Mục lục
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Răng không là tình trạng và vấn đề nhiều người gặp phải, trong quá trình mọc răng bạn sẽ phải đối diện với nhiều cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe. Do đó, nhổ răng khôn luôn được coi là giải pháp tối ưu giúp xử lý triệt để tình trạng răng khôn.
1. Răng khôn thường mọc ở độ tuổi nào?
Răng khôn thường xuất hiện khi con người bước vào tuổi trưởng thành, từ 18 tuổi nhưng vẫn có những trường hợp người cao tuổi vẫn còn mọc răng khôn. Một số người sẽ không gặp vấn đề gì khi một chiếc răng khôn bỗng nhiên muốn xuất hiện, nhưng đa số các trường hợp mọc răng khôn đều gây đau đớn kéo dài, sưng lợi, gây khó khăn trong việc ăn uống. Chưa kể một số ca “khó đỡ”, thay vì mọc lên phía trên, các chiến sĩ răng cảm tử lại lựa chọn con đường đi sang trái hoặc sang phải, thậm chí quay ngược xuống phía dưới xương hàm, gây cho khổ chủ quá nhiều phiền toái. Tình trạng sưng, đau, có thể kéo dài không dứt, nên khi đó, nhổ bỏ răng khôn là điều bắt buộc phải làm.
Một số trường hợp răng khôn có thể mọc lên khỏi lợi, nhưng lại không đủ chỗ, gây mọc lệch hoặc chỉ nhú được một phần, tạo ra kẽ răng. Phần kẽ răng này vì nằm ở quá sâu, địa thế vô cùng hiểm trở, bàn chải thông thường và kể cả bàn chải điện khó mà đi vào làm sạch được, nên thức ăn bị ứ đọng tại đây, sớm hay muộn cũng sẽ gây sâu răng, viêm chân răng.
2. Quá trình nhổ răng khôn được thực hiện thế nào?
Nhiều người sợ nhổ răng khôn sẽ đau bởi vì chúng mọc ở chỗ hiểm, tuy nhiên đừng quá lo lắng, với kỹ thuật gây tê hiện nay, quá trình nhổ răng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Theo đó, khi nhổ răng bạn sẽ được gây tê và dưới sự hỗ trợ của bác sĩ nha khoa việc nhổ răng sẽ diễn ra trong thời gian nhanh chóng.
Chỉ trừ trường hợp răng của bạn mọc ở vị trí hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến một số dây thần kinh trong miệng hoặc nằm sâu trong xương hàm, các bác sĩ sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý được chiếc răng của bạn.
Với hầu hết các răng khôn, sau khi chụp X quang hàm, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở phần lợi để đưa dụng cụ vào “bẩy” răng lên. Một số răng nằm dưới lợi và có các tư thế khó hơn, có thể sẽ cần nhiều kỹ thuật hơn để đưa ra từng phần sau đó mới khâu lại vết thương.
Sau khi hết thuốc tê, bạn có thể sẽ cảm thấy đau nhức trong một vài ngày, nhưng cảm giác đó sẽ chấm dứt nhanh chóng và sẽ nhẹ nhàng hơn so với việc cứ để yên chiếc răng đó trong miệng của bạn.
Các bác sĩ nha khoa và các nhà khoa học đều khẳng định răng khôn mọc lệch, xiên hoặc không thoát ra khỏi lợi không hề có vai trò gì cụ thể nên khi chúng gây ra đau đớn phiền phức, việc nhổ bỏ hoàn toàn là việc nên làm. Răng khôn cũng thuộc loại răng vĩnh viễn, nên sau khi nhổ bỏ sẽ không có khả năng mọc lại, tức là chỉ cần đi nhổ răng khôn, bạn sẽ đoạn tuyệt được với toàn bộ các cơn đau do mọc răng khôn gây ra.
Chỉ cần chăm sóc răng miệng thật kỹ, kiêng khem đúng như bác sĩ dặn sau nhổ răng để tránh tình trạng viêm nhiễm, vết thương lâu lành tại vị trí nhổ răng khôn.
- Dấu hiệu và cách xử lý ngộ độc thuốc tê
- Vì sao bạn bị dị ứng thuốc tê bôi ngoài da?
- Giải phẫu khoang ngoài màng cứng