Mục lục
Như mọi người đã biết, các triệu chứng của COVID-19 khác nhau và mỗi cơ thể có nguy cơ mắc covid cũng khác nhau. Thời gian càng trôi qua, khi có càng nhiều các trường hợp cá nhân mắc bệnh được phân tích, bị rối loạn giấc ngủ đã được phát hiện là một yếu tố làm tăng khả năng nhiễm virus. Cơ chế được giải thích là do suy giảm khả năng miễn dịch. Hơn nữa, tiên lượng bệnh cũng xấu trên các bệnh nhân bị mất ngủ.
1. Mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và COVID-19
Nỗi sợ hãi và bất định do đại dịch coronavirus 2019 (COVID-19) gây ra, các mối đe dọa đến sự sống còn là một trong những vấn đề chính của cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng phải được ưu tiên. Trong thời gian cách ly xã hội hay tự cách ly, hạn chế khả năng di chuyển và tiếp xúc xã hội, lo lắng về nguồn tài chính, sợ lây nhiễm đã khiến nhiều người bị rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm, căng thẳng. Điều đó có thể gây ra nguy cơ lớn hơn đối với sức khỏe của dân số nói chung.
Như vậy, bị rối loạn giấc ngủ đang ngày càng trở thành một vấn đề sức khỏe lớn trong xã hội hiện đại. Không những vậy, tình trạng bị mất ngủ còn là do bị ảnh hưởng bởi sự kích thích võng mạc bởi các thiết bị điện tử, cũng như làm việc ca đêm, có thể làm suy nhược khả năng miễn dịch trong quá trình nhiễm virus.
Hơn nữa, các tương tác có thể có giữa nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị COVID-19 và những loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn giấc ngủ vẫn chưa được biết, chủ yếu là do thiếu một phác đồ tiêu chuẩn để điều trị cho những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ. Hệ quả là tình trạng ngủ không đủ giấc hoặc chu kỳ ngủ-thức không đều có thể làm suy giảm sức khỏe, hệ thống miễn dịch, gây ra trạng thái hưng phấn và có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc covid, liên quan đến sự mất cân bằng hoạt động và oxy hóa / chống oxy hóa. Theo nghĩa này, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến các bệnh đi kèm nguy cơ COVID-19 đã được công nhận và được coi là một yếu tố nguy cơ của COVID-19.
Theo đó, khi đại dịch COVID-19 không ngừng lan rộng, chăm sóc sức khỏe không thể dừng lại, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được khôi phục. Khi toàn cộng đồng được đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt, khả năng miễn dịch được củng cố thì nguy cơ mắc covid cũng như hệ quả liên quan mới mong chờ có thể cải thiện bền vững.
2. Ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ khi mắc COVID
Những người bị rối loạn giấc ngủ không chỉ có khả năng bị nhiễm coronavirus và tiến triển COVID-19 cao hơn những người lớn khác mà nếu bị nhiễm bệnh, những người bị mất ngủ còn có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong vì bệnh cao hơn 31%, theo một nghiên cứu mới tiết lộ.
Các nhà nghiên cứu thu thập gần 360.000 bệnh nhân. Toàn bộ các đối tượng này đều được chỉ định thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại hệ thống Phòng khám Cleveland, Mỹ. Trong đó, có 5400 người đã được lựa chọn bất kỳ để thực hiện một trắc nghiệm về giấc ngủ. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 56,4 tuổi, 55,6% là phụ nữ. 60,3% là đối tượng là người da trắng, 31,4% là da đen, 15,2% thuộc các chủng tộc khác.
Các yếu tố khác có thể làm thay đổi tiên lượng, nguy cơ COVID-19, bao gồm béo phì, bệnh tim và phổi, ung thư và hút thuốc cũng đã được thu thập và hiệu chỉnh. Cuối cùng, bị rối loạn giấc ngủ có mối tương quan có ý nghĩa thống kê trong các trường hợp mắc COVID 19 diễn tiến nặng. Cụ thể là tình trạng thiếu oxy do rối loạn giấc ngủ có liên quan đến nguy cơ nhập viện và tử vong cao hơn 31%, ngay cả sau khi điều chỉnh yếu tố đồng mắc là bệnh tim phổi, ung thư và tiếp xúc với hút thuốc lá.
So với những bệnh nhân không bị nhiễm, những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có điểm chỉ số ngưng thở khi ngủ cao hơn và tổng thời gian ngủ có độ bão hòa oxy dưới 90% cũng tăng lên. Theo đó, nguy cơ nhập viện và tử vong giảm lần lượt 19% và 6% cho mỗi mức tăng 5% trong độ bão hòa oxy động mạch. Điều này có nghĩa là khi bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, nồng độ oxy trong máu giảm sẽ tăng nguy cơ diễn tiến đến kết cục xấu.
Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng vì sẽ giúp xác định bệnh nhân nào là có nguy cơ tiềm ẩn kết cục xấu hơn do nhiễm COVID-19. Từ đó, các nhà quản lý lâm sàng đưa ra kế hoạch phù hợp, chuẩn bị và huy động nguồn lực vào những đối tượng nhạy cảm cần quan tâm. Bởi lẽ, khi đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn ra và bệnh vẫn thay đổi nhiều từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, điều quan trọng là phải luôn tìm ra cách cải thiện khả năng dự đoán, phát hiện thêm các yếu tố nguy cơ xem ai sẽ bị bệnh nặng hơn để kịp thời ứng phó. Và bị rối loạn giấc ngủ là một trong các yếu tố này, bắt đầu cần được dành sự quan tâm nhất định.
Tóm lại, những người bị rối loạn giấc ngủ không chỉ có thể tăng nguy cơ mắc covid hơn những người trưởng thành khác mà còn có nguy cơ cao hơn phải nhập viện hoặc tử vong vì căn bệnh này. Theo đó, nếu một bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ hoặc các chứng rối loạn giấc ngủ khác phát triển kèm nhiễm COVID-19 thì nên được ưu tiên nhận các liệu pháp chống COVID trong trường hợp nguồn cung cấp thiếu hụt để cải thiện dự hậu tốt hơn. Mặc khác, kết quả này cũng giúp mọi người cần sớm nhận ra và nên tự cải thiện chất lượng giấc ngủ cho chính mình, từ đó giúp ngủ ngon hơn và tăng khả năng miễn dịch trước mối đe dọa của COVID-19 luôn phải đối mặt hằng ngày.
Nguồn tham khảo: sleepscience.org.br, webmd.com, ncbi.nlm.nih.gov
- Sau tiếp xúc F0 bao lâu test COVID-19 mới chính xác?
- Bà bầu bị ho hậu COVID-19 có nguy hiểm không?
- Biến thể là gì?