Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Bộ gen di truyền của cả cha và mẹ luôn có vai trò quan trọng nhất trong việc xác định chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng mà còn có nhiều yếu tố bên ngoài khác như điều kiện sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu biết cách tập luyện và kiên trì áp dụng, những điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến chiều cao của trẻ em một cách đáng kể.
1. Chế độ ăn uống cân bằng
Trong 3 năm đầu đời và xoay quanh cột mốc trẻ dậy thì, sự phát triển thể chất của trẻ xảy ra một cách vượt bậc, thậm chí cha mẹ có thể thấy rõ qua từng tuần, từng tháng. Để được như vậy, khía cạnh quan trọng nhất làm tăng chiều cao cho con là bạn cần đảm bảo bé có được một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Cụ thể là các loại thực phẩm mà trẻ tiêu thụ phải giàu dưỡng chất và cân bằng, phải bao gồm protein, carbohydrate, chất béo và vitamin theo tỷ lệ chính xác. Nhằm giúp cho quá trình dài ra của xương, việc bổ sung canxi cho bé đúng cách là thông qua chế độ ăn uống thay vì dùng các sản phẩm nhân tạo.
Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo rằng trẻ cần tránh xa đồ ăn vặt giữa các bữa ăn để giúp sự hấp thu các chất từ bữa ăn chính đạt hiệu quả nhất. Thực đơn cho trẻ cần chế biến từ các thực phẩm tươi sống, tránh các thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn như bánh mì kẹp thịt, đồ uống có gas và đồ chiên ngập dầu mỡ nói chung. Lúc này, một chế độ ăn uống cân bằng không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp để tăng chiều cao cho con bạn mà còn giúp bé khỏe hơn, thông minh hơn theo mọi mặt.
2. Bài tập kéo giãn cơ thể
Các bài tập kéo giãn cơ thể, dù chúng chỉ là những bài tập đơn giản, có thể có tác động rất lớn đến chiều cao của con bạn. Như vậy, ngay từ khi trẻ có ý thức và biết hợp tác, cha mẹ cần giới thiệu, hướng dẫn hay làm mẫu cho con các bài tập môn thể thao nào để tăng chiều cao, kéo giãn xương khớp toàn thân, điều kiện tốt hơn cho quá trình tăng chiều cao.
Trong thực tế, việc thực hiện các động tác kéo dài này sẽ giúp kéo dài cột sống và cũng cải thiện tư thế của con bạn mọi lúc mọi nơi mà không tốn quá nhiều thời gian, công sức. Các bài tập có thể là những động tác đơn giản tiến hành lồng ghép trong những sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ như mẹ có thể đứng trên đầu ngón chân của mình, lưng dựa vào tường để kéo căng các cơ ở chân và yêu cầu trẻ bắt chước làm theo. Một bài tập đơn giản khác là cho trẻ ngồi trên sàn với hai chân dang rộng và vươn tay chạm vào hai ngón chân bằng hai tay.
3. Bài tập treo mình
Các bài tập treo mình thực chất là những trò chơi mà trẻ cần đi qua một quãng đường ngắn bằng cách đu mình trên các thanh nắm tay trên đầu. Đây cũng là một trong những bài tập kinh điển trong nhiều thập kỷ nay cho các bậc cha mẹ muốn con mình cao hơn.
Khi trẻ treo mình đu qua, trọng lực sẽ giúp cột sống kéo giãn và trở nên thon dài. Đó là chi tiết quan trọng để các đốt sống dài ra và trẻ sẽ trở nên cao hơn. Ngoài ra, việc treo mình thường xuyên cũng có thể giúp sức cơ của các cơ bắp trên cánh tay và dọc sống lưng được mạnh mẽ hơn.
4. Tư thế yoga
Yoga không hẳn là một bộ môn tập luyện dành riêng cho người lớn mà còn dành cho trẻ em, nhất là các trẻ dậy thì. Thực hành yoga lâu đời cũng bao gồm rất nhiều bài tập thúc đẩy kéo dài và cân bằng cơ thể. Vì vậy, đây cũng là phương pháp lý tưởng cho trẻ em để làm cho chúng cao hơn.
Mặc dù một số động tác yoga có vẻ nhẹ nhàng, khoan thai nhưng việc tập luyện bộ môn này lại luôn khiến cho toàn bộ cơ thể phải nỗ lực hoạt động tập trung cao độ, duỗi các cơ cánh tay, lưng và thậm chí cả hai chân. Sau đó, toàn cơ thể lại phải cố gắng giữ hình dạng này càng lâu càng tốt, để đạt hiệu quả chắc chắn hơn.
5. Nhảy dây
Nhảy dây cũng là một bài tập đơn giản, lặp đi lặp lại liên tục. Tuy vậy, nó cũng không dễ dàng để thực hiện trong suốt một thời gian nhất định mà không đòi hỏi tính kiên trì.
Khi nhảy dây, cơ thể đòi hỏi tất cả các cơ bắp đều phải vận động và tập trung. Sức bật đòi hỏi đôi chân cần lặp lại nối tiếp nhau trong thời gian rất ngắn cũng là một bài tập tuyệt vời nếu bạn muốn con trở nên cao hơn. Khi đó, cơ thể kéo dài hoàn toàn khi trẻ nhảy qua dây, thúc đẩy sự phát triển theo chiều dọc. Hơn nữa, nhảy dây cũng là một bài tập tốt cho hệ tim mạch tuyệt vời, giữ cho hệ tuần hoàn luôn hoạt động mạnh mẽ và còn đem lại một nguồn năng lượng tích cực.
6. Bơi lội
Bơi lội không chỉ là một môn thể thao mà còn là một thói quen lành mạnh, giúp con bạn luôn năng động và cũng có rất nhiều trẻ em yêu thích hoạt động này.
Bơi lội là một bài tập toàn thân, có nghĩa là đòi hỏi cần có sự hoạt động của tất cả các nhóm cơ trong cơ thể để có một hiệu quả đồng bộ, giúp cơ thể di chuyển trong môi trường nước hay thậm chí chỉ là thả lỏng tự nhiên. Nếu kiên nhẫn tập bơi trong một thời gian dài, con bạn sẽ giảm lượng chất béo thừa ở bất kỳ vị trí nào và làm cho cơ bắp trở nên khỏe mạnh hơn. Hơn nữa, môi trường trong nước còn giúp cho xương khớp được thả lỏng và phát triển mà không chịu ràng buộc bởi các lực tác động nào. Cuối cùng, bơi lội cũng là một hoạt động rất thú vị, không một đứa trẻ nào từ chối được việc chơi đùa trong nước.
7. Chạy bộ
Chạy bộ là một bài tập tuyệt vời, không chỉ dành cho trẻ em mà đôi khi còn đem lại nhiều lợi ích cho người lớn. Chạy bộ giúp củng cố xương ở chân và cũng làm tăng lượng GH, một loại hormone tăng trưởng giúp thúc đẩy tăng chiều cao.
Để trẻ kiên trì tập chạy bộ mỗi ngày, cha mẹ cần đồng hành cùng trẻ và làm cho hoạt động này luôn thú vị, vui tươi như phối hợp cùng nhiều hoạt động khác, thay đổi môi trường chạy bộ khác nhau...
8. Ngủ đủ giấc
Tầm quan trọng của giấc ngủ không bao giờ có thể được lãng quên, dù trong suốt thời gian này cơ thể hoàn toàn không có những hoạt động có ý thức gì. Tuy nhiên, giấc ngủ lại là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn, bao gồm cả chiều cao.
Mặc dù vậy, giấc ngủ chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn phải đảm bảo rằng trẻ ngủ đủ 8 tiếng liên tục trong hầu hết các đêm. Chính điều kiện này mới giúp trẻ cao hơn và khỏe hơn. Nguyên nhân là trong khi trẻ ngủ sâu, não sẽ bài tiết ra nhiều hormone tăng trưởng GH, tác động trực tiếp lên hệ cơ xương, khiến chúng huy động nhiều vật chất hơn, to hơn và dài ra.
9. Tư thế
Để tăng chiều cao cho con bạn, bạn không thể lơ là việc xây dựng và duy trì cho trẻ một thói quen có một tư thế thích hợp. Nếu tư thế ngồi, đi lại hay vận động không cân đối, trở nên nghiêng vẹo sang một bên sẽ tạo điều kiện khiến cột sống mất đi tính trụ cột bền vững, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chiều cao của cơ thể.
Như vậy, hãy liên tục để mắt và chắc chắn rằng con bạn luôn thực hành một tư thế tốt, không chỉ để tăng chiều cao mà còn để ngăn ngừa bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe lâu dài.
10. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Ánh sáng mặt trời vốn là nguồn cung cấp Vitamin D tự nhiên cho cơ thể một lượng nhiều hơn rất nhiều so với nguồn từ thực phẩm ăn vào. Vitamin D là một yếu tố tuyệt vời giúp cho sự tăng trưởng cơ bắp và xương, qua đó giúp tăng chiều cao cho con bạn.
Ngoài ra, vitamin D cũng giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi tốt hơn từ chế độ ăn uống và giúp xây dựng, củng cố chất lượng xương. Vì vậy, hãy khuyến khích con bạn ra khỏi nhà, tham gia các hoạt động ngoài trời, nơi có ánh sáng tự nhiên. Lúc này, trẻ được vận động toàn diện hệ cơ xương khớp trong cơ thể và còn có cơ hội hấp thu vitamin D giúp sự phát triển trở nên vững vàng hơn.
Tóm lại, hầu hết các bậc cha mẹ đều thích con mình cao và khỏe vì đây là những dấu hiệu của sức khỏe tốt. Chính vì vậy, cha mẹ thường cố gắng hết sức để đảm bảo con cái có điều kiện tốt để tăng chiều cao. Với những thông tin trên đây, cha mẹ có thể hỗ trợ con trẻ tại nhà, giúp tăng chiều cao một cách khoa học, hiệu quả và hợp lý.
Nếu trong các trường hợp áp dụng các lối sống, dinh dưỡng mà chiều cao của trẻ không thể cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu Nội tiết - Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Các vitamin và khoáng chất cho tuổi dậy thì
- Mỗi năm trẻ cần cao thêm bao nhiêu mới đạt chuẩn?
- Có nên bổ sung vitamin D3 và K2 cho trẻ để tăng chiều cao không?