Mục lục
Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ là những bệnh lý rối loạn giấc ngủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại hậu quả về sau. Để điều trị và xử lý triệt để tình trạng này, nhiều người đã lựa chọn phương án chỉnh hình màn hầu lưỡi gà thông qua phẫu thuật.
1. Tình trạng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ
Đặc điểm và cơ chế hoạt động của màn hầu, lưỡi gà
Không khí khi được đưa đến sau họng sẽ phải đi qua một đoạn hẹp tăng vận tốc trước khi vào đến khí quản và phổi. Sự gia tăng vận tốc này là do cơ hoành co lại tạo nên một áp lực âm kéo màn hầu và lưỡi gà mềm về phía sau. Quá trình thở ra thở vào sẽ tạo ra rung động của lưỡi gà và màn hầu, tạo ra âm thanh ngáy. Khi há miệng soi trước gương, ta có thể nhìn thấy hình ảnh màn hầu và lưỡi gà giống như giọt nước đính vào.
Chứng ngủ ngáy diễn ra khá phổ biến ở nhiều người, biểu hiện ở việc người bệnh thường phát ra âm thanh từ đường thở trong lúc ngủ. Độ lớn của âm ngáy khác nhau tùy từng người, từng thời điểm. Ngủ ngáy đơn thuần thường không gây hại, tuy nhiên ở mức độ nặng hơn thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Đối tượng nguy cơ
- Đàn ông có nguy cơ ngáy cao hơn phụ nữ.
- Thường gặp ở người lớn, chiếm khoảng 5% dân số.
- Người lớn tuổi (trên 60 tuổi) dễ ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ do trương lực cơ giảm.
- Người có màn hầu dày, lưỡi gà dài, vẹo vách ngăn mũi, hàm dưới ít phát triển (còn gọi là cằm lẹm).
- Trẻ em bị amidan vòm quá phát.
- Phụ nữ có thai (đặc biệt 3 tháng cuối) cũng dễ ngủ ngáy do tăng trọng lượng.
2. Hướng điều trị màn hầu lưỡi gà
Điều trị ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ bao gồm nhiều phương pháp khác nhau: Thông qua luyện tập, thực hiện chế độ dinh dưỡng, giảm cân hợp lý; đổi tư thế nằm ngủ sang nằm nghiêng; dùng thuốc chống sung huyết (thuốc co mạch) để trị tắc mũi; thuốc kháng histamin chống dị ứng; mang hàm nhựa lúc ngủ và thở CPAP (áp lực dương liên tục). Cuối cùng nếu trường hợp bệnh nghiêm trọng và cần điều trị dứt điểm, bác sĩ có thể gợi ý bệnh nhân thực hiện phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà như sau:
2.1. Phẫu thuật tiêu chuẩn
Trước đây, phẫu thuật màn hầu lưỡi gà, họng đa phần cắt bỏ rộng lưỡi gà, màn hầu, kể cả amidan, để làm cho vùng họng thông thoáng hơn. Tuy nhiên loại phẫu thuật cổ điển hiện nay ít được dùng do gây đau nhiều sau khi thực hiện, có thể gây hở màn hầu làm bệnh nhân dễ bị sặc lên mũi khi ăn, rối loạn cảm giác họng kéo dài... Ngày nay, với kỹ thuật tân tiến nhiều bệnh nhân lựa chọn phương pháp chỉnh hình màn hầu lưỡi gà, họng cải tiến hơn. Ưu điểm của phương pháp này là chỉ can thiệp tối thiểu vào vùng màn hầu, quy trình thực hiện ít đau và ít di chứng hơn. Ở trẻ em, cắt amidan và nạo VA được xem như một biện pháp trước tiên để điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ.
2.2. Phẫu thuật bằng laser
Là hình thức chỉnh hình màn hầu lưỡi gà bằng tia Laser CO2. Chủ yếu dùng để điều trị cho những bệnh nhân ngáy đơn thuần, không bị ngưng thở khi ngủ. Dạng phẫu thuật này ít đau và ít có biến chứng hơn.
2.3. Phẫu thuật bằng sóng cao tần
Đây là phương pháp sử dụng sóng cao tần làm xơ hóa màn hầu. Ưu điểm là kỹ thuật đơn giản, ít gây đau, có thể tiến hành dưới gây tê, và thực hiện nhiều lần nếu cần.
2.4. Cấy trụ màn hầu
Cấy trụ màn hầu là kỹ thuật đưa 3 trụ làm bằng nhựa đặc biệt vào dưới cơ màn hầu để nâng đỡ cho màn hầu, qua đó làm giảm rung động màn hầu, giảm ngáy. Tuy nhiên nhược điểm là hiệu quả đang ở mức trung bình và giá thành cao.
3. Quy trình chỉnh hình màn hầu lưỡi gà tiêu chuẩn
Mục tiêu của phẫu thuật là mở rộng khoảng thở vùng họng, miệng bằng cách cắt bỏ phần mô mềm thừa ở màn hầu và thành bên họng (có thể cắt thêm amidan). Phẫu thuật này có thể sử dụng laser để tạo sẹo màn hầu giúp giảm rung màn hầu, làm giảm ngáy.
3.1. Chỉ định và chống chỉ định
Trường hợp chỉ định
- Bệnh nhân bị ngủ ngáy.
- Bệnh nhân bị hội chứng tắc nghẽn đường thở.
Trường hợp chống chỉ định
- Hở màn hầu.
- Trường hợp màn hầu không phải là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn.
- Rối loạn đông máu.
- Bệnh phổi mạn tính.
3.2. Chuẩn bị trước phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà, bệnh nhân và gia đình cần nắm rõ một số thông tin như sau:
- Ekip thực hiện: Bao gồm bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng đã được đào tạo phẫu thuật chuyên môn và phụ tá (nếu cần).
- Phương tiện, trang thiết bị mổ: Gồm bộ dụng cụ phẫu thuật đầu cổ; dao điện, đông điện đơn - lưỡng cực; bộ Laser CO2 và tay cầm (nếu có).
- Công tác chuẩn bị: Người bệnh và gia đình nên giữ tâm lý thoải mái, nghe giải thích trước mổ về quy trình chỉnh hình màn hầu lưỡi gà. Đặc biệt trước khi mổ, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm cơ bản cho phép phẫu thuật; khám tai-mũi-họng, răng hàm mặt.
3.3. Quy trình phẫu thuật
Chuẩn bị: Bệnh nhân được yêu cầu nằm ở tư thế nằm thẳng, đầu đặt ngửa như trong phẫu thuật cắt amidan. Bác sĩ tiến hành vô cảm người bệnh bằng gây mê toàn thân.
Bước 1: Dùng dụng cụ mở miệng Davis để bộc lộ vùng họng, màn hầu.
Bước 2: Kéo lưỡi gà ra trước và lên trên, tiến hành cắt niêm mạc bắt đầu từ đường giữa, lên phía trên lưỡi gà, đi ngang ra phía ngoài rồi vòng xuống phía đáy lưỡi.
Bước 3: Sau khi cắt niêm mạc ở mặt trong miệng, cắt sang cơ lưỡi gà. Lưu ý: niêm mạc phía sau được cắt thấp hơn một chút để tạo thành vạt niêm mạc, có thể quay, khâu phủ lên cơ màn hầu. Cắt bỏ niêm mạc thừa ngay thành bên họng ở trụ sau amidan, cùng với niêm mạc màn hầu.
Bước 4: Cầm máu và khâu phục hồi, khâu đính cơ họng - màn hầu và cơ lưỡi - màn hầu với nhau.
3.4. Theo dõi và xử lý biến chứng
Tương tự như mọi ca phẫu thuật khác, mặc dù không phức tạp nhưng phẫu thuật chỉnh hình màn hầu lưỡi gà cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro như:
- Chảy máu tại vết mổ
- Nhiễm khuẩn vết mổ
- Suy màn hầu do cắt quá rộng
Nếu thấy những dấu hiệu bất thường sau hậu phẫu, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ để được xử lý và chăm sóc kịp thời. Để quá trình hồi phục nhanh hơn, bệnh nhân có thể được gợi ý dùng kháng sinh phổ rộng, thuốc chống viêm, chống phù nề, giảm đau. Đặc biệt cần chú ý vệ sinh vùng họng, miệng hợp lý; ăn mềm và nguội trong ít nhất 10 ngày.
- Điều trị thiếu lưỡi gà bẩm sinh như thế nào?
- Thở bằng miệng có sao không?
- Các bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn