Mục lục
Rau củ là những thực phẩm cần thiết vì chúng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhất là trẻ ăn dặm 6 tháng tuổi. Bởi vậy, rau củ nên có trong chế độ ăn của trẻ. Vậy cách cho trẻ ăn dặm trái cây, rau củ như thế nào cho phù hợp ?
1. Vai trò của rau củ quả cho bé ăn dặm
Rau củ là một trong những loại thực phẩm tốt, tươi ngon và lành mạnh nhất. Chúng chứa nhiều chất xơ giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa táo bón, đồng thời giúp cho hệ tim mạch phát triển tốt hơn. Thêm nữa chúng còn ngăn ngừa nguy cơ béo phì, cung cấp nước và các khoáng chất cần thiết như vitamin A, vitamin C, Kali, Sắt...
Nhưng khi bạn cho trẻ ăn rau, ngoài những lo ngại về nguồn gốc xuất xử, độ tươi ngon, cách chọn các loại rau củ cho bé ăn dặm tốt, nhiều ba mẹ còn băn khoăn về nitrat - hợp chất mà một số loại rau hấp thụ từ đất. Nếu hấp thụ quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng methemoglobin huyết, khiến da trẻ có màu xanh lam ở vị trí bàn tay, bàn chân và miệng, trẻ có thể bị mệt kèm theo khó thở. Nếu bạn nhận thấy trẻ có các triệu chứng trên, cần phải đưa trẻ đi khám ngay ở các trung tâm y tế chuyên khoa. Một vài loại rau củ có hàm lượng nitrat tương đối cao là cà rốt, rau bina, củ dền...
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải tránh các loại rau củ cho trẻ ăn trong giai đoạn ăn dặm. Bởi một nghiên cứu đã công bố năm 2005 cho thấy lượng nitrat cao từ rau củ chủ yếu gây hại cho sức khỏe của trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống, giai đoạn mà trẻ chỉ bú sữa mẹ. Do đó, mẹ có thể yên tâm chọn các loại rau củ cho bé ăn dặm miễn rằng chúng tươi, sạch và rõ nguồn gốc xuất xứ, chế biến.
2. Các loại rau củ tốt nên có trong chế độ ăn dặm của trẻ
Không thể phủ nhận rằng rau củ rất tốt cho sự phát triển của trẻ, nhưng không phải là loại nào cũng phù hợp cho trẻ ở độ tuổi ăn dặm. Dưới đây là những loại rau củ phù hợp cho trẻ, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể của trẻ.
2.1. Khoai tây
Được coi là loại rau củ dễ ăn, dễ tiêu hóa và cũng là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào (vitamin C, Vitamin B1, vitamin B2, vitamin B5, vitamin B12, canxi, đồng, sắt...). Khoai tây rất dễ chế biến và không mất quá nhiều thời gian cũng như công sức của mẹ, mẹ có thể hấp hoặc luộc lên sau đó nghiền nhuyễn hoặc cắt nhỏ để nấu cháo.
2.2. Cà rốt
Là nguồn cung cấp vitamin A, vitamin C dồi dào cộng với một lượng lớn các khoáng chất và dưỡng chất cần thiết như canxi, sắt, kali - những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não, chiều cao và tăng cường sức đề kháng của trẻ.
Các mẹ có thể thay đổi khẩu vị cho con với các công thức nấu ăn khác nhau có cà rốt như cháo cà rốt thịt bò xay mềm hoặc làm nước ép cà rốt nguyên chất.
2.3. Đậu cove
Đậu cove hay đậu que cung cấp hàm lượng vitamin A, vitamin K và nguồn chất xơ khá dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch còn non yếu của trẻ, đồng thời cải thiện hệ tiêu hóa. Loại đậu này cũng là loại thực phẩm xanh được các chuyên gia khuyên các mẹ nên tập cho bé làm quen ngay từ đầu để tiến tới những loại rau xanh ăn lá giàu dưỡng chất khác (như rau chân vịt, rau mùi tây,...). Đậu co ve có thể xay nhuyễn và chế biến món cháo đậu co ve thịt băm.
2.4. Các loại đậu khác
Những loại đậu mẹ có thể bổ sung trong chế độ ăn dặm của trẻ : đậu nành, đậu đỏ, đậu đen, đậu trắng... Chúng chứa hàm lượng lớn các dưỡng chất dồi dào như chất béo lành mạnh, vitamin và các khoáng chất thiết yếu, protein...rất tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Các mẹ có thể nấu cháo đậu, xay làm bột ngũ cốc hoặc các món chè cho trẻ.
2.5. Bông cải xanh
Được coi là siêu thực phẩm cho trẻ em bởi chúng chứa hàm lượng lớn vitamin A, vitamin C, canxi, sắt, chất xơ vừa dễ hấp thu lại tốt cho xương, mắt và hệ tiêu hóa của trẻ.
Bông cải xanh rất dễ chế biến, mẹ có thể hấp hoặc luộc cho con ăn trực tiếp hoặc nấu cháo thịt bò bông cải xanh.
2.6. Súp lơ trắng
Súp lơ trắng được hấp hoặc luộc chín bày trên đĩa hay món súp hỗn hợp súp lơ trắng – táo – bí ngòi thực sự sẽ khiến bé rất thích thú mà ăn hết khẩu phần. Đây cũng được coi là nguồn cung cấp vitamin K, vitamin C kèm lượng lớn chất xơ, các nguyên tố vi lượng sắt, magie, kali cần thiết cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của con bạn.
2.7. Rau ngót
Chứa một lượng lớn vitamin B, vitamin C, chất đạm và beta carotene. Những khoáng chất này hấp thụ vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt của trẻ tinh anh đồng thời tăng cường sức đề kháng giúp bé ngăn ngừa bệnh tật. Rau ngót xay nhuyễn nấu cháo thịt bằm rất ngon dành cho bé
2.8. Rau bina (rau chân vịt, cải bó xôi)
Đây được coi là món ăn lý tưởng để các mẹ chế biến các món ăn dặm cho trẻ mà lại vô cùng bổ dưỡng. Thành phần dinh dưỡng chứa nhiều vitamin A, vitamin C, sắt, mangan và nhiều khoáng chất khác nên rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ nên lựa chọn rau chân vịt thêm vào chế độ ăn dặm cho trẻ.
2.9. Bắp cải
Chất xơ dồi dào, vitamin A, vitamin C và các khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, phốt pho là những dưỡng chất thiết yếu có trong bắp cải. Một bát cháo rau cải bắp xay nhuyễn cùng chút thịt bằm ngon ngọt chắc hẳn sẽ là một lựa chọn thay đổi món hoàn hảo cho trẻ.
2.10. Bí đỏ và bí ngòi
Các mẹ đừng quên thêm bí đỏ và bí ngòi vào thực đơn ăn dặm cho con mình nhé. Thành phần dinh dưỡng của bí không chỉ có tinh bột, vitamin A, vitamin C mà còn có carotin và vitamin nhóm B giúp tăng cường hệ miễn dịch và điều trị các bệnh về giun sán. Tryptophan giúp trẻ thư giãn và dễ ngủ hơn.
Ngoài ra còn rất nhiều các loại rau củ quả khác cần thiết cho chế độ ăn dặm của trẻ như: táo, lê, khoai lang, nho cà tím, rau mồng tơi... đây đều là những thực phẩm chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe trẻ.
3. Mách mẹ một vài công thức chế biến các món rau củ ngon lành
3.1. Khoai lang nướng
Nguyên liệu: 2 củ khoai lang cỡ vừa
Thực hiện:
- Rửa sạch khoai lang và dùng nĩa châm vào củ khoai lang tạo những lỗ nhỏ giúp khoai chín đều và nhanh hơn .
- Bật lò nướng làm nóng ở nhiệt độ khoảng 200 độ C, cho khoai lang vào nướng trong 45 phút.
- Lấy khoai lang ra khỏi lò, gọt vỏ, cho phần thịt vào máy xay nhuyễn đến khi được hỗn hợp sánh mịn, sau đó thêm một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức vào khuấy đều cho trẻ ăn.
3.2. Cà rốt, bí đỏ, ngô ngọt
Nguyên liệu:
- Cà rốt 1/2 củ
- Ngô ngọt: 1/3 bắp
- Bí đỏ: miếng nhỏ
Thực hiện
- Bí đỏ và cà rốt đem gọt vỏ và cắt nhỏ, sau đó rửa sạch.
- Cho phần bí đỏ và cà rốt đã cắt nhỏ vào nồi hấp vừa chín tới, sau đó tiếp tục cho bắp đã rửa sạch và bào nhỏ vào hấp thêm vài phút.
- Cho tất cả các nguyên liệu đã được hấp chín trên vào máy xay cùng ít nước và xay đến khi hỗn hợp mịn rồi cho trẻ ăn.
3.3. Bông cải xanh, khoai tây
Nguyên liệu:
- Bông cải xanh: vài nhánh nhỏ
- Khoai tây: 1 củ
- Dầu oliu
Thực hiện
- Rửa sạch bông cải xanh.
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch.
- Cho bông cải xanh và khoai tây vào nồi hấp đến khi chín mềm rồi sau đó để nguội.
- Cuối cùng, cho tất cả các nguyên liệu trên kèm một ít dầu olive vào máy xay nhuyễn đến khi hỗn hợp sánh mịn, vừa ăn.
3.4. Cháo yến mạch rau củ
Nguyên liệu:
- Yến mạch
- Khoai tây
- Đậu Hà lan
- Cà rốt
Thực hiện
- Rửa sạch khoai tây, đậu Hà Lan và cà rốt, sau đó gọt vỏ, cắt nhỏ.
- Cho yến mạch vào nồi và rang đến khi dậy mùi thơm, sau đó cho tất cả rau củ đã sơ chế vào cùng với lượng nước phù hợp.
- Hầm tất cả các nguyên liệu cho đến khi chín mềm rồi cho hỗn hợp vào máy xay nhuyễn đến khi sánh mịn.
Có thể thấy đây đều là các nguyên liệu rất dân dã và dễ dàng tìm thấy tại các chợ, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Các công thức nấu cũng không quá cầu kỳ, mẹ chỉ cần bỏ chút thời gian là đã có được vài món ngon cho trẻ thường thức.
Bên cạnh đó cha mẹ cần lưu ý, để trẻ phát triển được toàn diện thì ngoài chế độ ăn đủ dinh dưỡng, trẻ cũng cần được bổ sung thêm Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, ... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Sữa mẹ và sữa công thức uống cách nhau bao lâu?
- Lưu ý khi nấu cháo yến mạch cho trẻ ăn dặm
- Trẻ không chịu ăn dặm nguyên nhân do đâu?