Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xét nghiệm Pap Smear là một phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả, giúp phát hiện những thay đổi bất thường trong tế bào trước khi trở thành ung thư. Vậy thời điểm nào thì phụ nữ nên tiến hành xét nghiệm Pap Smear tránh ung thư cổ tử cung?
1. Xét nghiệm Pap Smear là gì?
Xét nghiệm Pap Smear (còn gọi là xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung), là một xét nghiệm tế bào học để tầm soát phát hiện ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mặt khác, bệnh ung thư cổ tử cung có được chữa khỏi không còn tùy vào việc bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hay trễ.
Pap Smear được thực hiện bằng cách thu thập và kiểm tra các tế bào ở khu vực cổ tử cung - một đoạn hẹp nằm dưới tử cung, ngay phía trên âm đạo của nữ giới.
Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap Smear có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho bệnh nhân. Không những thế, xét nghiệm Pap Smear còn giúp phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào cổ tử cung, từ đó cho thấy nguy cơ xảy ra ung thư cổ tử cung trong tương lai.
2. Đối tượng cần đi làm xét nghiệm Pap smear
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất kì ai, bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng thường gặp hơn cả ở những nhóm sau:
- Phụ nữ từng có quan hệ tình dục
- Phụ nữ thừa cân, béo phì
- Người bị xuất huyết tử cung lâu ngày
- Người có kinh nguyệt không đều
- Phụ nữ có kinh nguyệt lần đầu tiên quá sớm hay quá muộn
- Người bị tiểu đường, cao huyết áp
- Người sử dụng estrogen ngoại sinh.
3. Thời điểm nào cần xét nghiệm Pap smear?
Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở hầu hết mọi phụ nữ với những dấu hiệu ban đầu không rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn với bệnh khác. Vì vậy, bạn nên thực hiện xét nghiệm Pap Smear ngay từ khi còn trẻ.
Bạn có thể tham khảo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về việc xét nghiệm Pap Smear ở phụ nữ như sau:
- Nên tầm soát thường xuyên bằng Pap Smear
- Xét nghiệm Pap Smear nên bắt đầu sau 3 năm sau khi phụ nữ có quan hệ tình dục (dưới 21 tuổi) hoặc từ 21 tuổi trở đi
- Phụ nữ dưới 30 tuổi nên thực hiện tầm soát bằng Pap Smear mỗi năm một lần
- Phụ nữ trên 30 tuổi nên tầm soát 3 năm/lần nếu kết quả Pap Smear cả 3 lần đều âm tính; hoặc kết quả xét nghiệm Pap Smear và HPV đều âm tính
Như vậy phụ nữ trong độ tuổi từ 21-70 đã quan hệ tình dục, đặc biệt là độ tuổi từ 30-50 cần phải làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Trong đó, phụ nữ từ 21-29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc VIA 2 năm/lần.
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, thời gian tốt nhất để thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung là 2 tuần sau khi kì kinh nguyệt cuối cùng kết thúc và khoảng 24-58 giờ sau khi quan hệ tình dục. Nếu bạn đã có lịch xét nghiệm thì tốt nhất nên tránh quan hệ tình dục, tránh sử dụng các loại kem bôi âm đạo hoặc dùng thuốc men, băng vệ sinh, thụt rửa âm đạo, dung dịch vệ sinh... trong khoảng 24-48 giờ trước đó.
Hoạt động tình dục và quan hệ tình dục trước khi làm xét nghiệm Pap Smear có có thể gây ra trầy xước ở cổ tử cung. Điều này có thể làm thay đổi chất lượng của các tế bào mẫu và dễ khiến cho việc xét nghiệm đạt kết quả không chính xác.
Như vậy, sau 24- 58h từ khi quan hệ tình dục lần đầu tiên bạn đã có thể xét nghiệm Pap Smear. Hãy chú ý điều này để đảm bảo kết quả xét nghiệm Pap Smear được chính xác nhất và thuận lợi nhất.
- Nên sàng lọc Pap smear tầm soát ung thư cổ tử cung bao lâu một lần?
- Kết quả xét nghiệm LSIL và HPV âm tính có sao không?
- Pap smear, sinh thiết, CT, MRI trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung