Mục lục
Trầm cảm nặng là hiện tượng xảy ra rất phổ biến hiện nay, nó diễn ra ở người trẻ tuổi ngày càng nhiều. Để hiểu biết hơn về hội chứng trầm cảm nặng, hãy tham khảo bài viết đây để bạn nhận ra một số nguyên nhân, triệu chứng, tác hại và cách điều trị căn bệnh này.
1. Rối loạn trầm cảm nặng là bệnh lý như thế nào?
Rối loạn trầm cảm nặng ( Major Depressive Disorder: MDD): là trạng thái cảm giác buồn bã và dữ dội kéo dài trong một thời gian.
Cảm giác buồn là một cảm giác hết sức bình thường của con người trong đời sống. Họ có thể cảm thấy buồn hoặc chán nản khi không đạt được mục tiêu của mình đặt ra, khi người thân của họ qua đời hay đang phải trải qua một khó khăn, thử thách trong cuộc sống như ly hôn hoặc trong quá trình điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Thông thường những cảm giác buồn, chán nản này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi ai đó trải qua cảm giác buồn dai dẳng và dữ dội trong thời gian dài thì họ có thể bị rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như rối loạn trầm cảm nặng (MDD).
Rối loạn trầm cảm nặng còn được gọi là trầm cảm lâm sàng, đây là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Khi bị trầm cảm nặng, bạn có thể khó làm việc, học tập, ngủ, ăn uống, vui chơi với bạn bè và tham gia các hoạt động. Một số người chỉ bị trầm cảm lâm sàng một lần trong đời, trong khi những người khác mắc bệnh này vài lần trong đời.
Trầm cảm nặng thường không liên quan đến di truyền nhưng cũng có trường hợp có thể xảy ra từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình.
Xem ngay: Trầm cảm nặng: Dấu hiệu và nguy cơ tự sát
2. Triệu chứng rối loạn trầm cảm mạnh
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng dựa trên các triệu chứng, cảm giác và hành vi của bạn. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng bộ câu hỏi để xác định rõ hơn bạn có bị trầm cảm nặng hay một tình trạng nào khác hay không.
Để được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng, người bệnh đã từng xuất hiện hoặc trải qua:
- Phải trải qua một sự thay đổi hoạt động khác thói quen trước đây của bạn
- Các triệu chứng phải xảy ra trong khoảng thời gian từ 2 tuần trở lên
- Ít nhất một triệu chứng là tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú, niềm vui
Theo đó, bạn phải trải qua 5 hoặc có thể nhiều hơn các triệu chứng kéo dài trong 2 tuần sau đây:
- Bạn cảm thấy buồn bã hoặc cáu kỉnh hầu hết trong ngày, gần như mỗi ngày.
- Bạn ít quan tâm đến hầu hết các hoạt động mà bạn đã từng yêu thích.
- Bạn thay đổi cân nặng đột ngột hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn.
- Bị rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu hoặc muốn ngủ nhiều hơn bình thường.
- Bạn trải qua cảm giác bồn chồn.
- Bạn cảm thấy người thường xuyên mệt mỏi và thiếu năng lượng để hoạt động.
- Bạn thường cảm thấy mình vô dụng hoặc tội lỗi về những điều mà bạn thường không cảm thấy như vậy.
- Bạn khó có thể tập trung hay suy nghĩ hoặc đưa ra các quyết định.
- Bạn nghĩ đến việc tự sát hoặc làm hại bản thân.
Với lứa tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu rối loạn trầm cảm của con. Ở độ tuổi này, các dấu hiệu bệnh cha mẹ cần để ý đó là:
- Trẻ bắt đầu hoặc tăng sử dụng các chất (ví dụ: rượu, hút thuốc)
- Học lực kém hơn
- Gặp vấn đề với đồng nghiệp
- Gia tăng sự rút lui / cô lập xã hội.
3. Nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm mạnh
Nguyên nhân hội chứng trầm cảm nặng vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này như:
- Sự kết hợp giữa gen và tình trạng căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hóa học của não và làm giảm khả năng duy trì tâm trạng ổn định.
- Mất thăng bằng hormone trong cơ thể.
- Trầm cảm nặng cũng có thể được kích hoạt bởi: Sử dụng rượu hoặc ma túy, mắc một số bệnh lý như ung thư hoặc bệnh suy giáp, do sử dụng các loại thuốc như steroid
4. Ai có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nặng?
Bệnh trầm cảm nặng thường xảy ra ở người trưởng thành, gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Ở người lớn tuổi, trẻ em cũng có thể gặp nhưng ít hơn.
4.1. Phụ nữ
Tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm nặng cao gần gấp đôi so với nam giới. Nguyên nhân là do:
- Nội tiết tố bị thay đổi trong thời kỳ dậy thì, kinh nguyệt, mang thai, sảy thai và mãn kinh.
- Gia tăng căng thẳng ở nhà hoặc áp lực tại nơi làm việc
- Cân bằng trong các mối quan hệ giữa cuộc sống gia đình với sự nghiệp và chăm sóc cha mẹ già.
- Việc nuôi con một mình gặp nhiều khó khăn cũng làm nguy cơ rối loạn trầm cảm mạnh gia tăng.
4.2. Nam giới
Trầm cảm ở nam giới chiếm tỷ lệ thấp. Những người đàn ông bị trầm cảm lâm sàng ít có khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc thậm chí nói về trải nghiệm của họ. Các dấu hiệu trầm cảm ở nam giới có thể bao gồm:
- Cáu kỉnh, tức giận
- Lạm dụng ma túy và rượu ( lạm dụng chất kích thích cũng có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm chứ không phải là kết quả của nó).
- Kìm nén nhiều cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến hành vi bạo lực.
- Nó cũng có thể dẫn đến gia tăng bệnh tật, tự tử và hành vi giết người.
5. Điều trị rối loạn trầm cảm mạnh
Trầm cảm nặng là một bệnh nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể đề nghị điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hay đề xuất liệu pháp tâm lý hoặc liệu pháp trò chuyện. Thay đổi lối sống cho lành mạnh cũng giúp tình trạng bệnh hồi phục đáng kể.
5.1. Thuốc điều trị rối loạn trầm cảm mạnh
- Thuốc chống trầm cảm thường được bác sĩ chuyên khoa kê đơn như: SSRI (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor) bao gồm các loại thuốc nổi tiếng như fluoxetine (Prozac) và citalopram (Celexa).
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc chống trầm cảm không điển hình như bupropion (Wellbutrin), có thể được sử dụng khi các loại thuốc khác không cải thiện được tình trạng bệnh.
Các tác dụng phụ khi sử dụng những loại thuốc này như tăng cân và buồn ngủ. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm nặng không an toàn khi bạn đang mang thai hoặc cho con bú.Vì thế, nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
5.2. Tâm lý trị liệu
Để điều trị rối loạn trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu cũng là một biện pháp hiệu quả. Biện pháp này còn được gọi là liệu pháp tâm lý hoặc liệu pháp nói chuyện, nó liên quan đến việc gặp gỡ bác sĩ trị liệu thường xuyên để nói về tình trạng của bạn và các vấn đề liên quan.Theo đó, các phương pháp âm lý trị liệu có thể giúp bạn:
- Thích nghi với sự kiện đầy áp lực, căng thẳng hay một cuộc khủng hoảng khác
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn
- Tìm ra những cách tốt hơn để đối phó với khó khăn, thách thức và giải quyết vấn đề
- Nâng cao lòng tự trọng của bạn
- Lấy lại cảm giác trấn an, hài lòng và kiểm soát cuộc sống của bạn.
Ngoài ra, các lựa chọn điều trị khác cho chứng trầm cảm lâm sàng, chẳng hạn như liệu pháp sốc điện, còn được gọi là ECT hoặc liệu pháp sốc có thể được sử dụng nếu thuốc không hiệu quả hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng.
5.3. Thay đổi lối sống
Ngoài việc dùng thuốc và tham gia trị liệu, bạn có thể giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn trầm cảm nặng bằng cách thực hiện một số thay đổi trong thói quen hàng ngày của mình. Ví dụ như:
- Thay đổi chế độ ăn uống: Duy trì chế độ ăn hợp lý, khoa học bằng cách lựa chọn các sản phẩm có lợi cho sức khỏe như cá hồi, đậu và ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin B. Bạn cũng nên ăn các loại hạt và sữa chua, tránh rượu và một số thực phẩm chế biến sẵn.
- Vận động nhiều: Tập thể dục thể thao thường xuyên, đặc biệt là ở ngoài trời và dưới ánh sáng mặt trời vừa phải. Việc này có thể giúp nâng cao tâm trạng và thể chất của bạn và làm cho bạn cảm thấy tốt hơn.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp bạn tăng cường miễn dịch, tái tạo năng lượng, tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải.
Khi bạn đã trải qua một giai đoạn trầm cảm nặng, bạn có nguy cơ cao sẽ mắc phải một giai đoạn khác. Cách tốt nhất để ngăn chặn một đợt trầm cảm khác là nhận thức được các yếu tố khởi phát hoặc nguyên nhân gây ra trầm cảm và tiếp tục dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát. Điều quan trọng là phải biết các triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng là gì và nói chuyện với bác sĩ sớm nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
Trên đây là những thông tin hữu ích về rối loạn trầm cảm nặng. Nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào dai dẳng, kéo dài thì đừng chủ quan, hãy đi khám bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com, webmd.com
- Tìm sự hỗ trợ khi bạn bị trầm cảm không thể điều trị
- Trầm cảm ở phụ nữ sau sinh có chữa được không?
- Công dụng của thuốc Mirzaten