17-01-2024 14:03

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Khác với hội chứng ăn đêm khi bạn hoàn toàn ý thức và nhớ được những gì mình đã ăn trong đêm, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ có thể xảy ra khi mộng du, khiến bạn ăn trong khi đang ngủ. Thậm chí bạn có thể bước vào bếp và chuẩn bị thức ăn, ăn những thứ kỳ lạ mà không hề biết hay nhớ mình đã làm như vậy.

1. Tổng quan về rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ là các hành vi ăn uống mất kiểm soát khi đang ngủ. Bạn có thể không nhận thức một phần hoặc hoàn toàn hành vi của mình trong khi chuẩn bị và ăn thức ăn, ít hoặc không nhớ về những hành động này vào sáng hôm sau.

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ phổ biến hơn ở phụ nữ và thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc khởi phát những năm 20 - 40 tuổi. Khoảng 1 - 3% dân số nói chung bị ảnh hưởng bởi tình trạng này, tỷ lệ này tăng lên ở những người bị rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ hoặc mộng du. Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ cũng có thể liên quan đến một số loại thuốc. Nếu kiểm soát được những vấn đề này thì chứng ăn không ngon ngủ không yên này cũng thường được giải quyết.

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ khiến bạn có nguy cơ tự làm mình bị thương trong quá trình chuẩn bị thức ăn hoặc ăn những món độc hại. Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe khi bạn bị tăng cân và béo phì do ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo cao.

2. Triệu chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ được xem là tình trạng mất ngủ giả (Parasomnias), khiến bạn có hoạt động hoặc hành vi bất thường trong khi đang buồn ngủ, đang ngủ hoặc thức dậy.

Các đợt rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ xảy ra vào nửa đầu của đêm sau khi bạn đã ngủ với những triệu chứng như:

  • Ăn uống mất kiểm soát thường xuyên hoặc hàng đêm
  • Suy giảm ý thức khi chuẩn bị và ăn thức ăn trong đêm
  • Ít hoặc không nhớ những hành động này vào sáng hôm sau
  • Ăn thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo cao hoặc kết hợp nhiều loại thực phẩm kỳ lạ
  • Có thể ăn phải các chất độc hại hoặc không ăn được, chẳng hạn như thực phẩm đông lạnh, bã cà phê, dung dịch tẩy rửa hoặc tàn thuốc lá
  • Có thể bị chấn thương hoặc gặp nguy hiểm khi chuẩn bị thực phẩm
  • Không dễ dàng bị đánh thức hay dứt ra khỏi hành động đang làm
  • Chịu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe do ăn đêm.

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ không chỉ nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của bạn. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

rối loạn ăn uống
Ăn uống mất kiểm soát hằng đêm là triệu chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

3. Nguyên nhân rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra khi ngủ trong pha “không chuyển động mắt nhanh” (non-rapid eye movement - Non-REM) nửa đầu của đêm và có liên quan đến sự chuyển đổi sang trạng thái kích thích.

Vẫn chưa rõ cơ chế chính xác của tình trạng này, nhưng chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra ở những người có tiền sử mộng du. Nguy cơ phát triển hội chứng này sẽ tăng lên nếu như bạn có:

  • Các rối loạn giấc ngủ khác: Chứng ngưng thở khi ngủ, mộng du, chứng ngủ rũ và hội chứng chân không yên.
  • Dùng thuốc ngủ và một số loại thuốc khác: Zolpidem (Ambien, Edluar, Intermezzo, Zolpimist), thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần.
  • Bị rối loạn ăn uống vào ban ngày: Chứng ăn vô độ hoặc biếng ăn
  • Bị rối loạn sức khỏe tâm thần: Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Có cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột mắc chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ hoặc mộng du
  • Trải qua tình trạng thiếu ngủ
  • Có tiền sử nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích, ma túy
  • Ăn kiêng quá mức vào ban ngày dẫn đến đói và ăn trong vô thức vào ban đêm do khả năng kiểm soát bị suy yếu lúc ngủ.

4. Các biến chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Không chỉ ăn không ngon ngủ không yên, rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ còn ảnh hưởng tiêu cực đến bạn theo nhiều cách, chẳng hạn như:

  • Sử dụng thiết bị nhà bếp một cách nguy hiểm, bị ngã, bị đứt tay, bị bỏng, bị nghẹt thở, bị thương do ăn phải thứ không ăn được hoặc độc hại, hoặc thứ mà bạn bị dị ứng
  • Các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng cân, khó kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc sâu răng
  • Cảm giác tội lỗi và bất lực vì thiếu kiểm soát
  • Ban ngày mệt mỏi vì giấc ngủ bị gián đoạn.
rối loạn ăn uống
Chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ thường xảy ra ở những người có tiền sử mộng du

5. Chẩn đoán và điều trị rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ

Để chẩn đoán rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ, bạn có thể cần:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về tiền sử bệnh lý của bạn để tìm ra các nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ.
  • Xem xét thói quen ngủ: Ngoài hỏi những câu liên quan đến giấc ngủ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xác định kiểu thức - ngủ và mức độ buồn ngủ ban ngày của bạn. Bạn cũng có thể được yêu cầu ghi nhật ký giấc ngủ trong vài tuần. Thông tin từ người ngủ cùng, cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình có thể hữu ích.
  • Đo đa ký giấc ngủ: Bác sĩ có thể đề xuất nghiên cứu giấc ngủ của bạn bằng cách ghi lại video. Thử nghiệm này sẽ theo dõi một loạt các hoạt động của cơ thể trong khi bạn ngủ, bao gồm sóng não, nhịp thở, nhịp tim, chuyển động của mắt và chuyển động của cơ thể.

Một số phương pháp điều trị bao gồm:

  • Ngừng sử dụng các loại thuốc: Bạn có thể phải ngừng hoặc thay đổi các loại thuốc có thể góp phần vào chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ của mình.
  • Điều trị các rối loạn giấc ngủ khác: Rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ có thể được giảm bớt bằng cách điều trị chứng mộng du, hội chứng chân không yên hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Bảo vệ an toàn: Bác sĩ có thể đề xuất các cách để đảm bảo an toàn cho bạn cũng như hướng dẫn người sống cùng cách đưa bạn trở lại giường khi hành vi bất thường xảy ra. Ngoài ra bạn cũng cần thay đổi thói quen ngủ của mình.
  • Dùng thuốc: Nếu các biện pháp khác không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng rối loạn ăn uống liên quan đến giấc ngủ của bạn.

Những thay đổi lối sống giúp kiểm soát tình trạng này bao gồm đảm bảo khu vực ngủ và nhà bếp của bạn an toàn hơn để tránh bị thương. Ngoài ra, bạn có thể cất giữ các loại thực phẩm thường ăn vào tủ lạnh có khóa. Ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, ngủ đủ giấc mỗi đêm và tập trung vào việc giữ gìn sức khỏe, tránh căng thẳng và đồ uống có cồn cũng sẽ rất hữu ích.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, my.clevelandclinic.org, webmd.com

XEM THÊM:
  • Buồn ngủ nhiều mệt mỏi là bệnh gì?
  • Thuốc Ritalin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
  • Nỗi kinh hoàng ban đêm của trẻ: Những điều cần biết

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan