Mục lục
Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và để lại những biến chứng nguy hiểm nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời. Vì thế, việc tìm cách phòng tránh viêm đường hô hấp cho trẻ là việc làm rất cần thiết, nhất là thời điểm giao mùa Đông Xuân đang đến gần.
1. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em
Nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi,...) rất thường gặp ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn chưa phát triển hoàn thiện, đường hô hấp của trẻ còn non yếu và chưa hoàn chỉnh về mặt cấu tạo, sinh lý và miễn dịch. Trong một năm trẻ có thể viêm đường hô hấp cấp nhiều lần (trung bình 3 - 5 lần/ năm), do đó bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tăng trưởng của trẻ mà còn gây xáo trộn sinh hoạt – công việc của cả gia đình. Chính vì vậy, làm cách nào để tăng sức đề kháng cho trẻ là mối quan tâm của các bậc phụ huynh.
Để biết được điều đó thì trước hết cha mẹ cần nắm được các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em:
- Do thời tiết thay đổi đột ngột hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ cho bé từ phòng máy lạnh ra môi trường nóng bên ngoài.
- Môi trường: nhà ở chật hẹp không thoáng khí hoặc không khí trong nhà bị ô nhiễm bởi bụi bặm, vật liệu trang trí, thú nhồi bông, đồ dùng hàng ngày để sinh hoạt, khói thuốc lá.
- Trẻ thường tiếp xúc với trẻ khác bị viêm đường hô hấp như đi nhà trẻ, đi mẫu giáo.
Ngoài ra, các trẻ có sức đề kháng kém như trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ còi xương cũng dễ mắc bệnh hơn với các trẻ bình thường.
Xem ngay: Phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ khi giao mùa
2. Biện pháp tăng sức đề kháng cho trẻ
2.1. Dinh dưỡng
Trẻ nhỏ được bú sữa mẹ kéo dài sẽ có sức đề kháng tốt, vì vậy mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ một năm hoặc ít nhất là trong 6 tháng đầu đời. Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các loại vitamin và khoáng chất trong rau xanh, cà rốt, các loại đậu đỗ, cam, dâu tây... Nghiên cứu cho thấy nếu trong thực phẩm của trẻ có nhiều dưỡng chất nguồn gốc thực vật sẽ tăng cường khả năng miễn dịch, sản xuất chất chống viêm, ngăn chặn virus trên bề mặt tế bào, phòng ngừa các bệnh mãn tính, bệnh tim và ung thư trong tương lai.
2.2. Vận động
Vận động hợp lý là một biện pháp tăng khả năng phòng chống bệnh tật ở trẻ. Theo đó, cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng và hít thở không khí trong lành, giúp trẻ điều hòa cơ thể thích ứng với nhiệt độ bên ngoài, nâng dần sức đề kháng. Ngoài ra, cần lưu ý chống lạnh cho trẻ nhỏ mỗi khi đi ra ngoài trời.
2.3. Tiêm chủng
Vắc-xin có tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo các kháng thể giúp bé chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
2.4. Giấc ngủ
Ngủ đầy đủ và ngon giấc là điều cốt yếu đảm bảo sự phát triển sức khỏe, tâm sinh lý và hệ miễn dịch của trẻ. Mỗi ngày, trẻ sơ sinh cần được ngủ 18 tiếng, trẻ nhũ nhi cần 13-14 tiếng, trẻ từ 1-3 tuổi cần 12-13 tiếng, trẻ từ 4 đến 6 tuổi cần khoảng từ 10 đến 12 tiếng. Tạo thói quen đi ngủ đúng giờ sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ.
2.5. Stress
Trẻ bị áp lực căng thẳng thường xuyên rất dễ bệnh, do đó cần cho trẻ thoải mái, vui chơi tự do, âu yếm vuốt ve, thương yêu trẻ...
2.6. Vệ sinh cá nhân
Luyện tập thói quen giữ vệ sinh tốt cho trẻ để giúp các bé tránh được các bệnh lây truyền qua đường từ tay vào cơ thể. Dạy trẻ thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách với xà phòng, ngay sau khi hắt hơi, ngoáy mũi, đi chơi về, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đồ chơi, hoặc chơi với vật nuôi...
Ngoài ra, việc đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc,... cũng rất quan trọng. Mẹ nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để ánh nắng vào nhà. Bên cạnh đó, việc duy trì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, mẹ nên bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Theo đó, cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
- Trẻ ho dữ dội, cần phải làm gì?
- Làm thế nào để tăng sức đề kháng cho bé bị viêm tiểu phế quản?
- Dinh dưỡng phòng bệnh hô hấp cho trẻ em