Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Đục thủy tinh thể là vấn đề về nhãn khoa thường gặp ở người cao tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh lý này.
1. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt, nằm bên trong con mắt, giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc và giúp lọc tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời. Thủy tinh thể ở người khỏe mạnh, không mắc các vấn đề về mắt thường trong suốt, các mặt cong và độ dày nằm trong giới hạn sinh lý.
Khi các phân tử protein không hòa tan bị tích lũy trong thủy tinh thể, cùng với vấn đề tuổi tác, thủy tinh thể bị đục dần, các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh, gây giảm thị lực. Đục thủy tinh thể nặng khi nó làm giảm thị lực của bệnh nhân xuống còn dưới 3/10.
Cho tới nay, phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Hiện kỹ thuật mổ Phaco (viết tắt của Phacoemulsification) đang được sử dụng rộng rãi để điều trị đục thủy tinh thể. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ dùng năng lượng từ đầu tuýp Phaco để tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục thành các mảnh nhỏ, hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ, sau đó đặt vào mắt một thủy tinh thể nhân tạo.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể Phaco có những ưu điểm như thời gian thực hiện nhanh, vết mổ nhỏ, không đau, không chảy máu, giúp thị lực phục hồi nhanh chóng, tỷ lệ biến chứng ít và có thể điều chỉnh được các tật khúc xạ.
2. Cần chuẩn bị gì khi phẫu thuật đục thuỷ tinh thể?
Chỉ định phẫu thuật đục thủy tinh thể sẽ phụ thuộc vào mức độ suy giảm thị lực của bệnh nhân. Nếu thị lực dưới 4/10 sẽ được xem xét thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, cần chú ý tới các yếu tố khác như tuổi tác, tính chất công việc, điều kiện sống,... của bệnh nhân để có chỉ định phù hợp.
Để tránh mất thời gian đi lại và tránh được những ảnh hưởng sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần chuẩn bị thật kỹ trước khi tiến hành thủ thuật. Một số lưu ý quan trọng gồm:
2.1 Kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm cần thiết
Sau khi được chẩn đoán đục thủy tinh thể và có chỉ định phẫu thuật, bệnh nhân cần được kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể là:
- Xét nghiệm máu: Cần nhịn đói vào buổi sáng trước khi lấy máu;
- Khám nội tổng quát, bao gồm cả điện tâm đồ. Tùy theo tình trạng bệnh lý toàn thân của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bổ sung;
- Siêu âm mắt, đo công suất giác mạc để tính công suất của thủy tinh thể nhân tạo.
Nếu các xét nghiệm cho kết quả bình thường, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân sử dụng loại thủy tinh thể nhân tạo phù hợp, hẹn lịch phẫu thuật Phaco. Với trường hợp bệnh nhân bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường,... thì bác sĩ sẽ cho điều trị ổn định các bệnh lý trên trước khi thực hiện mổ đục thủy tinh thể.
2.2 Chuẩn bị trước khi vào phòng phẫu thuật
- Mang theo đầy đủ hồ sơ khám bệnh và giấy tờ cá nhân cần thiết;
- Bệnh nhân nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Tắm rửa, gội đầu, cắt tóc;
- Đọc kỹ các cam kết phẫu thuật, hỏi và giải đáp các thắc mắc trước khi ký cam kết phẫu thuật;
- Giải quyết các nhu cầu cá nhân và vệ sinh vùng mặt theo hướng dẫn;
- Bác sĩ xem lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, đo mạch, huyết áp, bơm rửa lệ đạo, thử test xem có bị dị ứng thuốc hay không, kiểm tra tổng trạng để đảm bảo người bệnh đủ điều kiện sức khỏe cho cuộc phẫu thuật.
2.3 Lưu ý trong và sau khi thực hiện phẫu thuật
- Người bệnh được mặc quần áo vô trùng, đánh dấu mắt;
- Uống thuốc, sát khuẩn da quanh mắt sẽ phẫu thuật. Sau khi sát khuẩn da, người bệnh không được chạm tay vào vùng da đã được sát khuẩn;
- Khi nhỏ thuốc tế, bệnh nhân cần thư giãn, có thể nhắm hờ hoặc mở mắt còn lại;
- Người bệnh nên thực hiện theo yêu cầu của bác sĩ trong suốt quá trình phẫu thuật. Cụ thể, bệnh nhân cần thư giãn và thả lỏng người, tránh cử động mắt và cử động mạnh toàn thân khi đang thực hiện thủ thuật;
- Sau khi phẫu thuật kết thúc, mắt sẽ được tra thuốc mỡ kháng sinh, băng mắt lại và bệnh nhân sẽ được xuất viện ngay sau đó;
- Ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn thức ăn mềm, tránh các chất kích thích, uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và nên đi ngủ sớm;
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Nếu có các dấu hiệu như mi mắt bị phù, mắt cộm và chói, xuất huyết trên lòng trắng, lòng đen có đám phù đục, đau nhức mắt, nhìn mờ nhanh, mắt đỏ nhiều, nhìn thấy chớp sáng, chảy nước mắt nhiều và liên tục,... cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra, xử trí.
Nếu không có các bệnh tại mắt khác thì sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, có khoảng 95% bệnh nhân sẽ có thị lực trên 5/10. Ngoài khả năng cải thiện thị lực, phương pháp phẫu thuật này còn giúp cải thiện khả năng nhận biết màu sắc, khả năng lao động, di chuyển, lái xe, khả năng đọc và nhìn gần,... cho bệnh nhân.
- Những biến chứng thường gặp của mổ đục thủy tinh thể
- Thông tin về bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô)
- Mổ đục thuỷ tinh thể (cườm khô) ở mắt phải kiêng quan hệ tình dục bao lâu?