Mục lục
- 1. 1. Ợ hơi là gì?
- 2. 2. Nguyên nhân nào gây ra chứng ợ hơi?
- 3. 3. Ợ hơi quá mức có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư không?
- 4. 4. Các nguyên nhân khác của ợ hơi liên tục trong ngày
- 5. 5. Ợ hơi quá mức giúp chẩn đoán ung thư như thế nào?
- 6. 6. Điều trị ợ hơi quá mức là gì?
- 7. 7. Hậu quả của việc để lại chứng ợ hơi không được điều trị là gì?
- 8. Đánh giá
Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Ợ hơi quá mức có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư, bao gồm thực quản, tuyến tụy và dạ dày. Tuy nhiên, phần lớn ợ hơi liên tục trong ngày thường không nghiêm trọng, có thể điều trị được. Trong trường hợp bạn bị ợ hơi quá mức kèm theo các triệu chứng bất thường, hãy đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
1. Ợ hơi là gì?
Ợ hơi là từ dùng để chỉ hành động giải phóng không khí từ dạ dày qua đường miệng. Đó là một cách để cơ thể loại bỏ không khí thừa từ hệ tiêu hóa của bạn. Không khí bạn thải ra có chứa oxy, carbon dioxide và nitơ.
2. Nguyên nhân nào gây ra chứng ợ hơi?
Ợ hơi xảy ra do nuốt phải không khí khi:
- Ăn quá nhanh
- Uống quá nhanh
- Uống nhiều đồ uống có ga
- Hút thuốc
- Nhai kẹo cao su
Ợ hơi thường kèm theo đầy hơi hoặc chướng bụng và thường không phải là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng.
3. Ợ hơi quá mức có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư không?
Thông thường, ợ hơi không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư. Tuy nhiên, khi bị ợ hơi quá nhiều xuất hiện cùng với các triệu chứng khác, nó có thể là một nguyên nhân đáng lo ngại.
Các triệu chứng kèm theo cần theo dõi khi bị ợ hơi quá mức bao gồm:
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Ăn mất ngon
- Có vấn đề với nuốt
- Cảm thấy no nhanh chóng
- Ợ nóng
- Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường
Những triệu chứng này kèm theo ợ hơi liên tục trong ngày có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư, bao gồm:
- Ung thư dạ dày
- Ung thư thực quản
- Bệnh ung thư tuyến tụy
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên cùng với ợ hơi quá mức, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thích hợp.
4. Các nguyên nhân khác của ợ hơi liên tục trong ngày
Ợ hơi quá mức không phải lúc nào cũng có do bệnh ung thư. Các nguyên nhân khác của ợ hơi quá mức bao gồm:
- Thức ăn: Một số loại thức ăn và đồ uống cũng có thể khiến bạn bị ợ hơi liên tục trong ngày. Chúng bao gồm đồ uống có ga, rượu và thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường hoặc chất xơ gây ra khí. Các loại thực phẩm gây ợ hơi là đậu, đậu lăng, bông cải xanh, hành, cải bắp, súp lơ trắng, chuối, nho khô, bánh mì nguyên cám.
- Nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori): H. pylori là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa. Đôi khi, nó có thể tấn công niêm mạc dạ dày. Điều này gây ra các triệu chứng khó chịu, bao gồm ợ hơi quá mức hoặc loét dạ dày.
- Hội chứng meganblase: Đây là một chứng rối loạn hiếm gặp khi nuốt phải một lượng lớn không khí sau bữa ăn.
- Aerophagia: Aerophagia là tình trạng nuốt không khí quá mức lặp đi lặp lại. Nuốt thêm không khí có thể gây khó chịu ở bụng, đầy hơi và ợ hơi nhiều để tống khí ra ngoài. Nó cũng có thể xảy ra khi: Nói chuyện và ăn cùng một lúc, nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng, uống qua ống hút, hút thuốc, thở bằng mũi.
- Viêm dạ dày: Viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm H. pylori, kích thích niêm mạc mỏng của dạ dày bởi dịch tiêu hóa hoặc uống quá nhiều rượu.
- Trào ngược axit: Trào ngược axit xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây đau rát. Ợ chua là một triệu chứng của trào ngược axit.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): GERD là một loại trào ngược axit mãn tính. Nếu bạn có các triệu chứng của trào ngược axit hơn hai lần một tuần, có khả năng bạn đã bị GERD. Nếu không được điều trị, GERD có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm thực quản, ung thư thực quản và hen suyễn.
- Do thuốc: Một số loại thuốc khác nhau có thể dẫn đến chứng ợ hơi hoặc các rối loạn gây ra chứng ợ hơi. Chúng có thể bao gồm thuốc tiểu đường loại 2, thuốc nhuận tràng, thuốc giảm đau. Sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có thể gây ra viêm dạ dày, một tình trạng dẫn đến chứng ợ hơi.
5. Ợ hơi quá mức giúp chẩn đoán ung thư như thế nào?
Khi bạn bị ợ hơi quá mức kèm theo các triệu chứng đáng lo ngại khác, nó có thể hữu ích trong việc chẩn đoán các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư. Hãy nhớ rằng, ợ hơi liên tục trong ngày không đồng nghĩa với việc bạn mắc bệnh ung thư.
Để chẩn đoán các tình trạng liên quan đến ợ hơi quá mức (bao gồm cả ung thư), bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm sau:
- Chụp cắt lớp vi tính: Kỹ thuật chụp CT scan sẽ cho hình ảnh cắt ngang của một khu vực cụ thể của cơ thể. Khi chụp CT bụng, bạn có thể nhìn thấy tất cả các cơ quan trong vùng bụng của mình.
- Nội soi đường tiêu hoá: Trong quy trình này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng, nhẹ vào miệng và xuống thực quản khi bạn đang dùng thuốc an thần. Sau đó, bác sĩ có thể nhìn vào dạ dày của bạn và lấy sinh thiết nếu cần.
- Chụp X quang đường tiêu hóa cản quang: Kỹ thuật chẩn đoán này được thực hiện sau khi bạn uống chất cản quang baryt, loại thuốc này tăng độ tương phản trong đường tiêu hóa của bạn.
6. Điều trị ợ hơi quá mức là gì?
Việc điều trị chứng ợ hơi quá mức sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân. Khi chứng ợ hơi do nguyên nhân không nghiêm trọng, thay đổi lối sống thường là tất cả những gì cần thiết để loại bỏ nó. Những thay đổi này có thể bao gồm:
- Đi dạo sau khi ăn
- Tránh đồ uống có ga và kẹo cao su
- Cố gắng ăn và uống chậm hơn
Nếu chứng ợ hơi quá mức của bạn liên quan đến chẩn đoán ung thư, các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Phẫu thuật
- Hóa trị liệu
- Bức xạ đến khu vực bị ảnh hưởng
Phương pháp điều trị bạn nhận được sẽ phụ thuộc vào bệnh ung thư cũng như sức khỏe tổng thể.
7. Hậu quả của việc để lại chứng ợ hơi không được điều trị là gì?
Ợ hơi bình thường không cần điều trị và không có biến chứng. Tuy nhiên, nếu tình trạng ợ hơi trở nên thường xuyên hơn do vấn đề về hệ tiêu hóa thì có thể các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn nếu không được điều trị. Bạn cũng có thể bắt đầu gặp các triệu chứng khác cho đến khi vấn đề được chẩn đoán và điều trị.
Tóm lại, ợ hơi quá mức có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư, bao gồm thực quản, tuyến tụy và dạ dày. Tuy nhiên, phần lớn ợ hơi quá nhiều thường không nghiêm trọng, có thể điều trị được. Trong trường hợp bạn bị ợ hơi quá mức kèm theo các triệu chứng bất thường, hãy đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Tài liệu tham khảo:
- Holly E, et al. (2004). Signs and symptoms of pancreatic cancer: A population-based case-control study in the San Francisco Bay area. DOI: 10.1016/S1542-3565(04)00171-5
- Stomach (gastric) cancer symptoms. (n.d.). mskcc.org/cancer-care/types/stomach-gastric/symptoms
- Symptoms of stomach cancer. (2019). nhs.uk/conditions/stomach-cancer/
- Tình trạng phát triển các bệnh lý tiêu hóa trong dân số nhiễm H.Pylori
- Vai trò của H.Pylori trong các bệnh lý toàn thân
- Bị ợ hơi liên tục là bệnh gì?