Mục lục
Phục hồi chức năng tim mạch là tiến trình khôi phục lại cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đạt được mức độ hoạt động tối đa phù hợp với chức năng tim mạch của người đó. Phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn đạt được tối đa điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội, có một cuộc sống tích cực.
1. Phục hồi chức năng tim mạch là gì?
Phục hồi chức năng tim mạch là tiến trình khôi phục lại cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đạt được mức độ hoạt động tối đa phù hợp với chức năng tim mạch của người đó. Phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn đạt được tối đa điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội để bệnh nhân có thể tự cố gắng đạt được một vị trí trong cộng đồng và tiến tới một cuộc sống tích cực.
Mục tiêu của phục hồi chức năng tim mạch tập trung vào 4 vấn đề của sinh hoạt hàng ngày bao gồm:
- Thể chất: hướng dẫn người bệnh đạt được tới giới hạn tối đa trong tập luyện.
- Xã hội: giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cuộc sống, tối đa hóa được khả năng quay trở lại với sở thích và công việc.
- Tâm lý: giảm tình trạng và mức độ lo âu, tập trung vào sự cố gắng trong tập luyện, đồng thời tránh những cảm xúc tiêu cực.
- Phòng ngừa biến chứng giúp bệnh nhân thay đổi yếu tố nguy cơ và củng cố lại việc tập luyện nhằm phòng ngừa các biến chứng.
Một số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành hoặc suy tim hay đã từng phẫu thuật bắc cầu mạch vành gần đây có thể được hưởng lợi từ phục hồi chức năng tim mạch, đặc biệt là những người bệnh có thể đi lại và thực hiện các sinh hoạt hàng ngày một cách độc lập trước khi xảy ra biến cố. Phục hồi chức năng tim mạch bao gồm tập luyện, giáo dục và các hỗ trợ về tâm lý xã hội và có thể được thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc tại nhà. Phục hồi chức năng tim mạch giúp người bệnh cải thiện tâm lý, giảm tỷ lệ tử vong khoảng 20-25% và tỷ lệ tái nhập viện cũng như phòng ngừa các biến cố tim mạch tái phát. Cải thiện được độ dung nạp với tập luyện và nguy cơ mắc bệnh lý mạch vành.
2. Chỉ định và chống chỉ định của phục hồi chức năng tim mạch
2.1 Chỉ định
Chỉ định phục hồi chức năng tim mạch trong những trường hợp sau:
- Bệnh nhân sau hội chứng vành cấp, bệnh lý ổn định với điều trị nội khoa.
- Cơn đau thắt ngực ổn định.
- Bệnh nhân sau khi phẫu thuật bắt cầu chủ-vành.
- Bệnh nhân sau khi được điều trị can thiệp động mạch vành qua da.
- Suy tim mạn tính ổn định: suy tim tâm trương hoặc tâm thu.
- Bệnh nhân sau ghép tim.
- Bệnh nhân sau phẫu thuật van tim.
- Bệnh mạch máu ngoại biên.
- Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mạch vành như rối loạn lipid máu, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp hoặc béo phì.
2.2 Chống chỉ định
Chống chỉ định phục hồi chức năng tim mạch với những trường hợp sau:
- Cơn đau thắt ngực không ổn định.
- Tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
- Hạ huyết áp tư thế đứng với huyết áp hạ > 20mmHg và có kèm theo triệu chứng.
- Hẹp van động mạch chủ tình trạng nặng (diện tích mở van <1,0cm2)
- Loạn nhịp thất hoặc nhĩ chưa được kiểm soát.
- Nhịp nhanh xoang chưa kiểm soát được ≥ 120 lần/phút.
- Suy tim mất bù
- Block nhĩ thất độ III chưa đặt máy tạo nhịp tim.
- Viêm cơ tim cấp hoặc viêm màng ngoài tim cấp.
- Tiền sử thuyên tắc mạch trong thời gian gần đây.
- Viêm tĩnh mạch huyết khối cấp
- Bệnh lý toàn thân cấp hoặc sốt.
- Đái tháo đường chưa được kiểm soát.
- Bệnh lý cơ xương khớp nặng gây hạn chế vận động
- Bệnh lý chuyển hóa cấp như: hạ kali máu, viêm tuyến giáp cấp, tăng kali máu hoặc giảm thể tích máu.
3. Thời gian phục hồi chức năng tim mạch được bắt đầu khi nào?
Theo khuyến cáo bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch cần bắt đầu chương trình phục hồi chức năng sớm nhất có thể. Các biện pháp phục hồi chức năng tim mạch đầu tiên có thể được bắt đầu sớm ngay khi giảm được đau và giảm các biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Chương trình phục hồi chức năng tim mạch được chia là 4 giai đoạn và còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân:
- Giai đoạn I: bắt đầu khi bệnh nhân còn nằm viện.
- Giai đoạn II: ngay sau khi bệnh nhân xuất viện, bệnh nhân điều trị ngoại trú tại các trung tâm phục hồi chức năng.
- Giai đoạn III và IV: chương trình tập luyện duy trì lâu dài tại trung tâm phục hồi chức năng hoặc tại nhà và cần được theo dõi liên tục. Hình thành thói quen tập luyện cho người bệnh, đồng thời giáo dục về dinh dưỡng, lối sống và duy trì cân nặng thích hợp.
Với mỗi tuần trì hoãn thì cần phải thêm hàng tháng để có thể đạt được kết quả tương đương. Do vậy, phục hồi chức năng tim mạch càng sớm càng tốt, cần khuyến khích và động viên người bệnh tham gia. Mục đích của phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm bao gồm:
- Phòng ngừa các biến chứng của việc hạn chế vận động
- Người bệnh hiểu được các yếu tố nguy cơ, kế hoạch điều trị tiếp theo.
- Hỗ trợ về mặt tâm lý, phòng ngừa rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
4. Chương trình tập luyện phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm
Để xây dựng chương trình tập luyện cho người bệnh, bác sĩ cần đánh giá chức năng tim mạch, thời gian bắt đầu chương trình có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân. Thông thường, chương trình phục hồi chức năng bắt đầu với cường độ nhẹ và sau đó sẽ tăng dần tùy theo từng cá nhân, tình trạng bệnh nhân thường được theo dõi qua điện tâm đồ. Những bệnh nhân có nguy cơ cao chỉ nên tập luyện tại cơ sở phục hồi chức năng tim mạch đã được trang bị đầy đủ và có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc người chăm sóc đã được qua đào tạo. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ tim mạch và bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên. Chương trình được thiết kế cho phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm bao gồm:
- Sử dụng những bài tập không đòi hỏi gắng sức.
- Ngồi trên giường có tựa lưng hoặc không, tự ngồi hoặc có sự trợ giúp.
- Tập theo tầm vận động.
- Các hoạt động tự chăm sóc đơn giản như vệ sinh cá nhân, cạo râu,...
- Đi bộ tăng dần và hạn chế leo cầu thang
Trong quá trình tập phục hồi chức năng tim mạch, nhiều bệnh nhân không có thói quen hoặc không đều đặn khi tham gia chương trình và chán nản khi tập luyện. Do đó, cần theo dõi quá trình tập luyện của người bệnh thường xuyên, tránh gián đoạn quá trình phục hồi.
Tóm lại, phục hồi chức năng tim mạch là tất cả các phương pháp sử dụng nhằm giúp bệnh nhân tim mạch khôi phục lại và đạt được mức độ hoạt động tối đa phù hợp với chức năng tim mạch của người đó, đồng thời phòng ngừa bệnh tái phát. Phục hồi chức năng tim mạch giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn đạt được tối đa điều kiện thể chất, tinh thần và xã hội, có một cuộc sống tích cực.
- Phục hồi chức năng tim mạch: Vì sao cần và khi nào nên bắt đầu?
- Phục hồi chức năng tim mạch cho người bệnh sau nhồi máu cơ tim
- Phục hồi chức năng tim mạch là gì ?