17-01-2024 11:13

Phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính

Phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính

Khi mắc bệnh phổi mãn tính, người bệnh có khuynh hướng lệ thuộc nhiều vào thuốc, tuy nhiên việc điều trị không dùng thuốc lại đóng vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh.

1. Định nghĩa về bệnh phổi mãn tính

Bệnh phổi mạn tính gồm có nhiều loại bệnh lý hô hấp khác nhau, trong đó đều có đặc điểm là bệnh phổi đã kéo dài trên 3 tháng trong 1 năm và thường kéo dài ít nhất 2 năm trở lên. Phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính chủ yếu để cập đến 2 bệnh phổi mãn tính thường gặp nhất đó là:

1.1. Hen phế quản

Hen phế quản (khác với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD) là tình trạng xuất hiện các cơn khó thở do hiện tượng co thắt phế quản, gây chít hẹp đường dẫn oxy vào phổi.

Hen phế quản là bệnh khá thường gặp trên thế giới, ở Việt Nam tỉ lệ hen phế quản ở nông thôn là 1% và ở thành thị là 2% trên tổng dân số. Trong tất cả các bệnh lý ở phổi, bệnh hen phế quản chiếm tỉ lệ 18,7%. Hơn 50% bệnh nhân hen phế quản bị bệnh trước 10 tuổi, nam giới thường mắc hen phế quản nhiều hơn so với nữ giới.

1.2. Viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc phế quản kéo dài, dẫn đến tăng tiết chất nhầy, gây ra tình trạng ho khạc đờm, tắc nghẽn đường thở và các rối loạn hô hấp khác. Đặc điểm của những đợt ho khạc đờm trong viêm phế quản mãn tính là thường kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và xuất hiện ít nhất 2 năm liên tiếp.

Viêm phế quản mãn tính là bệnh lý khá thường gặp ở các nước, tại Việt Nam có đến 12% bệnh nhân viêm phế quản mãn tính phải điều trị nội trú tại bệnh viện khoa hô hấp.

2. Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh?

  • Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến quá trình hô hấp: Sự co thắt, chít hẹp phế quản, tăng tiết đờm nhớt ở đường hô hấp là những yếu tố góp phần khiến bệnh nhân khó thở, gây thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan, đặc biệt là não bộ.
  • Sự bội nhiễm các loại vi khuẩn: Những đợt cấp của hen phế quản hoặc viêm phế quản mãn tính nếu tái phát nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm và làm nặng thêm tình trạng khó thở.
  • Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến công việc: Người mắc bệnh phổi mãn tính có khả năng làm việc cả về trí tuệ lẫn thể lực đều bị suy giảm. Khó thở là nguyên nhân chính làm người bệnh hạn chế khả năng vận động và làm việc.
  • Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến học hành: Tình trạng khó thở, thiếu oxy não sẽ làm giảm khả năng tập trung, chú ý của người mắc bệnh.
  • Ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm: Người bệnh bị hạn chế về sức khỏe, do đó tâm lý, tình cảm sẽ ảnh hưởng theo như dễ mắc chứng trầm cảm, hay cáu gắt hoặc rối loạn lo âu bệnh tật.
  • Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến xã hội, gia đình: Bệnh phổi mãn tính là yếu tố khiến người bệnh giảm hoặc mất khả năng tham gia các hoạt động của gia đình và cộng đồng. Đặc biệt họ có xu hướng hạn chế giao tiếp, thậm chí tạo ra khoảng cách với mọi người xung quanh.
phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính
Bệnh phổi mãn tính ảnh hưởng đến quá trình hô hấp

3. Nguyên nhân gây bệnh phổi mãn tính và cách đề phòng

3.1. Nguyên nhân gây bệnh phổi mãn tính

Hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều có thể khởi phát do các yếu tố sau đây:

  • Hút thuốc lá;
  • Cơ địa dị ứng khói bụi;
  • Dị ứng thực phẩm;
  • Môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng;
  • Các ổ nhiễm trùng mãn tính ở: mũi, họng, răng...;
  • Một số nguyên nhân khác.

3.2. Đề phòng bệnh phổi mãn tính

Để hạn chế và phòng ngừa bệnh phổi mãn tính, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Bỏ thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với người hút thuốc lá;
  • Vệ sinh môi trường sống thật sạch sẽ;
  • Nên sử dụng các dụng cụ hút bụi để vệ sinh nhà cửa;
  • Không nuôi chó, mèo, gà, chim...
  • Sử dụng các loại hóa mỹ phẩm cần chú ý tránh các thành phần gây dị ứng, mẩn ngứa;
  • Cẩn thận với một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đồ thơm...
  • Thay đổi chỗ ở nếu đang ở gần nhà máy, công trường, nơi môi trường bị ô nhiễm;
  • Điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng vùng tai mũi họng. Một số trường hợp cần thiết có thể phẫu thuật cắt bỏ amidan, mổ xoang...

4. Nhận biết bệnh phổi mãn tính

Cơn hen trong bệnh lý hen phế quản mãn tính có thể xuất hiện các dấu hiệu sau

  • Ho, hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mắt;
  • Cảm giác bị bó, chẹn ngực, đau ngực và vai do khó thở;
  • Khó thở mỗi khi thở ra, có thể nghe thấy tiếng rít;
  • Ho khan, khó khạc đờm;
  • Co kéo hõm ức, khoang liên sườn;
  • Mệt, vã mồ hôi, phải ngồi để thở;
  • Cơn hen có thể kéo dài vài phút hoặc liên tục trong 24 giờ.

Biểu hiện, triệu chứng của viêm phế quản mãn tính có thể bao gồm:

  • Ho và khạc đờm: Tổng thời gian ho khạc đờm thường kéo dài trên 3 tháng trong 1 năm và xuất hiện ít nhất 2 năm liên tiếp. Giai đoạn đầu ho đờm ít, sau đó tăng nhiều lên, đờm quánh và dính, giai đoạn sau thường chuyển sang ho khan, không có đờm.
  • Khó thở: Đặc điểm là khó thở tăng lên khi gắng sức (như đi bộ, leo cầu thang, mang xách vật nặng...). Đặc biệt khó thở nhiều hơn khi người bệnh hít thở sâu.
  • Những đợt cấp của viêm phế quản mãn tính có thể kèm theo sốt.

5. Can thiệp điều trị bệnh phổi mãn tính

5.1. Điều trị hen phế quản

Cắt triệu chứng khó thở của cơn hen mức độ nhẹ bằng các thuốc giãn phế quản, kháng sinh khi có bội nhiễm, thuốc long đờm và chống dị ứng. Nếu tình trạng bệnh nhân không cải thiện có thể chuyển lên các cơ sở y tế tuyến trên để được điều trị chuyên sâu.

Phòng ngừa cơn hen tái phát:

  • Điều trị giải mẫn cảm với tác nhân gây dị ứng;
  • Sử dụng thuốc dạng xịt để ngăn chặn cơn (Intal). Mỗi ngày xịt từ 2 - 3 lần, liên tục trong 3 tháng, sau đó nghỉ 6 tháng lại tiếp tục và sử dụng trong thời gian 3 năm.
phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính
Cắt triệu chứng khó thở của cơn hen mức độ nhẹ bằng các thuốc giãn phế quản

5.2. Điều trị viêm phế quản mạn tính

Các thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc long đờm, kháng viêm chống phù nề niêm mạc phế quản, kháng sinh khi có bội nhiễm, chống co thắt phế quản và quan trọng là thuốc giãn phế quản.

Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong các trường hợp nặng, không cắt được đợt khó thở cấp tính, suy hô hấp. Khi đó người bệnh nên được điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp, dị ứng.

6. Phương pháp phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính

6.1. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là biện pháp phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính rất hiệu quả. Các bài tập vật lý trị liệu hô hấp có thể bao gồm:

Bài tập thở giúp duy trì chức năng hô hấp:

  • Tập thở là phương pháp có tác dụng giúp giãn nở các thuỳ phổi và tăng cường chức năng cơ hoành khi hô hấp. Mỗi động tác nên thực hiện 20 - 30 lần vào buổi sáng;
  • Đặt hai tay lên vùng phổi mong muốn giãn nở, yêu cầu người bệnh hít thở thật sâu một cách đặc biệt để hai tay di động nhịp nhàng theo nhịp thở.

Các bài tập phục hồi chức năng bệnh phổi mãn tính khác bao gồm vỗ rung, ho có trợ giúp, dẫn lưu tư thế... Các bài tập này được áp dụng khi bệnh nhân có các đợt viêm phế quản cấp, tăng tiết dịch, đờm dãi.

  • Dẫn lưu tư thế: Kê cao đầu giường khoảng 20cm. Người bệnh nằm ngửa đầu thấp hoặc có thể nằm nghiêng bên hoặc nằm sấp tùy theo vị trí cần dẫn lưu, duy trì tư thế này trong 15 phút - 30 phút. Lưu ý không thực hiện biện pháp dẫn lưu tư thế ở người bệnh bị tăng huyết áp hoặc suy tim;
  • Vỗ rung: Trong khi vừa dẫn lưu tư thế hoặc khi người bệnh ngồi dậy hoặc nằm, bạn dùng hai bàn tay khum khum, vỗ nhịp nhàng, đều đặn vào lồng ngực người bệnh. Vỗ rung là động tác khiến dịch tiết ở lòng phế nang và phế quản long ra và hỗ trợ giúp người bệnh khạc ra ngoài dễ dàng hơn;

Ngoài ra, người bệnh mắc các bệnh phổi mãn tính nên tăng cường vận động cơ thể bằng cách tập thể dục vừa sức (như đi bộ, bơi lội) để nâng cao hoạt động hệ tim mạch và hô hấp.

6.2. Hướng nghiệp cho bệnh nhân

Tư vấn, hướng nghiệp cho người bệnh lựa chọn những ngành nghề phù hợp. Một số yêu cầu quan trọng cho người bệnh mắc bệnh phổi mãn tính bao gồm tránh công việc có nhiều khói bụi công nghiệp (như than, hóa chất, quần áo...), nhiệt độ nơi làm việc quá cao hoặc có gió lạnh, tiếp xúc nhiều với lông động vật... Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng không kém là tránh những công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải gắng sức liên tục...

6.3. Thay đổi môi trường sống

Những bệnh nhân khó kiểm soát các cơn hen, nhiều yếu tố dẫn đến cơn hen nặng... có thể cần phải thay đổi nơi sinh sống, nghề nghiệp, nơi làm việc... để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và làm nặng thêm tình trạng bệnh phổi mãn tính.

Bệnh phổi mãn tính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp phục hồi chức năng giúp người bệnh có cuộc sống tốt và bảo vệ sức khỏe lâu dài. Bệnh phổi mãn tính thường để lại các biến chứng nguy hiểm, vì thế, bệnh cần được điều trị và sớm phục hồi sức khỏe.

XEM THÊM:
  • Công dụng thuốc Vinsalmol
  • Vấn đề sức khỏe trẻ sinh non có thể gặp phải
  • Công dụng thuốc Asmin

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan