17-01-2024 11:15

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống cổ

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống cổ

Tổn thương lao cột sống cổ là tình trạng nhiễm trùng cột sống cổ do vi khuẩn lao gây ra. Lao cột sống cổ gây phá hủy đốt sống và đĩa đệm làm biến dạng cột sống cổ, áp xe và chèn ép tuỷ cổ. Giải ép tủy trong lao cột sống cổ khi đã hình thành áp xe lớn hoặc có tổn thương chèn ép tủy.

1. Lao cột sống cổ là gì?

Bệnh lao cột sống còn gọi là bệnh hủy xương cột sống do lao, là bệnh lý lao ngoài phổi, thường gặp nhất trong nhóm lao cơ xương khớp. Lao cột sống cổ là tình trạng viêm đốt sống, đĩa đệm vùng cổ do vi khuẩn lao.

Trong các bệnh lý lao ngoài phổi như lao màng não, lao màng bụng, lao thận thì lao hệ thống xương khớp chiếm khoảng 20% các trường hợp. Trong đó, lao cột sống luôn giữ vị trí hàng đầu trong lao xương khớp, chiếm từ 25 đến 87% tùy thời điểm thống kê và nghiên cứu. Tại Việt Nam, bệnh lao cột sống chiếm khoảng 65% các trường hợp lao hệ thống xương khớp.

Lao cột sống cổ đa số là tổn thương thứ phát, thường nhất là sau lao phổi. Vi khuẩn lao sau khi đi qua phổi hoặc hệ thống đường tiêu hóa sẽ đi theo đường máu hoặc đường bạch huyết đến lưu trú tại một bộ phận của hệ thống cơ xương khớp. Tổn thương lao cột sống cổ là do vi khuẩn lao đến khu trú gây huỷ xương ở cột sống cổ từ C1 đến C7.

2. Triệu chứng của lao cột sống cổ

2.1. Triệu chứng cơ năng

Dấu chứng cơ năng của lao cột sống cổ chủ yếu là đau:

  • Đau cố định tại chỗ ở vùng cột sống cổ bị tổn thương, đau một vị trí không thay đổi. Triệu chứng đau liên tục cả ngày đêm, đau tăng khi vận động, xoay cổ, giảm khi nghỉ ngơi; dùng thuốc giảm đau ít khi có hiệu quả.
  • Đau kiểu rễ thần kinh do tổn thương lao cột sống cổ gây chèn ép vào các nhánh của rễ thần kinh hay chèn ép tuỷ. Cơn đau lan dọc theo đường đi của rễ và dây thần kinh, lan xuống vai và gáy. Đau tăng lên khi ho, hắt hơi hay rặn mạnh.

Ngoài ra còn có thể có hội chứng nhiễm lao chung xuất hiện từ nhiều tháng như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều,...

tổn thương lao cột sống cổ
Triệu chứng tổn thương lao cột sống cổ là đau tại cột sống cổ

2.2. Triệu chứng thực thể

Khám lâm sàng bệnh nhân lao cột sống cổ có thể ghi nhận:

  • Triệu chứng toàn thân: dấu nhiễm lao như sốt, suy kiệt, phát hiện các tổn thương lao phối hợp trong lớn hơn 50% trường hợp (lao phổi, lao màng phổi, lao hạch,...).
  • Cột sống cổ cứng đờ, hạn chế các cử động gập, ngửa và xoay cổ do cơ hai bên cột sống cổ co cứng. Cột sống cổ không giãn ra khi cúi đầu xuống. Nếu gõ vào vùng gai sau của đoạn tổn thương lao cột sống cổ khiến bệnh nhân đau chói.
  • Lồi đốt sống cổ ra sau, có thể thấy rõ khi nhìn nghiêng và dùng ngón tay vuốt nhẹ dọc theo các gai sau từ dưới lên trên.
  • Áp xe do lao cột sống cổ có thể lồi ra phía trước ngay thành sau họng, được phát hiện khi khám họng, hoặc khối áp xe đi xuống đến hõm thượng đòn dọc theo các cơ cạnh cổ.
  • Các áp xe lạnh thường không đau, mềm, có thể vỡ ra chảy dịch vàng và bã đậu để lại các vết loét và lỗ dò dai dẳng khó lành.
  • Hội chứng chèn ép tuỷ: là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, do đốt sống cổ và đĩa đệm bị phá hủy nhiều, lún, di lệch và có xu hướng trượt ra phía sau chèn ép vào tủy cổ có thể gây tê dị cảm tay, yếu cơ cánh tay và nặng nhất là liệt tứ chi.

