Mục lục
Rối loạn lưỡng cực là một loại rối loạn tâm thần gây ra sự thất thường về cảm xúc, mức độ hoạt động cũng như sinh hoạt thường ngày. Triệu chứng của hội chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31 tùy theo từng giai đoạn, đặc biệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp có nhiều biểu hiện khác thường nghiêm trọng.
1. Thế nào là rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp?
1.1 Các giai đoạn rối loạn lưỡng cực
Theo hệ thống ICD-10, rối loạn lưỡng cực nằm trong mục F31 (hay còn gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31) với nhiều giai đoạn và mức độ biểu hiện bệnh khác nhau, bao gồm:
Giai đoạn | Mức độ biểu hiện |
F31.0 | Có biểu hiện hưng cảm nhẹ. |
F31.1 | Có biểu hiện hưng cảm từ trung bình đến nặng, tuy nhiên chưa có triệu chứng loạn thần. |
F31.2 | Biểu hiện hưng cảm kèm theo triệu chứng loạn thần. |
F31.3 | Rối loạn ở giai đoạn trầm cảm nhẹ đến trung bình. |
F31.4 | Rối loạn lưỡng cực ở giai đoạn trầm cảm nặng, không có triệu chứng loạn thần. |
F31.5 | Ở giai đoạn trầm cảm nặng kèm theo triệu chứng loạn thần. |
F31.6 | Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp. |
F31.7 | Rối loạn lưỡng cực có xu hướng thuyên giảm. |
F31.8 | Rối loạn lưỡng cực khác. |
1.2 Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là gì?
Đây là tình trạng rối loạn cảm xúc không ổn định, có biểu hiện của các triệu chứng nặng và nhẹ xảy ra ở cùng một thời điểm hoặc xen kẽ nhau trong cùng một đợt, nghĩa là một người có thể vừa ở giai đoạn hưng cảm, vừa trầm cảm.
Trong hầu hết các dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31, đây là dạng có mức độ nghiêm trọng khi tâm trạng liên tục biến đổi, khó kiểm soát.
2. Tình trạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp biểu hiện như thế nào?
Việc nhận biết rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp tương đối rõ ràng: giai đoạn hỗn hợp được xác định khi các biểu hiện hưng phấn và trầm cảm diễn ra đồng thời, hoặc theo trình tự xen kẽ nhưng với tốc độ biến đổi nhanh.
Một số biểu hiện cụ thể là:
- Bệnh nhân có tâm trạng cáu giận hoặc kích động quá mức.
- Dấu hiệu trầm cảm có biểu hiện tương tự với trầm cảm thông thường, bao gồm tâm trạng buồn bã, mất hứng thú, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý định tự tử.
Giai đoạn nối liền 2 tâm trạng trái ngược này có thể kéo dài khoảng vài ngày đến vài tuần, thậm chí lên đến vài tháng nếu như không được điều trị. Giai đoạn này cũng có thể tái phát nhiều lần, bệnh nhân sau đó hồi phục chậm hơn nhiều so với các giai đoạn hưng cảm / trầm cảm thuần túy.
3. Hậu quả của rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Nguy cơ nghiêm trọng nhất của tình trạng rối loạn cảm xúc không ổn định này là tự sát. Những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31 nói chung có nguy cơ tự tử cao hơn từ 10 lần đến 20 lần so với người bình thường, trong đó, có khoảng 10% - 15% những người bị hội chứng này mất mạng vì tự sát.
Nhiều bằng chứng cho thấy, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp có nhiều đặc điểm rối loạn bất thường và đầy mâu thuẫn, khiến bệnh nhân có nhiều nguy cơ tự tử hơn so với các giai đoạn rối loạn lưỡng cực khác.
Đồng thời, các thống kê cho thấy, người bị rối loạn lưỡng cực cũng có nguy cơ lạm dụng chất kích thích cao hơn: gần 60% bệnh nhân rối loạn lưỡng cực lạm dụng ma túy hoặc rượu. Điều này càng khiến các biểu hiện của rối loạn lưỡng cực trở nên dữ dội, nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn.
3.1 Ai có nguy cơ gặp phải rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp?
Hầu như bất kì ai cũng có thể mắc phải hội chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Các giai đoạn hỗn hợp thường gặp ở khoảng 50% người bị rối loạn lưỡng cực. Những người này thường ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên, hiếm khi gặp ở tuổi sau 50. Bên cạnh đó, người có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31 cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
3.2 Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm trong giai đoạn hỗn hợp của rối loạn cảm xúc lưỡng cực đều cần được điều trị bằng thuốc, tuy nhiên, việc kiểm soát khó hơn nhiều. Các loại thuốc điều trị cũng cần phải có tính năng kết hợp, vừa ổn định tâm trạng, vừa chống loạn thần.
- Ổn định tâm trạng
Trong khi lithium được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho biểu hiện hưng cảm, thì nay lại kém hiệu quả khi hưng cảm và trầm cảm xảy ra đồng thời trong giai đoạn rối loạn cảm xúc không ổn định. Do đó, ở giai đoạn này, nếu sử dụng lithium, cần phải mất khoảng vài tuần để phát huy tác dụng hoàn toàn. Điều này giúp điều trị duy trì tốt hơn so với giai đoạn hưng cảm cấp tính.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác cũng được áp dụng là:
- Acid valproic: thuốc chống động kinh có tác dụng làm dịu tâm trạng ở người rối loạn lưỡng cực, được chứng minh là hiệu quả hơn lithium khi điều trị cơn hưng cảm trong giai đoạn rối loạn hỗn hợp.
- Carbamazepine, lamotrigine cũng là những chất ổn định tâm trạng hiệu quả.
- Chống loạn thần
Một số loại thuốc chống loạn thần không điển hình là phương pháp điều trị hiệu quả được FDA chấp nhận cho giai đoạn hưng cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp, bao gồm:
- Aripiprazole (Abilify).
- Asenapine (Saphris).
- Olanzapine (Zyprexa).
- Quetiapine (Seroquel).
- Risperidone (Risperdal).
- Ziprasidone (Geodon).
Đôi khi, các loại thuốc chống loạn thần cần kết hợp thêm với thuốc ổn định tâm trạng để điều trị dự phòng.
4. Điều trị trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Một số loại thuốc chống trầm cảm thông thường như fluoxetine, paroxetine, sertraline... đã làm trầm trọng thêm triệu chứng hưng cảm, nhưng lại không cải thiện tình trạng trầm cảm khi cả hai xảy ra đồng thời. Do đó, hầu hết các chuyên gia đều khuyên KHÔNG NÊN sử dụng thuốc chống trầm cảm trong các đợt rối loạn cảm xúc lưỡng cực f31 giai đoạn hỗn hợp.
Thay vào đó, thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống loạn thần không điển hình được xem là phương pháp điều trị đầu tiên cho giai đoạn này.
Có thể thấy, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là tình trạng cảm xúc đầy mâu thuẫn và phức tạp khi hai trạng thái hoàn toàn trái ngược diễn ra đồng thời. Điều này khiến vấn đề điều trị trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi sự quan tâm và theo dõi từ các chuyên gia tâm thần.
- Caffeine là gì? Caffeine tốt hay xấu cho sức khỏe?
- Thuốc Tegretol: Công dụng, liều dùng và cách sử dụng
- Điều trị rối loạn lưỡng cực