Mục lục
Xương đùi và xương thái dương của hộp sọ là những xương mạnh nhất của cơ thể con người, nhưng răng, chính xác là men răng, mới là bộ phận cứng nhất. Độ cứng của mô này có được là nhờ hàm lượng khoáng chất cao. Tuy nhiên, men răng bị đe dọa bởi các vi khuẩn hàng ngày, gây sâu răng, gãy răng và nguy cơ mất răng.
1. Vai trò của men răng trong cơ thể
Men răng là tuyến bảo vệ đầu tiên mà răng có để chống lại mảng bám và sâu răng. Đây là phần trắng có thể nhìn thấy được của răng và cũng là phần cứng nhất trên cơ thể con người. Khi men răng bị hư hại, thành phần này có thể bị đổi màu và khiến răng bị ảnh hưởng rất nhạy cảm.
Ngoài ra, men răng chính là một yếu tố góp phần vào nụ cười rạng rỡ khi cuộc sống ngập tràn niềm vui. Dưới đây là một số sự thật về răng và độ cứng của răng, như là một bộ phận cứng nhất trên cơ thể
1.1. Men răng là bộ phận cứng nhất trong cơ thể
Lớp men trắng bóng bao phủ răng thậm chí còn chắc hơn cả xương. Bề mặt đàn hồi này là 96% khoáng chất, tỷ lệ phần trăm cao nhất so với bất kỳ mô nào khác trong cơ thể, giúp cấu trúc men răng luôn bền và chống lại hư hại.
1.2. Lực cắn của răng rất mạnh mẽ
Răng có thể tạo ra một áp lực trung bình là 200 pound khi cắn xuống. Đó có thể là điều khiến mọi người thỉnh thoảng sử dụng răng làm công cụ và cũng cho biết răng cứng như thế nào. Tuy nhiên, mặc dù men răng rất cứng và lực cắn của hàm răng rất tốt, các nha sĩ vẫn thường xuyên nhắc nhở rằng đây là một trong những thói quen tồi tệ nhất trong khi giữ gìn hàm răng luôn khỏe mạnh.
1.3. Răng có thể tồn tại hàng trăm năm
Nhờ độ bền của men răng, răng là thành phần thực sự tồn tại lâu nhất. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu về người cổ đại, từ cách đây 80.000 năm trước.
1.4. Chắc khỏe như vậy nhưng răng không thể tự lành
Tất cả các mô khác trong cơ thể đều có khả năng tự phục hồi, ngoại trừ răng. Do đó, khi bị hư hỏng, gãy răng, răng cần phải được tu bổ với các kỹ thuật nha khoa như đội mũ, đeo mão, trám hoặc bọc răng. Khi răng vĩnh viễn bị rụng đi, cách lựa chọn duy nhất là trồng răng giả.
1.5. Răng khỏe mạnh có khả năng chống sâu răng
Mặc dù răng cứng như vậy nhưng lại có hơn 300 loại vi khuẩn có thể tấn công răng. May mắn là với thói quen vệ sinh răng miệng lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ, mọi người hoàn toàn có thể bảo vệ răng khỏi vi khuẩn và các chất khác có thể làm suy yếu răng và gây sâu răng.
Ngoài việc làm sạch và kiểm tra răng thường xuyên, mọi người cũng nên tìm hiểu những lựa chọn thực phẩm và đồ uống nào tốt cho răng và những loại nào cần tránh để có được sức khỏe răng miệng tốt suốt đời.
2. Những điều gì gây hại cho men răng?
Axit, cụ thể là các loại thực phẩm giàu axit, chính là tác nhân quan trọng gây phá hủy men răng. Nguồn gốc của hầu hết các thiệt hại này là đến từ thực phẩm và đồ uống được tiêu thụ hằng ngày. Trong đó, nước giải khát là nguồn axit ăn mòn thường xuyên nhất, do tính axit cao và tần suất tiêu thụ của chúng.
Ngoài ra, các loại đồ uống khác như nước hoa quả, đồ uống thể thao và đồ uống tăng lực cũng có thể làm hỏng răng do axit ăn mòn. Các loại trái cây có tính axit như cam và bưởi và các loại carbohydrate dính như bánh mì và bánh quy giòn cũng có thể làm mất men răng nếu không vệ sinh răng kỹ sau khi dùng. Vì vậy, cho dù răng cứng như thế nào thì cũng sẽ bị các thực phẩm có tính axit phá hủy men răng.
3. Những yếu tố nào giúp tăng cường chất lượng men răng?
Men răng là thành phần chất cứng nhất trong cơ thể con người. Dù vậy, bộ phận này hoàn toàn không có khả năng tái tạo hay tân sinh mà vẫn cần có sự giúp đỡ từ bên ngoài để giữ vững khả năng chắc khỏe, luôn mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại sâu răng suốt đời. May mắn thay, mọi người đều có thể thực hiện một số bước nhất định để giữ cho men răng của mình luôn chắc khỏe, sáng bóng:
3.1. Canxi
Canxi là một siêu khoáng chất nha khoa. Đó là bởi vì thành phần này giúp trung hòa các axit gây hại và là một chất bảo vệ men răng tuyệt vời.
Bằng cách cố gắng thêm ít nhất một sản phẩm sữa vào bữa ăn để có đủ lượng canxi, hàm răng sẽ được bảo vệ chống sâu răng tốt hơn. Tuy nhiên, với người không tiêu thụ sữa, hãy thử một số thực phẩm giàu canxi khác như sữa hạnh nhân, cá đóng hộp, cải xoăn, sữa chua đậu nành hoặc đậu nành cũng mang lại nhiều ít lợi.
3.2. Nước
Nước không có tính axit và hoàn toàn không gây hại cho men răng. Vai trò chính của nước đối với sức khỏe răng miệng là cải thiện khả năng sản xuất và lưu lượng tuyến nước bọt, giúp làm sạch các mảnh vụn răng một cách tự nhiên và khôi phục môi trường trong khoang miệng trở lại cân bằng độ pH lành mạnh.
Chính vì thế, mỗi người cần duy trì thói quen uống đủ nước hằng ngày, nên dùng nước lọc thay cho nước có đường, nước trái cây để giúp men răng luôn chắc và khỏe.
3.3. Chải răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày
Các mảnh vụn thức ăn còn sót lại trên răng là môi trường lý tưởng khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn ăn mòn men răng. Hệ quả của quá trình này là gây ra sâu răng. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải chải răng đúng cách hai lần mỗi ngày, mỗi lần hai phút và dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày để làm sạch cặn bẩn bám trên những vùng răng khó tiếp cận.
3.4. Thăm khám nha khoa định kỳ
Thói quen chăm sóc răng toàn diện không thể thiếu kế hoạch thăm khám nha khoa định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng.
Với trẻ mọc răng sữa, các lần khám răng giúp bác sĩ định hướng răng mọc đúng cách, tạo nền tảng cho một hàm răng vĩnh viễn cân đối trong tương lai.
Đối với người trưởng thành, những lần khám răng kết hợp với cạo vôi răng sẽ giúp hạn chế hình thành mảng bám, phát hiện sớm và phòng tránh sâu răng, bệnh nướu răng, nguyên nhân thường gặp gây gãy răng hay mất răng về lâu dài.
Tóm lại, trong khi răng là bộ phận cứng nhất trên cơ thể nhưng thật không may, sâu răng lại là căn bệnh phổ biến nhất đối với trẻ em và cũng rất thường gặp đối với răng vĩnh viễn ở người trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh lý này hầu như hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Thói quen chăm sóc răng tốt với hành vi đánh răng đúng cách mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa và khám nha sĩ định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng một cách hiệu quả, luôn giữ cho men răng luôn sạch sẽ và chắc khỏe.
Nguồn tham khảo: mouthhealthy.org, houstonspediatricdentist.com, britannica.com, smilesbyshields.com, healthline.com, webmd.com
- Vì sao miệng sạch sẽ mà hơi thở vẫn có mùi hôi?
- Miếng dán trắng răng và những điều cần biết
- Cạo vôi răng: Những điều cần biết