2.3. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm công thức máu có thể thấy tăng bạch cầu Lympho.
  • Tốc độ lắng máu (VS) tăng trong 95% trường hợp.
  • Test nội bì lao (IDR) dương tính trong 90% trường hợp.
  • X – quang cột sống cổ rất quan trọng trong chẩn đoán. Các dấu hiệu bao gồm: Có đĩa đệm hẹp so với các đoạn khác, thân xương đốt sống cổ bị nham nhở không đều, mờ mặt trên và phần trước tạo nên tổn thương hình chêm. Bên cạnh đó, mô mềm quanh đốt sống cổ mờ đậm hơn, không đồng nhất, có chỗ vôi hoá là hình ảnh của áp xe.
  • Chụp cắt lớp vi tính giúp phát hiện sớm tổn thương lao cột sống cổ.
  • Vi sinh: chọc kim hút dịch mủ cạnh cột sống cổ để xét nghiệm (soi trực tiếp, nhuộm Ziehl-Neelsen, nuôi cấy) có thể tìm thấy trực khuẩn lao.

3. Điều trị lao cột sống cổ

Trước đây, ở Việt Nam lao cột sống cổ là một thách thức điều trị. Hiện nay, với sự phát triển của y học, chúng ta đã đã tìm ra phương pháp chữa khỏi lao cột sống trong hầu hết trường hợp nếu được phát hiện sớm khi mà chưa xuất hiện biến chứng nghiêm trọng.

3.1. Điều trị nội khoa

  • Dùng thuốc kháng lao theo đúng phác đồ (uống hoặc tiêm). Bệnh nhân cần uống liên tục trong một khoảng thời gian, không được tự ý ngưng thuốc.
  • Có thể dùng phối hợp các loại thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau.
  • Phục hồi chức năng: nằm nghỉ ngơi trên giường cứng khoảng 4 đến 5 tuần, tránh mang vác vật nặng, tránh cử động cổ nhanh và đột ngột.
tổn thương lao cột sống cổ
Điều trị tổn thương lao cột sống cổ dùng thuốc kháng lao theo đúng phác đồ

3.2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống cổ cần thực hiện kịp thời. chỉ định của phẫu thuật bao gồm:

  • Tổn thương lao cột sống cổ có chèn ép tuỷ ( bởi ổ áp xe lớn, xương chết,...) gây liệt hoàn toàn hoặc không hoàn toàn tư chi.
  • Tổn thương lao cột sống cổ không gây liệt nhưng ổ áp xe lạnh lớn gây chèn ép thực quản và khí quản.

Đối tượng bệnh nhân áp dụng phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống cổ như:

  • Thể trạng yếu
  • Người cao tuổi, trẻ em
  • Tổn thương lao phối hợp của các cơ quan, nhất là khi lao phổi chưa điều trị ổn
  • Lao cột sống cổ trên người nhiễm HIV
  • Phụ nữ mang thai
  • Bệnh nhân không có điều kiện hoặc từ chối ghép xương, nẹp vít.

Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống cổ cần phối hợp với các biện pháp điều trị nội khoa, nhất là uống thuốc kháng lao đầy đủ. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế có chất lượng uy tín, chuyên môn để thăm khám và điều trị.

XEM THÊM:
  • Phẫu thuật giải ép tủy trong lao cột sống lưng
  • Lao cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Bệnh lao xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan