Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Chiều cao là một yếu tố quan trọng của ngoại hình và đặc biệt có những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của mỗi người. Một số nghiên cứu cho thấy chiều cao dưới mức trung bình có thể đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng xuất hiện của một số loại ung thư. Đối với trẻ em, dù là dậy thì sớm hay dậy thì muộn đều có ảnh hưởng nhất định đến chiều cao sau này.
1. Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ
Bộ gen di truyền của cả cha và mẹ luôn có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định chiều cao của trẻ trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mà còn có nhiều yếu tố bên ngoài khác như điều kiện sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu biết cách tập luyện và kiên trì ứng dụng, những điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến chiều cao của trẻ em một cách đáng kể và giúp trẻ dậy thì thành công.
Có 3 giai đoạn vàng phát triển của trẻ là Giai đoạn bào thai; Giai đoạn 0 - 3 tuổi và Giai đoạn tuổi dậy thì.
Khi con thấp còi, cha mẹ chỉ nghĩ đến đi khám dinh dưỡng. Thậm chí nhiều phụ huynh tự ý bổ sung thuốc tăng chiều cao mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ quan niệm con chậm phát triển do những yếu tố như di truyền, bệnh nội khoa...
Thực tế, việc điều trị đúng thời điểm là quan trọng. Bởi nếu qua “giai đoạn vàng” phát triển (từ 4 - 13 tuổi), các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, việc điều trị hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng. Vì vậy nếu trẻ có chiều cao khiêm tốn, không bị suy dinh dưỡng, không bị bệnh lý thì cha mẹ nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ Nội tiết để được điều trị các nguyên nhân nội tiết, đặc biệt là bổ sung hormone nội tiết để phát triển chiều cao cho trẻ.
Xem ngay: Những sai lầm khiến con bỏ lỡ “giai đoạn vàng” phát triển chiều cao
2. Biện pháp giúp trẻ tăng chiều cao
Có không ít cha mẹ thắc mắc: ăn gì để bé phát triển chiều cao ? Thực tế, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ có thể có thể giúp trẻ tăng chiều cao và khỏe hơn thông qua các phương pháp đơn giản và hiệu quả như sau:
Cân bằng chế độ dinh dưỡng: Mặc dù chiều cao phụ thuộc phần lớn vào di truyền nhưng việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong chế độ ăn là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển phù hợp ở giai đoạn dậy thì. Trong 3 năm đầu đời và xoay quanh cột mốc trẻ dậy thì, sự phát triển thể chất của trẻ xảy ra một cách vượt bậc, thậm chí cha mẹ có thể thấy rõ qua từng tuần, từng tháng. Các loại thực phẩm mà trẻ tiêu thụ phải giàu dưỡng chất và cân bằng, bao gồm protein, carbohydrate, chất béo và vitamin theo tỷ lệ chính xác. Nhằm giúp cho quá trình dài ra của xương, việc bổ sung canxi cho bé đúng cách là thông qua chế độ ăn uống thay vì dùng các sản phẩm nhân tạo.
Thực hiện tập thể dục vừa sức: Trẻ trong giai đoạn dậy thì nếu chăm chỉ tập thể dục có thể giúp phát triển chiều cao tối đa, các bài tập mà trẻ có thể áp dụng để dậy thì thành công chính là:
- Bài tập kéo giãn cơ thể: Các bài tập có thể là những động tác đơn giản tiến hành lồng ghép trong những sinh hoạt hằng ngày.
- Bài tập treo mình: Đây cũng là một trong những bài tập kinh điển trong nhiều thập kỷ nay cho các bậc cha mẹ muốn con mình cao hơn. Khi trẻ treo mình đu qua, trọng lực sẽ giúp cột sống kéo giãn và trở nên thon dài. Đây là chi tiết quan trọng để các đốt sống dài ra và trẻ sẽ trở nên cao hơn.
- Tập yoga trẻ em: Yoga không hẳn là một bộ môn tập luyện dành riêng cho người lớn mà còn dành cho trẻ em, nhất là các trẻ dậy thì. Thực hành yoga lâu đời cũng bao gồm rất nhiều bài tập thúc đẩy kéo dài và cân bằng cơ thể. Vì vậy, đây cũng là phương pháp lý tưởng cho trẻ em để làm cho chúng cao hơn.
- Nhảy dây: Khi nhảy dây, cơ thể đòi hỏi tất cả các cơ bắp đều phải vận động và tập trung. Sức bật đòi hỏi đôi chân cần lặp lại nối tiếp nhau trong thời gian rất ngắn cũng là một bài tập tuyệt vời nếu bạn muốn con trở nên cao hơn ở giai đoạn dậy thì.
- Bơi lội: Bơi lội là một bài tập toàn thân có nghĩa là đòi hỏi cần có sự hoạt động của tất cả các nhóm cơ trong cơ thể để có một hiệu quả đồng bộ, giúp cơ thể di chuyển trong môi trường nước hay thậm chí chỉ là thả lỏng tự nhiên.
- Chạy bộ: Chạy bộ giúp củng cố xương ở chân và cũng làm tăng lượng GH - một loại hormone tăng trưởng giúp thúc đẩy tăng chiều cao cho trẻ dậy thì.
.
Tóm lại, hầu hết các bậc cha mẹ đều thích cho con mình cao và khỏe vì đây là những dấu hiệu của sức khỏe tốt. Chính vì vậy, cha mẹ thường cố gắng hết sức để đảm bảo con cái có điều kiện tốt để tăng chiều cao. Với những thông tin trên đây, cha mẹ có thể hỗ trợ con trẻ tại nhà, giúp tăng chiều cao trong giai đoạn dậy thì một cách khoa học, hiệu quả và hợp lý.
Nếu trong các trường hợp áp dụng các lối sống, dinh dưỡng mà chiều cao của trẻ không thể cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu Nội tiết - Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Cách tăng chiều cao tối đa trong giai đoạn dậy thì
- Các giai đoạn dậy thì được giải thích bằng hình ảnh
- Thực đơn dinh dưỡng phát triển chiều cao