Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nuôi dạy con trưởng thành và nên người là điều mà các mẹ Việt ai cũng mong muốn, thế nhưng lại có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Chính vì vậy, mẹ cần biết các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ để có thể nuôi dạy con đúng cách.
1. Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng không chỉ là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trí lực của trẻ qua các giai đoạn phát triển của bé. Nếu bé có một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì đó sẽ là nền tảng giúp con phát triển khi lớn lên. Còn nếu bé có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn thì dễ mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu dưỡng chất và khi mẹ cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng cho con sẽ khiến bé bị béo phì làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai cũng tác động trực tiếp đến sự phát triển não bộ của thai nhi và sự phát triển lâu dài của trẻ nhỏ. Nếu mẹ bị thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ, não của thai nhi có thể không phát triển đầy đủ.
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển, và nếu trẻ tiếp nhận quá nhiều calo, quá trình phát triển có thể bị chậm lại. Tuy nhiên những trẻ kén ăn lại thường có tốc độ phát triển bình thường, dù các bé có vẻ ăn rất ít, lý do là vì các bé tiêu thụ đủ lượng calo trong những lựa chọn thức ăn hạn chế của mình. Những trẻ tăng cân quá nhiều cũng thường có nguy cơ gặp phải các vấn đề béo phì. Cho bé ăn quá nhiều sẽ không cải thiện sự phát triển hay sức khỏe về lâu dài.
Theo một nghiên cứu được thực hiện trong năm 2010 và công bố trên tạp chí The Journal of Nutrition, trẻ em suy dinh dưỡng có khả năng học hỏi kém hơn so với những trẻ được nuôi với chế độ dinh dưỡng đầy đủ cân bằng.
Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí tuệ mà còn tác động trực tiếp đến chỉ số cảm xúc EQ. Trẻ em bị suy dinh dưỡng từ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc các chứng tự kỷ, lo âu, trầm cảm. Tính cách của trẻ cũng liên quan đến dinh dưỡng, những trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong hai năm đầu đời thường có dấu hiệu nhút nhát, ít hoạt động, ít giao tiếp và thường không biết chia sẻ với người khác.
Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ thông minh: Chất lượng nuôi dưỡng hay chất lượng dinh dưỡng (sữa) trong những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ sau này. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong quá trình phát triển thai nhi và giai đoạn đầu đời thường có chỉ số IQ cao hơn hoặc trẻ bị thiếu sắt sẽ có nguy cơ giảm nhận thức và thành tích ở tuổi đi học. Bên cạnh đó, khoa học cũng chứng minh rằng những trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thường thích vận động, có khả năng tương tác xã hội, ham học hỏi và có khả năng nhận thức tốt hơn. Vì vậy cha mẹ nên lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và dưỡng chất cho sự phát triển não bộ và cơ thể của trẻ.
2. Yếu tố môi trường
Nếu được phát triển trong một môi trường trong xanh, lành mạnh thì bé sẽ có khả năng phát triển thể chất và tinh thần tối ưu, ngược lại nếu bé có một môi trường sống không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, việc hình thành tính cách, và lối suy nghĩ của trẻ. Các mẹ nên chú ý đến môi trường sống của con để bé có cơ hội được vươn mình lớn lên một cách tự tin và hoàn hảo.
3. Yếu tố bệnh tật
Những trẻ mắc bệnh mãn tính thường rất chậm phát triển hơn so với các trẻ khác. Có rất nhiều yếu tố làm cho trẻ bị bệnh như do chế độ dinh dưỡng hạn chế, môi trường sống ô nhiễm, các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy mà các mẹ nên chú ý chăm sóc sức khỏe cho con thật tốt mỗi khi thời tiết thay đổi và chú ý bổ sung vitamin giúp trẻ tăng sức đề kháng chống chọi với bệnh tật hiệu quả hơn.
Ngoài ra ở độ tuổi mầm non thì các bé thường mắc phải bệnh suy dinh dưỡng nên các mẹ hãy chọn cho bé một loại sữa giúp bé tăng cân tốt để đảm bảo cân nặng của con bạn luôn trong tầm kiểm soát và bé không bị còi xương.
4. Yếu tố di truyền
Di truyền cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh nào đó thì các mẹ nên chú ý chăm sóc con và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các căn bệnh của bé.
Trong suốt 3 năm đầu đời, trẻ nhỏ và trẻ tập đi thường chuyển từ đường cong này sang đường cong khác cho tới khi các bé ổn định theo đường cong di truyền của mình, hiện tượng mà các chuyên gia nhi khoa gọi là “chuyển đổi đường cong phát triển ở trẻ nhỏ”. Vì một số trẻ sinh ra thì dài nhưng lại mang ‘gien ngắn”, hoặc một số trẻ sinh ra ngắn nhưng lại mang ‘gien dài”, nên hiện tượng chuyển đổi cũng là khá bình thường. Hầu hết trẻ tìm được đường cong theo gien của mình ở tuổi thứ 2 hoặc 3.
Việc con bạn cao, thấp hay có chiều cao trung bình thì cũng không quan trọng bằng tốc độ phát triển của bé. Nếu bé phát triển theo một trong các đường (của biểu đồ tăng trưởng) thì chắc chắn là bé phát triển bình thường.
5. Yếu tố giáo dục
Trẻ em nếu được cha mẹ yêu thương chỉ bảo và dạy dỗ ngay từ nhỏ sẽ giúp bé phát triển tư tưởng và hình thành nhân cách tốt hơn so với những trẻ không được quan tâm, chăm sóc. Chính vì vậy mà các mẹ hãy dành thời gian quan tâm và chỉ dạy cho con ngay từ nhỏ để bé có được nền tảng phát triển nhân cách đúng đắn.
Đó là các yếu tố có tầm ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của trẻ. Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có thêm thông tin để nuôi dạy các con khỏe mạnh, thông minh và trưởng thành từng ngày.
Cha mẹ nên nắm được những cột mốc quan trọng trong cuộc đời trẻ để đồng hành và giúp con phát triển tốt. Nếu nhận thấy các dấu hiệu khác thường của con, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám.
Cha mẹ có thể đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, vì đây là một trong những bệnh viện uy tín trên cả nước về thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, bệnh lý đường hô hấp, dinh dưỡng đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
- Các mốc quan trọng về xã hội, nhận thức và thể chất của trẻ 2 tuổi
- Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 27 đến 28 tháng)
- Sự phát triển của trẻ 33 tuần tuổi sau sinh