Mục lục
Chán nản là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng nếu những cảm giác này kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, có thể bạn đang bị trầm cảm. Nhiều người cho rằng khi già đi thì sẽ dễ bị trầm cảm hơn, tuy nhiên, theo các nghiên cứu thì trầm cảm không phải là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Vậy điều gì là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm tuổi già?
1. Trầm cảm là gì?
Để biết được nguyên nhân của bệnh trầm cảm ở người già, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem trầm cảm là gì. Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, hành động và suy nghĩ. Trầm cảm là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng trầm cảm lâm sàng không phải là một phần tự nhiên liên quan đến quá trình lão hóa. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy hầu hết người lớn tuổi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, mặc dù người cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều bệnh tật hoặc các vấn đề về thể chất hơn những người trẻ tuổi. Riêng với những người đã từng bị trầm cảm khi còn trẻ có thể dễ bị trầm cảm hơn khi trưởng thành.
Có các loại trầm cảm ở người cao tuổi khác nhau, cụ thể, theo Viện sức khỏe Tâm thần quốc gia Hoa Kỳ, người lớn tuổi có thể mắc các loại trầm cảm gồm:
- Trầm cảm nặng: triệu chứng trầm cảm đủ nghiêm trọng để cản trở công việc, giấc ngủ, học tập, cảm giác thèm ăn và hứng thú với công việc. Mỗi người có thể trải qua một hoặc nhiều đợt trầm cảm nặng và tình trạng này có thể liên quan đến chứng rối loạn tâm thần.
- Trầm cảm nhẹ (Dysthymia): trầm cảm nhẹ, hoặc dai dẳng có thể kéo dài từ hai năm trở lên.
- Trầm cảm theo mùa (Seasonal affective disorder – SAD): các triệu chứng trầm cảm thường xảy ra phổ biến hơn trong một số mùa nhất định, thường gặp nhất là các tháng mùa thu và đông.
2. Làm sao biết bạn đang mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi?
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm đều giống nhau ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của người lớn tuổi có thể khác biệt. Cụ thể, thay vì cảm thấy buồn, áp lực đè nặng như ở người trẻ, ở người lớn tuổi thường ghi nhận các biểu hiện khác nhau như:
- Xuất hiện các vấn đề về nhận thức;
- Giảm hứng thú với các hoạt động;
- Mất khả năng tập trung;
- Đau nhức dai dẳng;
- Vấn đề về tiêu hóa;
Mặc dù, giống như người trẻ tuổi, ý định tự tử cũng xuất hiện ở người lớn tuổi. Nhưng nếu các bạn trẻ sẽ bị trầm cảm thường sẽ làm tổn thương bản thân thì trầm cảm tuổi già khiến bệnh nhân ước không phải thức dậy vào mỗi buổi sáng hoặc trở nên mâu thuẫn về cuộc sống và sự tồn tại của họ.
3. Tác nhân gây ra trầm cảm ở người cao tuổi là gì?
Có nhiều nguyên nhân là yếu tố nguy cơ của bệnh trầm cảm. Theo các thống kê, trầm cảm ở người cao tuổi xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới có lẽ do áp lực gia đình và công việc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những yếu tố có liên quan đến nguy cơ trầm cảm, nhưng không nhất thiết sẽ gây ra trầm cảm:
- Những thay đổi trong não là lý do trầm cảm ở tuổi già, khi bạn già đi, lưu lượng máu bị hạn chế, các mạch máu bị cứng lại và giảm lưu lượng máu đến não theo thời gian. Kết quả của việc suy giảm chức năng mạch máu làm tăng nguy cơ các bệnh lý mạch máu khác, bao gồm bệnh tim và đột quỵ.
- Những người mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng vận động và giảm chất lượng cuộc sống như: bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh parkinson, Alzheimer, ung thư, bị khuyết tật hoặc bị mắc một căn bệnh mới,...
- Người bị tiền sử trầm cảm hồi trẻ hoặc tiền sử gia đình có người bị trầm cảm;
- Căng thẳng, áp lực kéo dài;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Nghiện rượu, liên quan đến trầm cảm do chất gây nghiện;
- Thiếu vận động, tập thể dục;
- Gặp phải các mất mát, biến cố trong cuộc đời như người thân qua đời hoặc phải chăm sóc người thân bị bệnh hiểm nghèo, khuyết tật,...
- Sử dụng một số các thuốc điều trị các bệnh mãn tính như thuốc điều trị tăng huyết áp (nhóm chẹn kênh Canxi, chẹn Beta); thuốc hạ lipid máu (Lipitor, Mevacor, Zocor); thuốc ngủ; corticoid;...
Tuy nhiên, một số người già có thể bị trầm cảm mà không rõ nguyên do.
4. Làm gì nếu mắc bệnh trầm cảm tuổi già?
Trầm cảm là một tình trạng nghiêm trọng, tuy nhiên, có thể điều trị được. Phương pháp điều trị cụ thể như tư vấn tâm lý, sử dụng thuốc,....có thể giúp tình trạng trầm cảm cải thiện. Một số lời khuyên cho người bị trầm cảm tuổi già là:
- Cố gắng tiếp cận và giữ kết nối: Thông thường khi bị trầm cảm, bệnh nhân sẽ không muốn làm điều gì hoặc gặp bất cứ ai, tuy nhiên, sự cô lập chỉ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn. Vì thế, nếu gia đình có người lớn tuổi mắc bệnh trầm cảm, các thành viên nên kết nối, quan tâm đến họ và hạn thời gian họ phải ở một mình. Bước ra thế giới, đi đến công viên, đi làm tóc, đi ăn trưa hay thăm thú sẽ giúp giải tỏa những lo lắng ở người trầm cảm. Bạn cũng có thể đăng ký các lớp học, câu lạc bộ để gặp gỡ những người bạn già để giao lưu và chia sẻ cùng nhau.
- Nỗ lực tìm ý nghĩ và mục đích sống: để vượt qua trầm cảm và ngăn nó quay trở lại, điều quan trọng là tìm mục đích và lý tưởng sống mạnh mẽ. Khi già đi, việc nghỉ hưu, mất đi bạn bè, người thân,... khiến bạn cảm thấy chán nản và dễ dẫn đến trầm cảm. Vì thế, tìm một việc làm mà mình ưa thích, tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp người già cải thiện tình trạng trầm cảm.
- Xây dựng các thói quen tích cực, dành thời gian đi du lịch, tắm nắng, hoạt động thể chất,... cũng giúp cải thiện tình trạng trầm cảm ở người già.
Trong một số trường hợp, bệnh trầm cảm ở người già cần phải sử dụng thuốc, nhưng điều may mắn là nó có thể điều trị được. Nếu bạn biết ai đó đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm tuổi già, hãy khuyên họ đến nhận sự tư vấn và điều trị của bác sĩ để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: webmd.com, health.clevelandclinic.org, nia.nih.gov, webmd.com
- Công dụng của thuốc Mirzaten
- Các thuốc làm bệnh trầm cảm thêm nghiêm trọng
- 11 vấn đề khiến bệnh tăng động giảm chú ý người lớn tồi tệ hơn