Mục lục
Cứng khớp gối là một trong những tình trạng khớp gối khá phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc người mới trải qua thời gian dài bất động do bó bột hoặc dụng cụ chỉnh hình. Trong một số trường hợp nặng, cần thực hiện phẫu thuật tạo hình để điều trị cứng khớp gối sau chấn thương.
1. Đặc điểm cứng khớp gối sau chấn thương
Các nguyên nhân gây cứng khớp gối có thể kể đến:
- Chấn thương vùng khớp gối (tổn thương ở dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, sụn chêm, sụn khớp...)
- Do bó bột hoặc dùng dụng cụ chỉnh hình sau phẫu thuật khớp gối.
- Phẫu thuật thay khớp gối.
- Nhiễm trùng ở khớp gối.
Hiện tượng cứng khớp gối xảy ra khi các cơ khớp gặp vấn đề và xơ dính lại, co kéo cơ tứ đầu đùi. Đầu khớp bị co cứng khiến biên độ vận động khớp của người bệnh bị hạn chế. Người bệnh cũng không thể co hoặc duỗi thẳng gối như bình thường (mất chức năng gấp gối), đôi khi cảm thấy bị tê ở khớp đầu gối.
2. Trường hợp chỉ định và chống chỉ định
Tùy vào mức độ cứng khớp gối sau chấn thương mà phác đồ điều trị cho mỗi bệnh nhân một khác nhau. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ cần kiên trì tập phục hồi chức năng, một số trường hợp khác nặng hơn thì cần đến phẫu thuật.
Phẫu thuật khớp gối để điều trị cứng khớp gối sau chấn thương được chỉ định cho những trường hợp:
- Bệnh nhân có biên độ gấp gối < 100 độ.
- Bệnh nhân đã tập phục hồi chức năng nhưng thất bại.
Đồng thời, cũng chống chỉ định cho những trường hợp:
- Bệnh nhân mắc nhiễm trùng đang tiến triển.
- Khả năng cấp máu cho vùng gối và chi dưới của bệnh nhân kém.
3. Chuẩn bị trước mổ
Trước khi phẫu thuật tạo hình điều trị cứng khớp gối sau chấn thương, bệnh nhân và gia đình cần nắm rõ một số thông tin như sau:
- Ekip thực hiện: Bao gồm Chuyên gia phẫu thuật khoa chấn thương chỉnh hình và 2 phẫu thuật viên phụ mổ.
- Phương tiện, trang thiết bị mổ: Gồm bộ dụng cụ mổ phần mềm chi dưới, bộ dụng cụ mổ chấn thương chung.
- Công tác chuẩn bị: Người bệnh và gia đình cần chuẩn bị sẵn tâm lý thoải mái, nghe giải thích trước mổ về quy trình phẫu thuật, hậu phẫu và tập phục hồi chức năng sau mổ. Đặc biệt trước khi mổ, người bệnh cần phải nhịn ăn, vệ sinh vùng mổ, dùng kháng sinh dự phòng.
- Thời gian phẫu thuật dự kiến: 40 phút, thực hiện tại các cơ sở có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
4. Quy trình phẫu thuật
4.1. Các bước chuẩn bị
Bệnh nhân được yêu cầu nằm ở tư thế ngửa, xác định đã dùng kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật. Bác sĩ tiến hành vô cảm người bệnh bằng gây tê tủy sống hoặc gây mê.
4.2. Kỹ thuật
Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình điều trị cứng khớp gối sau chấn thương theo các bước sau:
- Bước 1: Sát trùng vùng cần mổ bằng dung dịch Betadine.
- Bước 2: Dùng dao rạch từ dưới mấu chuyển lớn đến cực trên bánh chè, đường mổ tùy thuộc vào vùng sẹo và xơ dính cũ.
- Bước 3: Rạch cơ căng mạc đùi dọc theo đường mổ.
- Bước 4: Tách khối dọc chỗ bám cơ rộng giữa và cơ rộng ngoài, giải phóng gân tứ đầu, xương bánh chè và mặt trước lồi cầu đùi.
- Bước 5: Gấp gối bệnh nhân và giải phóng chỗ bám của khối cơ rộng giữa và rộng ngoài hoặc thực hiện tạo hình kéo dài gân cơ thẳng đùi (nếu cần).
- Bước 6: Cầm máu, đặt ống dẫn lưu.
- Bước 7: Khâu đóng vết mổ.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nẹp bột với tư thế gối gấp 90 độ. Kể từ ngày thứ 2 sau mổ đã phải tập gấp gối thụ động.
5. Theo dõi và xử lý biến chứng hậu phẫu
Sau phẫu thuật, cần liên tục theo dõi tình trạng của người bệnh thông qua các chỉ số:
- Theo dõi toàn thân: Mạch, chỉ số huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, tri giác.
- Theo dõi tình trạng thiếu máu: quan sát da niêm mạc có nhợt nhạt?
- Theo dõi tình trạng chi thể: quan sát màu sắc da, vết thương.
- Hướng dẫn người bệnh tập luyện phục hồi chức năng sau mổ.
- Dùng kháng sinh đường tiêm 5-7 ngày sau mổ.
- Giảm đau sau mổ qua đường tiêm hoặc uống.
5.2. Tai biến và cách xử trí
Tương tự như mọi ca phẫu thuật khác, bên cạnh những lợi ích thì ca mổ cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro như:
- Chảy máu tại vết mổ: cần dùng băng chun ép cầm máu, có thể phải mở vết mổ để cầm máu nếu cần.
- Nhiễm khuẩn vết mổ: Tách chỉ vết mổ, vệ sinh và thay băng vết mổ hàng ngày, dùng thuốc theo kháng sinh đồ.
- Cứng gối sau phẫu thuật: Nếu sau 3 tháng tập phục hồi chức năng mà gối vẫn chưa gấp được 90 độ thì cần tập gấp gối có gây mê hoặc gây tê tủy sống.
Sau phẫu thuật, việc phục hồi chức năng sau chấn thương có vai trò quan trọng giúp người bệnh giảm cứng khớp gối và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống sinh hoạt bình thường. Đối với người cao tuổi, quá trình phục hồi chức năng cần nhiều thời gian hơn nên người nhà cần chú ý chăm sóc bệnh nhân sau mổ hiệu quả và đúng cách.
- Cần nẹp gãy mâm chày bao lâu để chân thẳng lại?
- Cứng khớp gối sau khi nẹp xương đùi liệu có thể chữa khỏi không?
- "Bí kíp 8K" độc quyền trong tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối P1