Mục lục
Đối với sức khỏe răng miệng, rễ cam thảo góp phần thúc đẩy hệ vi sinh lành mạnh trong khoang miệng. Từ đó, loại dược thảo này có tác dụng giảm sâu răng và các bệnh nướu răng hiệu quả.
1. Từ tác dụng trong dược học truyền thống
Nhiều tổ tiên của chúng ta đã sử dụng rễ cam thảo để giữ cho răng sạch, giảm tình trạng ê buốt răng và đau nướu. Từ lâu, rễ cam thảo cũng được dùng trong y học cổ truyền Trung Hoa trong mục đích tăng cường hiệu quả của các loại thảo dược khác, giảm độc tính và cải thiện hương vị của phương thuốc.
Gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 2 hợp chất là licoricidin và licorisoflavan-A có trong rễ cam thảo khô có tác dụng kháng khuẩn hiệu quả. Bên cạnh đó, rễ cam thảo còn có một hợp chất là Glycyrrhizin. Đây là các chất có thể ngăn ngừa, làm giảm sự phát triển của các loại vi khuẩn có liên quan tới sâu răng và bệnh nướu răng. Như vậy, sử dụng rễ cam thảo giúp giảm sâu răng và bệnh răng miệng hiệu quả.
Ngoài ra, rễ cam thảo còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề sức khỏe khác như: Bệnh tim mạch và cholesterol cao, đau bụng kinh, mãn kinh, các vấn đề về da, bệnh zona, các vấn đề về dạ dày,...
2. Sử dụng kẹo có chiết xuất cam thảo có tốt không?
Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Wenyuan Shi tiết lộ rằng chiết xuất cây cam thảo khi được thêm vào kẹo có thể tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng ở trẻ em khi dùng vào buổi sáng và buổi tối. Các dòng sản phẩm khác sẽ được sản xuất cho đối tượng người lớn không ăn kẹo, bao gồm cả chiết xuất cam thảo nguyên chất. Rễ cam thảo cũng có thể được sử dụng để giúp hơi thở thơm tho hơn. Đây là 1 thành phần phổ biến trong nhiều loại kem đánh răng.
Tuy nhiên, nếu bạn cố gắng tận dụng những lợi ích của cam thảo bằng cách ăn kẹo có chiết xuất cam thảo thì bạn có thể sẽ thất vọng. Bởi chúng thậm chí không chứa rễ cam thảo mà chỉ chứa tinh dầu hồi (có mùi vị tương tự cam thảo). Những loại kẹo này có nhiều đường, không tốt cho răng của bạn và không có tác dụng chữa sâu răng.
Đặc biệt lưu ý: Glycyrrhizin trong rễ cam thảo còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu dùng quá nhiều. Cụ thể, sử dụng quá nhiều Glycyrrhizin có thể gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp, giảm nồng độ kali, gây giữ muối và nước. Những người bị cao huyết áp hoặc bệnh tim cần thận trọng khi sử dụng cam thảo. Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng cam thảo như một chất bổ sung và không nên ăn một lượng lớn cam thảo.
Rễ cam thảo có tác dụng tốt trong việc giảm sâu răng và phòng ngừa các bệnh răng miệng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng loại dược thảo này, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Có thể tẩy nốt ruồi bằng kem đánh răng?
- Trị mụn bằng kem đánh răng có tốt không?
- Trị mụn trứng cá bằng kem đánh răng - hiệu quả không?