trẻ có thể bị tổn thương ở cả 2 hệ thống thần kinh là trung ương và ngoại biên. Khi bị tổn thương thần kinh trẻ thường có các biểu hiện như rối loạn trí nhớ, suy giảm hô hấp, mất ý thức, yếu hoặc liệt chi,... trong đó rối loạn cảm giác và vận động do tổn thương thần kinh ngoại biên là khá phổ biến.
  • Da: Trẻ có thể bị bỏng nhiệt bề mặt, bỏng nhiệt một phần hoặc bỏng nhiệt toàn bộ sau khi tổn thương. Cần lưu ý không được dựa vào các tổn thương bên ngoài để xác định mức độ tổn thương bên trong, đặc biệt là các tổn thương do điện áp thấp gây nên.
  • Cơ xương: Vùng tổn thương thường là các mô ở sâu xung quanh các xương dài, điện giật có thể gây bỏng màng xương, phá hủy bào chất xương, hoại tử xương, gãy xương...
  • Hệ thống mạch máu, đông máu: Sau khi bị điện giật, các mạch máu của trẻ có thể bị tổn thương và xuất hiện các huyết khối động mạch, hiện tượng này xảy ra do hội chứng ép khoang hoặc đông cứng các mạch máu nhỏ.
  • Các cơ quan khác như phổi, dạ dày, ruột nonđại tràng,... cũng bị tổn thương và gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn thứ phát, nhiễm trùng, và thậm chí là gây tử vong.

2. Sơ cứu trẻ bị điện giật như thế nào?

2.1. Tại nơi xảy ra điện giật

  • Khẩn trương ngắt nguồn điện, nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi dòng điện bằng các vật dụng không dẫn điện như que gỗ hay chổi.... Lưu ý không được chạm vào trẻ bằng tay trần khi chưa ngắt nguồn điện.
  • Kiểm tra các dấu hiệu tuần hoàn của trẻ (nhịp tim, nhịp thở, ho và cử động): Nếu trẻ bị ngừng tim, ngừng thở cần tiến hành các biện pháp hồi sinh tim phổi như sau:
    • Đặt trẻ nằm, ngửa đầu tối đa, loại bỏ các dị vật trong miệng của trẻ, không làm nếu trẻ bị chấn thương cột sống cổ.
    • Ấn vào vùng trước tim của trẻ, kiểm tra nếu tim trẻ không đập trở lại thì tiến hành hà hơi thổi ngạt kết hợp ép tim ngoài lồng ngực cho trẻ (30 lần ép tim 2 lần thổi ngạt), tiếp tục cấp cứu đến khi nào tim trẻ đập lại và thở được.
    • Ngay sau khi trẻ tự thở được và tim đập trở lại cần tiến hành băng bó cầm máu, cố định các phần xương bị gãy, cố định cột sống cổ trẻ nếu nghi ngờ bị tổn thương, truyền dịch cho trẻ nếu trẻ bị hạ huyết áp và đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chăm sóc đặc biệt.
  • Khi phát hiện con mình bị bỏng, các bậc cha mẹ không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các nhân viên y tế làm sạch và băng bó vết thương đồng thời kiểm tra những tổn thương bên trong của trẻ.
Khi phát hiện bé bị bỏng nên đưa ngay đến bệnh viện để sơ cứu kịp thời
Khi phát hiện bé bị bỏng nên đưa ngay đến bệnh viện để sơ cứu kịp thời

2.2. Tại bệnh viện

  • Theo dõi liên tục tình trạng huyết áp, nhịp tim, nhịp thở của trẻ.
  • Hỗ trợ hô hấp cho trẻ bằng cách cho trẻ thở oxy thông qua xông mũi hoặc mặt nạ, trường hợp trẻ bị suy hô hấp nặng cần tiến hành bóp bóng oxy qua mặt nạ hoặc nội khí quản cho trẻ.
  • Nếu trẻ bị tụt lưỡi cần đặt canuyn miệng vào miệng của trẻ.
  • Kiểm tra công thức máu; ure và creatinin máu; điện giải máu; đường máu; CK; các men SGOT và SGPT,... nhằm đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể trẻ sau khi bị điện giật.
  • Đánh giá mức độ tổn thương của trẻ:
    • Cần chuyển trẻ vào khoa hồi sức tích cực để được chăm sóc đặc biệt nếu trẻ bị tổn thương nặng.
    • Ngay khi trẻ đã được cấp cứu ổn định, nếu trẻ bị bỏng đáng kể nên chuyển trẻ đến trung tâm chuyên điều trị bỏng.
  • Đối với những trẻ bị điện giật do tiếp xúc với nguồn điện cao áp, cần theo dõi sát tình trạng tim mạch từ 12 – 24 giờ mặc dù không thấy rõ bất cứ tổn thương nào.

3. Cách phòng tránh điện giật ở trẻ

  • Đối với những trẻ lớn, cần giáo dục và dạy cho trẻ biết được những mối nguy hiểm về điện và các biện pháp phòng tránh điện giật khi sử dụng các thiết bị điện.
  • Với những trẻ còn nhỏ:
    • Cha mẹ cần thiết kế các ổ cắm ngoài tầm với của trẻ.
    • Dùng chắn điện an toàn hoặc lấy băng dính bịt kín các ổ cắm ít sử dụng đến.
  • Dây dẫn điện trong nhà cần phải dùng loại có vỏ bọc cách điện tốt, không nên sử dụng dây điện, thiết bị điện, đồ dùng điện có chất lượng kém, nên đặt chúng trong ống cách điện để phòng điện giật khi dây dẫn điện bị rò.
  • Không chạm vào nguồn điện, cắm phích các thiết bị điện khi tay đang ướt, chân không mang dép và đứng nơi ẩm ướt.
  • Nối đất vỏ kim loại các thiết bị điện trong nhà như vỏ tủ lạnh, vỏ máy bơm nước, máy giặt,... để phòng điện giật khi điện bị rò ra vỏ.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do bị điện giật, các bậc cha mẹ cần phải chú ý đến các thiết bị điện gia dụng trong nhà cũng như các dây dẫn điện bị sờn tróc vỏ và các ổ điện bị bể gây rò điện, nên sửa chữa hoặc thay thế ngay.

XEM THÊM:
  • Làm gì khi bị sốc điện do điện giật?
  • Các bước sơ cứu ban đầu trẻ bị điện giật
  • Cấp cứu người bị điện giật

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan