Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phụ nữ 40 tuổi đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, tần suất quan hệ tình dục cũng giảm đi nên tỉ lệ có thai trong giai đoạn này cũng giảm. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn còn khả năng sinh sản, một vài trường hợp ghi nhận có thai ngoài ý muốn trong giai đoạn này. Vì vậy lựa chọn các biện pháp tránh thai là vô cùng hữu ích và lựa chọn biện pháp nào vừa an toàn lại đem lại hiệu quả cao là một vấn đề nan giải. Bài viết này cung cấp kiến thức về thuốc uống tránh thai cho phụ nữ 40 tuổi.
1. Thuốc tránh thai dạng uống có mấy loại?
Hiện nay thuốc tránh thai dạng uống có 2 loại đang được dùng phổ biến trên thị trường. Đều là viên uống tránh thai hàng ngày. Cần lưu ý việc sử dụng thuốc phải thường xuyên và liên tục để đạt được hiệu quả tránh thai cao nhất.
Thuốc tránh thai phối hợp cơ chế như hormone của cơ thể, là thuốc phối hợp 2 loại hormon estrogen và progesterone, nồng độ 2 hormone này cao sẽ ức chế sự rụng trứng. Loại này bán trên thị trường có 2 loại bào chế. Vỉ 28 viên, trong đó 21 viên là hormon và 7 viên giả dược thành phần là sắt. Loại hai là vỉ 21 viên chứa hormone có tác dụng tránh thai. Tác dụng là như nhau nhưng dùng vỉ 28 viên sẽ tránh tình trạng quên dùng thuốc vì việc uống thuốc diễn ra hàng ngày thành thói quen.
Thuốc tránh thai chỉ có thành phần progesterone là loại thuốc chỉ có hormone progesterone đơn độc, không chứa estrogen. Thuốc này thường chỉ có vỉ 28 viên được bán trên thị trường.
2. Phụ nữ qua 40 tuổi có nên dùng thuốc tránh thai đường uống không?
Thứ nhất, nếu mang thai trong giai đoạn này thì các biến chứng liên quan đến thai nghén cao hơn rất nhiều so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Sau 35 tuổi nếu bà mẹ có con sẽ gia tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc hội chứng Down, là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ngoài ra thì trẻ sinh ra cũng sẽ đối mặc với nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh khác. Theo các bác sĩ sản phụ khoa thì tỉ lệ chảy máu trong thai kỳ và sau sinh cao hơn đối với nhóm phụ nữ trên 40 tuổi. Đặc biệt giai đoạn này sẽ có nguy cơ cao mắc thêm các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch dẫn đến các tai biến nghiêm trọng như tiền sản giật, diễn tiến bệnh nền sẽ trầm trọng hơn. Theo nhiều nghiên cứu thì tỉ lệ sảy thai, chết chu sinh chiếm tỷ lệ rất cao đối với phụ nữ trong độ tuổi này.

Thứ hai, phần lớn phụ nữ ở độ tuổi này đã có đủ số con mong muốn nên có con trong lúc này sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến công việc và cuộc sống của họ.
Các bác sĩ sản phụ khoa nên giải thích rõ ràng và tư vấn các biện pháp tránh thai để hỗ trợ khách hàng trong việc lựa chọn giải pháp tránh thai thích hợp tùy theo tình huống và nhu cầu của họ.
Có rất nhiều biện pháp tránh thai đang được sử dụng và hiệu quả tránh thai cao nếu như chúng được sử dụng đúng cách. Và thuốc tránh thai dạng uống là một trong các phương pháp không xâm lấn nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao.
3. Tác dụng của thuốc uống tránh thai đối với phụ nữ 40 tuổi
Thuốc tránh thai uống bản chất là các hormon buồng trứng (estrogen, progesterone). Khi uống vào, chúng sẽ ức chế giải phóng hormone vùng dưới đồi là hormone phóng thích gonadotropin (GnRH), do đó ức chế trục Hạ đồi – Tuyến yên – Buồng trứng gây ức chế quá trình rụng trứng. Các thuốc tránh thai đường uống làm dày niêm mạc tử cung và làm chất nhầy cổ tử cung đặc dính, khiến tinh trùng không xâm nhập vào tử cung được. Nếu được sử dụng đều đặn và chính xác, các thuốc tránh thai đường uống là một hình thức tránh thai có hiệu quả.
Ngoài ra, sử dụng thường xuyên và đều đặc thuốc tránh thai đường uống giúp ngăn ngừa ung thư tử cung và ung thư phần phụ, thai ngoài tử cung. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp giúp ngăn ngừa loãng xương, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
4. Chống chỉ định dùng thuốc tránh thai dạng uống
Việc sử dụng các thuốc tránh thai dạng uống bị chống chỉ định như sau:
- Phẫu thuật nằm lâu hoặc mắc các bệnh lý về máu, tim mạch gây nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Hút thuốc > 15 điếu/ngày ở phụ nữ > 35 tuổi
- Ung thư vú hiện tại hoặc quá khứ
- Xơ gan mất bù nặng, u tuyến tế bào gan hoặc ung thư gan
- Thuyên tắc tĩnh mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi), đột biến gen huyết khối hoặc SLE có tình trạng không rõ hoặc dương tính với kháng thể kháng phospholipid
- Đau nửa đầu
- Cao huyết áp
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ
- Bệnh cơ tim chu sinh
- Đái tháo đường > 20 năm hoặc có bệnh mạch máu (ví dụ, bệnh thần kinh, bệnh thận, bệnh võng mạc)

5. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai dạng uống
Mặc dù thuốc tránh thai dạng uống có thể có một số tác động bất lợi, nhưng rủi tổng thể là rất thấp và hiếm có trường hợp nào tử vong do dùng thuốc tránh thai dạng uống
Thuốc ngừa thai có thể gây rối loạn kinh nguyệt (rong kinh hoặc mất kinh). Ở một số phụ nữ, tình trạng rụng trứng vẫn còn bị ức chế trong vài tháng sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai.
Estrogens làm tăng sản xuất aldosterone và gây ra sự ứ đọng của Na, có thể gây tăng huyết áp và tăng cân liên quan đến liều dùng (lên đến khoảng 2 kg). Tăng cân có thể đi kèm với đầy bụng, phù nề, và căng vú.
Tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu và huyết khối tắc mạch (ví dụ tắc mạch phổi) tăng lên khi liều estrogen tăng lên. Với các thuốc tránh thai đường uống có chứa từ 10 đến 35 mcg estrogen, nguy cơ sẽ cao gấp 2-4 lần so với nguy cơ ban đầu. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với nguy cơ mang thai.
Mặc dù tăng nguy cơ đột quỵ là do thuốc tránh thai đường uống, nhưng thuốc ngừa thai kết hợp liều thấp không làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ khỏe mạnh, bình thường, không hút thuốc. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng thần kinh khu trú, chứng mất ngôn ngữ hoặc các triệu chứng khác có thể dự báo nguy cơ đột quỵ phát triển, thì nên ngừng thuốc.
- Viêm khớp dạng thấp và mang thai: Những điều cần biết
- Phẫu thuật lấy thai ở sản phụ tiền sản giật
- Có thể tự nhận diện triệu chứng tiền sản giật?