Mục lục
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Thái - Bác sĩ Sản phụ khoa - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là thời điểm các nội tiết tố trong cơ thể bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm sinh lý của chị em phụ nữ. Nhận biết được các dấu hiệu sớm của tình trạng bệnh sẽ giúp bạn có cơ hội điều trị sớm kéo dài tuổi xuân và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
1. Những thay đổi quan trọng trong thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh
Tuổi tiền mãn kinh thường bắt đầu từ bao nhiêu? Là vấn đề nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Thực tế, tuổi tiền mãn kinh có thể xuất phát từ tuổi 45, một số người có thể sớm hơn hoặc chậm hơn thời điểm này.
Chị em sau tuổi 45 có thể gặp một số dấu hiệu sau đây :
- Nóng ran hoặc ớn lạnh
- Đổ mồ hôi đêm
- Đau xương khớp, cổ vai gáy
- Hồi hộp, đánh trống ngực
- Khó ngủ, ngủ ít
- Tóc mỏng và da khô
- Thay đổi tâm trạng: Lo âu, buồn bã, kém tự tin
- Tăng cân và chậm trao đổi chất
- Loãng xương
- Thay đổi nồng độ cholesterol
- Kinh nguyệt không đều
- Mất sự đầy đặn của bầu ngực, tập trung mỡ vùng bụng, đùi, bắp tay
- Âm hộ, âm đạo nhỏ, kém hồng, giảm tiết dịch
- Khô âm đạo, đau khi giao hợp. Giảm hưng phấn, lảng tránh quan hệ vợ chồng
Ngoài ra, chị em phụ nữ trong độ tuổi này còn có thể gặp các vấn đề về bàng quang, trực tràng. Đặc biệt, ở nhiều người còn có thể gặp các triệu chứng phối hợp như:
- Tiểu không tự chủ: són tiểu khi gắng sức (ho, hắt hơi, cười to, lên cầu thang, mang vật nặng ....)
- Tiểu gấp: són tiểu do cảm giác buồn tiểu đến nhanh và mạnh, không nhịn được khi đến được nhà vệ sinh.
- Tiểu khó: tiểu lâu, phải rặn, tiểu không hết
- Không nhịn trung tiện được.
- Són phân
Đây đều là các triệu chứng thường gặp và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như đời sống tình dục của vợ chồng. Vì thế, chị em phụ nữ trong độ tuổi này nên thực hiện khám phụ khoa và khám sức khỏe tổng quát để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
2. Điều trị bệnh lý tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh
Do tính chất đặc biệt của các rối loạn chức năng và bệnh lý thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh nên việc điều trị cần phải thực hiện theo nguyên tắc tổng thể, phối hợp đa chuyên ngành: Phụ khoa Mãn kinh, Nội tiết, Tim mạch, Tiết niệu, Tiêu hóa, Tâm lý liệu pháp, Phục hồi chức năng, Dinh dưỡng , Phẫu thuật.
Thông thường, bác sĩ phụ khoa chuyên về Mãn kinh sẽ là người chịu trách nhiệm chính, đồng hành với chị em trong suốt quá trình theo dõi và điều trị. Vì thế, trong quá trình này nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, bạn có thể trực tiếp hỏi và nhờ tham vấn chuyên môn của bác sĩ.
- Phụ nữ khi quan hệ khô rát phải làm sao?
- Suy buồng trứng: Nguyên nhân, dấu hiệu, ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe phụ nữ
- Ra máu sau khi quan hệ cần cảnh giác ung thư vùng kín?