Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trẻ thường bú để làm dịu bản thân, đây cũng là lý do vì sao nhiều trẻ sơ sinh phụ thuộc vào núm vú giả hoặc ngón tay khi chúng không bú sữa mẹ hoặc bú bình. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng việc cho trẻ sử dụng núm vú giả có thể ảnh hưởng đến răng cũng như quá trình cho con bú.
1. Lợi ích của núm vú
Dưới đây là một số lợi ích mà núm vú giả có thể đem lại cho cả mẹ và bé, bao gồm:
- Giảm nguy cơ SIDS: việc cho trẻ sử dụng núm vú giả trong những giấc ngủ ngắn hoặc vào ban đêm có thể ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Mặc dù không biết chắc chắn chúng hoạt động như thế nào, nhưng nếu bạn cho bé ngậm núm vú giả trong khi ngủ sẽ làm giảm hơn một nửa nguy cơ SIDS.
- Đáp ứng phản xạ bú: trẻ sơ sinh thường có nhu cầu bú tự nhiên. Trong khi đó, bình sữa và vú sữa mẹ có thể đáp ứng được nhu cầu này, tuy nhiên ham muốn của trẻ có thể kéo dài ngay cả khi chúng đã no bụng. Trong tình huống này, mẹ có thể cho bé ngậm núm vú giả ngoài giờ ăn.
- Giúp bé tự làm dịu mình: núm vú giả có thể giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, thư giãn và cảm thấy an toàn hơn. Sự thoải mái nãy sẽ giúp mang lại lợi ích nhân đôi: khi con bình tĩnh hơn cũng giúp cha mẹ cảm thấy thư giãn hơn.
2. Rủi ro khi sử dụng núm vú cho trẻ
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật mà núm vú giả mang lại, chúng đồng thời cũng tồn tại một số mặt hạn chế nhất định, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến việc cho con bú: nuôi con bằng sữa mẹ là một quá trình tự nhiên, tuy nhiên sẽ phải mất khoảng một thời gian nhất định để con có thể làm quen dần với điều này. Đối với trẻ sơ sinh, bạn không nên cho bé sử dụng núm vú giả quá sớm, thay vào đó hãy để bé học được cách bú sữa mẹ đúng cách trước, ít nhất là sau một tháng tuổi.
- Các vấn đề về tai: theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc cho trẻ sơ sinh sử dụng núm vú giả có thể là tăng gấp đôi khả năng bị nhiễm trùng tai so với những đứa trẻ khác.
- Các vấn đề về răng: một số cha mẹ lo lắng về việc sử dụng núm vú giả có thể ảnh hưởng đến răng sữa của con. Bạn không nên cho trẻ sử dụng núm vú giả lâu dài (trước khi 2 tuổi), hơn nữa bất kỳ vấn đề nào về răng sẽ tự khắc phục được trong vòng 6 tháng. Từ 2 tuổi trở đi, nếu tiếp tục cho bé sử dụng núm vú giả sẽ khiến cho các vấn đề về răng trở nên nghiêm trọng hơn. Răng cửa bên trên và bên dưới của trẻ có thể bị mọc nghiêng.
3. Một số mẹo khi cho trẻ sử dụng núm vú
Nếu bạn muốn cho con sử dụng núm vú giả, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để đảm bảo an toàn và ngăn ngừa một số rủi ro liên quan đến sức khỏe đối với bé, bao gồm:
- Tuyệt đối không sử dụng các nhãn hiệu có chứa bisphenol-A (BPA)- một hợp chất được dùng rộng rãi trong việc sản xuất đồ nhựa. Hợp chất này có thể làm hỏng men răng của trẻ nhỏ, thậm chí làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý sau này như bệnh tiểu đường, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, béo phì, rối loạn sinh sản,...
- Không buộc núm vú vào cổ của bé vì có thể khiến trẻ bị nghẹt thở do dây buộc
- Lựa chọn các loại núm vú đúng kích cỡ, phù hợp với độ tuổi và miệng của trẻ
- Không cho trẻ sử dụng chung núm vú giả vì có thể gây lây nhiễm vi khuẩn thông qua đường miệng. Ngoài ra, bạn nên vệ sinh núm vú sạch sẽ bằng xà phòng và nước nóng trước khi cho trẻ ngậm.
- Chọn núm vú có tấm chắn lớn hơn miệng và có lỗ thông gió để cho không khí đi vào.
- Không bôi bất cứ thứ gì lên núm vú giả khi cho trẻ sử dụng, chẳng hạn như đường có thể làm hỏng răng của bé.
- Nếu trẻ đang sử dụng núm vú giả và đã bị nhiễm trùng tai, bạn nên dừng cho trẻ sử dụng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
- Tháng thứ 5 sau khi bé chào đời
- Công dụng thuốc Effer Paralmax 250
- Tháng thứ 7 sau khi bé chào đời