Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Một trong những kỹ thuật hỗ trợ đắc lực, giúp các bác sĩ sản khoa theo dõi thai kỳ của các mẹ bầu một cách chính xác và an toàn nhất chính là siêu âm thai.
Trong suốt thai kỳ, kỹ thuật siêu âm thai cơ bản có thể tiến hành tại nhiều thời điểm khác nhau để có thể đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng. Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thì kỹ thuật siêu âm dị tật thai nhi đã trở nên rất phổ biến, mẹ có thể lựa chọn siêu âm 2D, siêu âm 3D hay siêu âm thai 4D tùy vào từng mốc quan trọng khác nhau.
Siêu âm thai cơ bản là công cụ chẩn đoán hình ảnh, giúp ghi lại những bất thường về hình ảnh thai nhi, do đó, siêu âm thai cơ bản chỉ giúp khảo sát bất thường về hình thái chứ không khảo sát được bất thường về chức năng. Ví dụ, các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, điếc bẩm sinh hay bất thường về máu thì siêu âm dị tật thai nhi không thể nào thể hiện được.
Hiện nay, có rất nhiều dị tật thai nhi có thể phát hiện được thông qua siêu âm dị tật thai nhi. Bao gồm bất thường về hệ thần kinh, bất thường về đầu mặt cổ như sứt môi, hở hàm ếch, tật cằm nhỏ, bất thường về hệ thống lồng ngực, chẳng hạn như các bệnh lý về phổi, nang tuyến phổi bẩm sinh, bất thường về thành bụng của thai nhi (tắc ruột, hẹp lòng ruột), bất thường về tứ chi (cụt chi, ngắn chi, thừa ngón, thiếu ngón...), bất thường về hệ tạo xương (loạn sản xương, bất sản sụn...).
Đặc biệt, những năm gần đây thì các nhà khoa học để chú ý nhiều đến bất thường về tim của thai nhi, ghi nhận có khoảng 40% dị tật thai nhi có liên quan đến tim, đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm ra được các căn bệnh tim bẩm sinh và đã cứu sống được rất nhiều em bé, ngay cả khi còn trong bụng mẹ.
- 10 lợi ích của đẻ thường, bạn cần biết để cân nhắc nếu muốn đẻ mổ
- Ý nghĩa của siêu âm trong sản khoa
- Tổng quan đầy đủ về siêu âm thai nhi