Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh nổi mề đay là một tình trạng sức khỏe phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường gây ra các nốt sần hoặc vùng da tấy đỏ ở nhiều bộ phận trên cơ thể, đem lại cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu cho các bé. Bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ thường tự hết sau vài ngày mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, đối với bệnh mề đay mãn tính, kéo dài hơn 6 tuần, trẻ có thể cần đến sự can thiệp của các biện pháp điều trị bệnh.
1. Nổi mề đay ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ là một tình trạng phát triển các nốt sần và vùng sưng tấy trên da mà không rõ lý do. Những vùng da nổi lên này có thể đỏ và sưng tấy, sau đó biến mất trong vòng vài giờ, nhưng chúng cũng có thể tái phát sau vài tuần hoặc vài tháng.
Khi bé bị nổi mề đay thường cảm thấy rất ngứa và khó chịu. Các nốt phát ban khác ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện tương tự như mề đay. Nổi mề đay thường xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng, nhiễm trùng, ong đốt hoặc vết cắn của bọ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc kháng histamine để điều trị nổi mề đay.
2. Nguyên nhân gây ra nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Nổi mề đay là một triệu chứng phổ biến của phản ứng dị ứng, nhưng đôi khi chúng cũng có thể xảy ra do cơ thể trẻ bị nhiễm vi rút. Bệnh mề đay ở trẻ nhỏ có xu hướng phát triển trong vòng 2 giờ sau khi trẻ tiếp xúc với chất gây dị ứng. Dưới đây là một số nguyên nhân chính kích hoạt tình trạng nổi mề đay ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Cơ thể trẻ bị nhiễm vi rút đường hô hấp (chẳng hạn như cảm lạnh), các loại virus khác, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm họng liên cầu khuẩn. Những nốt mề đay do nhiễm trùng thường kéo dài trong 1 – 2 tuần.
- Thực phẩm và đồ uống: Những thực phẩm dễ gây dị ứng nhất, bao gồm trứng, sữa, đậu phộng, các loại hạt cây (như quả óc chó, quả hồ đào hoặc hạnh nhân), lúa mì, đậu nành, cá, động vật có vỏ, chất phụ gia và chất bảo quản thực phẩm. Bé bị nổi mề đay có thể do dị ứng với những loại thực phẩm trên. Thậm chí, một số em bé bị nổi mề đay chỉ cần xảy ra sự tiếp xúc với các loại thực phẩm, chẳng hạn như nước ép dâu tây dính vào da.
- Các loại thuốc: Những loại thuốc thường gây ra bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ, bao gồm thuốc sulfa, aspirin, penicillin và ibuprofen. Ngoài ra, các loại thuốc nhỏ mắt và tai, thuốc nhuận tràng hay bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào khác cũng có thể trở thành tác nhân gây nổi mề đay ở trẻ nhỏ.
- Các chất gây dị ứng: Bao gồm lông động vật, nấm mốc, bụi và phấn hoa trong không khí. Những yếu tố này có thể gây nổi mề đay do phản ứng với chất gây dị ứng khi trẻ vô tình tiếp xúc phải.
- Bị côn trùng cắn hoặc đốt: Khi bé bị côn trùng, chẳng hạn như ong hoặc kiến lửa cắn và đốt có thể dẫn đến tình trạng nổi mề đay.
- Nhiệt độ môi trường: Bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ có thể xảy ra khi nhiệt độ môi trường bị thay đổi đột ngột, hoặc môi trường quá nóng hay quá lạnh.
3. Các triệu chứng phổ biến của bệnh nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Khi bé bị nổi mề đay thường có các triệu chứng chung sau đây:
- Xuất hiện các vết sưng hoặc mảng nổi trên da với các kích thước khác nhau, có thể là màu đỏ hoặc hồng với vùng trung tâm màu trắng, được gọi là các nốt mề đay.
- Trẻ bị sưng hoặc ngứa da
- Da châm chích hoặc nóng rát
Các nốt mề đay ở trẻ nhỏ có thể trông giống như vết cắn của côn trùng. Chúng có thể tập trung ở một vị trí nhất định trên cơ thể trẻ sơ sinh hoặc lây lan khắp cơ thể. Các nốt mề đay có kích thước từ nửa inch cho đến vài inch.
Các vị trí nổi mề đay ở trẻ sơ sinh thường là ở mặt, chân, tay và bộ phận sinh dục, tuy nhiên chúng cũng có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác trong một số trường hợp nhất định. Các nốt mề đay có thể biến mất ở vị trí ban đầu, sau đó xuất hiện ở một bộ phận khác trên cơ thể trẻ chỉ sau một thời gian ngắn.
Bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ có thể xảy ra trong những khoảng thời gian khác nhau. Nổi mề đay cấp tính thường kéo dài từ vài giờ cho đến vài tuần. Đôi khi, bệnh có thể kéo dài lên đến hơn 6 tuần, lúc này chúng được gọi là nổi mề đay mãn tính.
Khi bé bị nổi mề đay có thể ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác ngoài bề mặt da, với các triệu chứng phổ biến như buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, nổi mề đay cũng có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh, cụ thể là sốc phản vệ.
Mặc dù tình trạng sốc phản vệ không xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng đây là một phản ứng rất nghiêm trọng, có thể khiến trẻ bị khó thở, mất ý thức, sưng họng cùng một số triệu chứng đáng chú ý khác. Thông thường, hầu hết các tình trạng sốc phản vệ đều cần được điều trị y tế ngay lập tức.
4. Điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ sơ sinh
Khi bé bị nổi mề đay, bạn cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng của bé và cần trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ bằng thuốc
Các loại thuốc kháng histamine đường uống không cần kê đơn, chẳng hạn như cetirizine (Zyrtec) và diphenhydramine (Benadryl), có thể được sử dụng để điều trị nổi mề đay ở trẻ sơ sinh. Những loại thuốc này có thể làm dịu sự giải phóng histamine trong cơ thể trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tư vấn cho bạn về những loại thuốc điều trị nổi mề đay an toàn và không an toàn dành cho trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ có thể cần sử dụng thuốc kháng histamine khoảng vài lần trong một ngày và liên tiếp trong nhiều ngày để làm giảm các triệu chứng nổi mề đay khó chịu.
Đôi khi, thuốc steroid cũng có thể được sử dụng nếu bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ không đáp ứng với thuốc kháng histamine. Trong trường hợp, nổi mề đay gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, đóng cổ họng hoặc thở khò khè ở trẻ, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là biểu hiện của tình trạng sốc phản vệ, rất nguy hiểm cho tính mạng của bé.
Một số biện pháp khắc phục tại nhà
Việc điều trị bệnh nổi mề đay ở trẻ nhỏ có thể được thực hiện ngay tại nhà bạn. Nổi mề đay thường tự khỏi trong vài ngày và không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào khác.
Bạn có thể điều trị bệnh nổi mề đay cho trẻ tại nhà bằng các cách sau:
- Giữ trẻ tránh xa bất cứ tác nhân nào có thể gây nổi mề đay.
- Chườm mát giúp làm dịu cảm giác khó chịu do nổi mề đay
- Cho bé mặc quần áo rộng và thoải mái
- Sử dụng kem bôi làm mát da không kê đơn cho trẻ
- Tắm nước mát cho bé để rửa sạch các chất gây dị ứng nếu bệnh nổi mề đay ở trẻ do lông động vật hoặc phấn hoa gây ra.
5. Bé bị nổi mề đay: Khi nào cần gọi bác sĩ?
Bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu bé có các triệu chứng do nổi mề đay sau đây:
- Nổi mề đay kèm theo các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, thay đổi huyết áp hoặc ngất xỉu (các dấu hiệu của sốc phản vệ)
- Trẻ ho khan
- Sốt hoặc các triệu chứng giống cúm khác. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Nôn mửa
- Nổi mề đay trên nhiều bộ phận của cơ thể trẻ
- Nổi mề đay kéo dài trong nhiều ngày không khỏi
- Bé bị nổi mề đay tái phát thường xuyên
- Bé bị nổi mề đay sau khi tiếp xúc với thực phẩm
Nguồn tham khảo: babycenter.com
- Trẻ sau khi tiêm vắc xin Pfizer buồn nôn rét run kèm thở gấp dấu hiệu gì?
- Xử trí và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc gây tê
- Người dị ứng kháng sinh sốc phản vệ có tiêm ngừa Covid được không?