Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Khánh Nam - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Với những ưu điểm vượt trội, niềng răng trong suốt đang là lựa chọn của nhiều người thay vì niềng răng truyền thống. Nhổ răng khi niềng răng trong suốt được chỉ định trong những trường hợp thực sự cần thiết. Bởi hiện nay có nhiều phương pháp khác cung cấp khoảng trống khả quan như cắt kẽ, di xa toàn hàm, nong rộng cung hàm.
1. Niềng răng trong suốt
Niềng răng trong suốt (niềng răng không mắc cài Invisalign) là kỹ thuật niềng răng hiện đại với quy trình chế tác và sản xuất thực hiện 100% tại Mỹ. Công nghệ niềng răng không mắc cài Invisalign đáp ứng được nhu cầu của hầu hết những người niềng răng như: Quy trình và thời gian niềng được rút gọn hơn so với niềng răng mắc cài, khay niềng trong suốt, không lộ mắc cài, người niềng chủ động, dễ dàng khi tháo lắp để vệ sinh và ăn uống,... Tuy vậy giá thành cho niềng răng trong suốt là rất cao, dao động từ 60 triệu đến 100 triệu.
Thông thường, trong quá trình niềng răng không mắc cài Invisalign, bạn cần thay khoảng 30 – 40 khay niềng, trung bình 2 tuần/ lần. Khay niềng trong suốt của niềng răng không mắc cài Invisalign tạo cho người niềng cảm giác thoải mái, không đau đớn, tự tin trong giao tiếp do khay niềng trong suốt, ôm sát, dễ dàng tháo lắp, nắn chỉnh răng hiệu quả.
Niềng răng invisalign được chỉ định cho hầu hết các trường hợp như lệch lạc trung bình đến nặng, răng hô (khớp cắn ngược), răng móm, cắn hở, cắn sâu... Do đó, nhiều người có nhu cầu niềng răng đã tin dùng niềng răng trong suốt. Tuy vậy, niềng răng trong suốt có phải nhổ răng không đang là băn khoăn của rất nhiều người?
2. Niềng răng trong suốt có phải nhổ răng không?
Dù là niềng răng mắc cài hay niềng răng không mắc cài Invisalign thì vẫn có trường hợp phải nhổ ít nhất từ 2 - 4 chiếc răng, nhất là răng số 4 nhằm mục đích:
- Nới rộng khoảng cách, tạo điều kiện giúp các răng dễ dàng dịch chuyển về vị trí đúng chuẩn.
- Tạo khoảng trống dùng vào việc dàn đều răng đối với những răng mọc chen chúc
- Nhổ các răng bị hô để có khoảng trống kéo lùi hàm trên ra sau
- Đối với những bệnh lý về răng như viêm nhiễm, đau nhức kéo dài... cần được nhổ sớm nhằm thuận lợi cho việc lên kế hoạch điều trị tổng thể
Tuy vậy, trong việc niềng răng trong suốt thì việc nhổ răng phải tùy thuộc vào tình trạng răng miệng của mỗi người. Để có thể quyết định nhổ răng hay không, bạn cần phải đến nha khoa để được thăm khám, chụp phim x-quang răng. Từ đó nha sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác là có nhổ răng hay không?
Thông thường, đối với Invisalign, bạn sẽ chỉ cần thực hiện nhổ bỏ răng số 8 (răng trong cùng của hàm hay còn gọi là răng khôn). Răng số 8 mọc khi các răng khác đã mọc ổn định trên cung hàm, vì vậy nó thường mọc lệch, viêm lợi trùm, mọc kẹt, viêm nhiễm...Việc nhổ răng khôn là điều không đáng lo hại, thậm chí nó còn tốt cho sức khỏe răng miệng. Nguyên nhân là do:
- Răng số 8 không thực hiện chức năng ăn nhai cũng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn miệng.
- Loại bỏ răng 8 giảm bớt các cơn đau phiền phức, ảnh hưởng ăn nhai.
- Nhiều khi răng 8 mọc ngầm, mọc lệch lạc không được xử lý gây ra hôi miệng, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng trầm trọng.
- Nhổ răng số 8 loại bỏ cản trở khớp cắn do răng khôn gây ra, cung cấp khoảng trống phía sau nhằm di xa toàn hàm
Trong trường hợp, răng số 8 mọc hoàn toàn bình thường, không gây đau đớn hay bất kỳ trở ngại gì đến quá trình niềng răng thì không cần nhổ bất cứ răng nào.
Ngoài ra, trong niềng răng trong suốt, nha sĩ sẽ chỉ định nhổ răng trong những trường hợp chen chúc nặng mà việc các răng còn lại di chuyển vào khoảng trống đạt kết quả tốt, những ca có khớp cắn sâu nặng cần thiết di chuyển chân răng, hay những ca bị hô, móm nặng.
Niềng răng chính là một phát minh vĩ đại, mang đến các lợi ích tuyệt vời cho những ai đang gặp khó khăn vì hàm răng không được như ý, đặc biệt là niềng răng trong suốt. Tuy nhiên để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như sức khỏe răng miệng trước, trong và sau khi niềng răng thì bạn nên cân nhắc các ưu nhược điểm của phương pháp này và lựa chọn các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để thực hiện niềng răng.
- Niềng răng có mấy giai đoạn?
- Có thể chỉ niềng 2 răng cửa được không?
- Niềng răng trong suốt invisalign và những điều cần biết