Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Vân - Bác sĩ Nội thẩm mỹ - Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Rạn da là một dạng sẹo, hình thành khi da bị co giãn nhanh, làm đứt gãy collagen và elastin- các cấu trúc nâng đỡ da. Các vị trí rạn da thường gặp là: bụng, cánh tay, vai, hông lưng, mông, ngực. Rạn da không thể tự biến mất nhưng hiện nay đã có các phương pháp điều trị giúp làm mờ vết rạn.
1. Ai có thể bị rạn da?
Rạn da thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là do giai đoạn mang thai. Khi bụng tăng kích thước để tạo chỗ cho thai nhi, da bụng của thai phụ sẽ căng ra. Hormone tăng đột biến khi mang thai cũng có thể làm suy yếu cấu trúc da và gây rạn. Bất kỳ bộ phận cơ thể nào phát triển lớn hơn khi mang thai đều có thể bị rạn.
Cả phụ nữ và đàn ông béo phì đều có thể bị rạn da. Ngay cả những người tập thể hình có ít mỡ cũng sẽ hình thành vết rạn khi cơ bắp phát triển nhanh. Trẻ em có khả năng bị rạn da nếu tăng chiều cao nhanh hoặc tăng cân nhanh ở tuổi dậy thì.
Bạn sẽ có nguy cơ bị rạn da cao hơn nếu gia đình bạn có tiền sử rạn da.
Ngoài ra, thoa hoặc uống corticosteroid trong thời gian dài, tình trạng tăng cortisol cũng là nguyên nhân gây rạn da. Người mắc bệnh Cushing, hội chứng Marfan hoặc hội chứng Ehler-Danlos (EDS) cũng dễ hình thành các vết rạn da.
2. Cách chữa rạn da
Giống như các loại sẹo khác, vết rạn da sẽ tồn tại vĩnh viễn. Việc điều trị có thể làm mờ vết rạn và giúp giảm ngứa. Nếu muốn điều trị rạn da khi mang thai hoặc cho con bú, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều trị vì một số hoạt chất điều trị, chẳng hạn như retinol, có thể gây hại cho em bé.
Bạn cần biết rằng không có cách chữa rạn da nào đảm bảo hiệu quả với tất cả mọi người và cần phải điều trị nhiều lần trong thời gian dài. Thậm chí nhiều sản phẩm chữa rạn da có thể không tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào.
2.1. Kem, lotion dưỡng và gel bôi da
Đã có nhiều nghiên cứu để tạo ra các loại kem, lotion và gel điều trị rạn da, tuy nhiên chưa có một sản phẩm nào đạt hiệu quả cao.
Nếu bạn muốn thử dùng một trong những loại kem bôi rạn da thì cần lưu ý:
- Sử dụng sản phẩm cho các vết rạn da mới hình thành. Sản phẩm thoa tại chỗ thường không hiệu quả với các vết rạn cũ;
- Dành thời gian massage nhẹ nhàng tinh chất điều trị vào vết rạn da để tăng hiệu quả;
- Kiên trì bôi sản phẩm mỗi ngày trong nhiều tuần mới bắt đầu nhận thấy thay đổi.
2.2. Biện pháp khắc phục tại nhà
Các nghiên cứu cho thấy những cách chữa rạn da tại nhà hay được chia sẻ thường không hiệu quả. Vết rạn dường như không hề mờ đi khi được xoa dầu hạnh nhân, bơ ca cao, dầu ô liu hoặc vitamin E. Việc phơi nắng cũng không thể làm mờ các vết rạn da mà ngược lại, còn làm chúng trở nên nổi bật hơn vì vết rạn không bắt nắng như vùng da xung quanh.
Trong khi đó, sử dụng một số sản phẩm nhuộm nâu da sẽ giúp che mờ bớt các vết rạn da - cả vết rạn mới xuất hiện lẫn lâu ngày, nhưng không thể loại bỏ vết rạn da. Ngoài ra, trang điểm cũng được xem là cách giúp che giấu phần nào vết rạn da.
2.3. Thuốc kê toa
Hai thành phần kê đơn có thể mang đến hiệu quả trong điều trị rạn da là:
- Axit hyaluronic: Hai nghiên cứu lớn cho thấy: thoa axit hyaluronic lên các vết rạn da mới xuất hiện có thể làm chúng mờ hơn;
- Tretinoin: Đây là một retinoid có tác dụng giúp vết rạn da mờ hơn nếu sử dụng sớm. Trong một nghiên cứu, những người dùng loại tretinoin thoa mỗi tối trong 24 tuần sẽ có vết rạn mờ hơn so với người không dùng.
Một loại retinoid khác là retinol cũng có tác dụng làm tăng sản xuất collagen và làm mờ các vết rạn da khi được sử dụng sớm.
2.4. Các thủ thuật tại phòng khám
Mặc dù các phương pháp sau đây không thể làm mất hoàn toàn vết rạn, nhưng sẽ làm chúng mờ hơn:
- Lột da hóa học (Chemical peels);
- Liệu pháp laser: fractional CO2, laser xung màu (PDL), laser excimer
- Mài da vi điểm (Microdermabrasion);
- Sóng RF
- Sóng siêu âm.
- Phẫu thuật loại bỏ vùng da rạn.
Để mang đến hiệu quả tốt nhất, bác sĩ da liễu có thể kết hợp nhiều phương pháp trong cùng một đợt điều trị. Ví dụ, điều trị sóng RF kết hợp laser xung màu (PDL - Pulsed Dye Laser).
Tất cả các thủ thuật trên đều có nguy cơ để lại tác dụng phụ. Một bác sĩ da liễu được đào tạo chuyên sâu và giàu kinh nghiệm sẽ hạn chế tối đa tác dụng phụ khi thực hiện quy trình. Thường sau khi làm thủ thuật, da sẽ đỏ và sưng, nhưng sẽ tự khỏi trong vài giờ hoặc vài ngày tiếp theo.
Bác sĩ sẽ chỉ định cách chữa rạn da phù hợp nhất với từng người, dựa trên tình hình sức khỏe, tuổi tác và thời gian xuất hiện vết rạn da.
3. Ngăn ngừa vết rạn da
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều biện pháp ngăn ngừa rạn da không thực sự có tác dụng, bao gồm bôi dầu hạnh nhân, bơ ca cao, dầu ô liu, hay vitamin E. Những chất dưỡng ẩm tự nhiên này có thể giúp làn da mềm mại hơn, nhưng không rõ hiệu quả trong điều trị và ngăn ngừa rạn da. Cách tốt nhất để ngăn ngừa rạn da là kiểm soát cân nặng hợp lý, kể cả trong quá trình mang thai.
Một số sản phẩm có chứa tinh chất rau má hoặc axit hyaluronic (có trong làn da tự nhiên) có thể ngăn ngừa rạn da. Tinh chất rau má giúp tăng cường các tế bào tạo collagen và xây dựng mô da.
Các sản phẩm điều trị rạn da được bày bán tại cửa hàng hoặc trên mạng có thể khá đắt. Nếu bạn đã tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc mà không nhận thấy sự cải thiện, nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cách chữa rạn da. Thủ thuật tại phòng khám đã được chứng minh hiệu quả hơn so với các loại kem bôi rạn da, lotion dưỡng và gel. Bác sĩ da liễu cũng có thể giới thiệu cho bạn một số sản phẩm hoặc công nghệ mới có hiệu quả cao.
Nguồn tham khảo: aad.org, healthline.com, webmd.com
- 21 triệu chứng khó chịu khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục
- Có nên tự chườm nóng bụng sau sinh?
- Phẫu thuật căng da bụng sau sinh và những điều cần biết